Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Lơ là với dịch, hậu quả khôn lường

Cập nhật: 24/2/2014 | 12:46:41 PM

Các ngành, các cấp, các địa phương phải tập trung cao độ giám sát dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó các tình huống.

Triển khai kế hoạch tiêm vaccin phòng sởi và tiêm vét vaccin sởi trên toàn quốc.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9cúm A/H5N1 và phòng, chống dịch sởi được tổ chức tại Bộ Y tế ngày 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta cần làm quyết liệt để dịch bệnh không xâm nhập, lây lan và bùng phát. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh...

Lơ là với dịch, hậu quả khôn lường
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Minh

Xuất hiện nhiều chủng cúm

Tại cuộc họp, PGS.TS.Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Nhận định này dựa trên kết quả giám sát và chủ động xét nghiệm hơn 5.600 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng thời gian qua, không phát hiện trường hợp nhiễmcúm A/H7N9 mà chủ yếu là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm gần 20 nghìn mẫu gia cầm lấy tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh thành phía Bắc đều âm tính với virut cúm A/H7N9. Về cúm A/H5N1, từ đầu năm 2014 đến nay, phát hiện 2 trường hợp mắc và đều tử vong. Trong khi đó, cả nước hiện có 64 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm; nguy cơ dịch bệnh lây sang người bùng phát bất cứ lúc nào.

Liên quan đến dịch cúm A/H7N9, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ mối lo ngại, việc đóng cửa chợ gia cầm sống ở Quảng Tây đã tạo ra một lượng lớn gia cầm cần tiêu hủy, điều này xuất hiện nguy cơ gia cầm đó được chuyển sang Việt Nam. Để ngăn chặn việc vận chuyển trái phép là vô cùng khó khăn và đó là trách nhiệm không chỉ của một ngành mà phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và chính quyền cơ sở.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để chống được nhập lậu gia cầm và gia cầm mang mầm bệnh từ các nước vào Việt Nam từ đó mang theo cúm A/H5N1và cúm A/H7N9 trên người, cùng với các bộ, ngành T.Ư, không chỉ các địa phương giáp biên giới mà các địa phương khác cần tăng cường giám sát trên cả đường hàng không, đường sắt, đường bộ nhằm kịp thời phát hiện, cách ly ngay từ cửa khẩu các mầm bệnh. Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây sẽ có 5 đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư ở những tỉnh có biên giới đường bộ, hàng không, đường sắt có khả năng nhập gia cầm.

Không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, hậu quả sẽ nặng nề...

Về dịch sởi đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành phố, Bộ Y tế nhận định đây là bệnh lành tính nhưng nếu chủ quan thì tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao. Nguyên nhân xảy ra dịch sởi, ngoài chu kỳ 3 - 5 năm lại tái diễn còn do ở vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phía Bắc tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Do đó, nhằm kiểm soát dịch sởi, khống chế dịch sởi, giảm số ca mắc và biến chứng do sởi, từ nay đến tháng 4/2014, Bộ Y tế sẽ triển khai Kế hoạch tiêm vaccin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccin sởi trên toàn quốc. Theo đó, đối tượng tiêm vaccin sởi đợt này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccin sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo quy định. Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đợt này sẽ tiêm vaccin sởi cho hơn 95% các đối tượng nêu trên. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có lẽ chúng ta phải duy trì lại phương thức tiêm chủng ở thời kỳ đầu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng là ngoài việc tiêm chủng thường xuyên định kỳ hàng tháng, ngành y tế sẽ duy trì đội tiêm phòng di động, mang vaccin đến từng xã, rồi đến từng thôn bản, thậm chí đến từng nhà dân để tiêm cho trẻ em, vì tại vùng sâu, vùng xa, nhất là miền núi phía Bắc, có nơi nhà dân cách điểm tiêm chủng hơn chục km và chỉ có thể đi bộ, phải mất nửa ngày, thậm chí cả ngày mới đến nơi.

Lơ là với dịch, hậu quả khôn lường
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TM

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, việc bùng phát dịch sởi trên diện rộng hiện nay là một minh chứng cho thấy, khi chúng ta lơ là, không đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ thì hậu quả của những năm sau là dịch bệnh sẽ bùng phát. Thực tế này không chỉ đặt ra nhiệm vụ cho ngành y tế mà còn là của cả xã hội cần phải nâng cao trách nhiệm trong công tác tiêm chủng, phòng chống dịch. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, không có ngành y tế của bất kỳ đất nước nào, dù là của nước phát triển có thể khẳng định không để xảy ra sai sót chuyên môn, sự cố tiêm chủng, tuy nhiên chúng ta cần làm tốt hơn công tác này để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót.

Về phòng chống dịch cúm ở người, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng như các địa phương không được chủ quan, lơ là mà cần phải vào cuộc quyết liệt để nâng cao công tác phòng chống dịch, trong đó quan trọng là giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên và các chủng virut cúm mới, sẵn sàng các tình huống, cấp độ cụ thể và trách nhiệm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc tuyên truyền về dịch bệnh cần cụ thể, đúng mức để nhân dân không hoảng hốt, không tẩy chay gia cầm nhưng phải cảnh giác cao độ với dịch bệnh này.

Thái Bình

* TS. Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO ở Việt Nam: Đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch của y tế Việt Nam

Dịch cúm gia cầm A/H7N9 là một nguy cơ, hiểm họa đối với Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để ngành y tế Việt Nam thể hiện khả năng đối phó với dịch bệnh. Việt Nam đã từng đối phó thành công với dịch bệnh trong lịch sử và ngành y tế Việt Nam đã được kiểm chứng năng lực khi đối phó. Do đó, tôi đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế Việt Nam trong công tác phòng chống dịch.

* Ông Lý Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ đó ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan ở người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Xác định việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ đó ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan ở người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Thực tế những năm qua, Lạng Sơn đã rất quyết liệt trong công tác phòng chống gia cầm nhập lậu, tuy nhiên do đường biên giới dài nên việc nhập lậu nhỏ lẻ vẫn còn. Hiện nay, các cơ quan liên quan của tỉnh đã triển khai thiết lập 14 chốt trạm 24/24 giờ với tinh thần làm việc không có ngày nghỉ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai thực hiện cam kết trong nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các vi phạm. Do đó, các mẫu xét nghiệm mới đây nhất đối với gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện virut cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan vào Lạng Sơn là rất cao.

* Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có các dịch bệnh đang có số ca mắc cao là tay-chân-miệng và sởi, đặc biệt tỉnh đã có ca mắc cúm A/H5N1 và đã tử vong. Do đó, về công tác phòng chống dịch bệnh, hiện nay chúng tôi đã triển khai rất quyết liệt đến từng cơ sở và thực hiện phương châm không giấu giếm dịch, thực hiện giám sát đến tận nguồn lây bệnh. Bên cạnh đó, Đồng Tháp đã có kế hoạch cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống dịch.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014