Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

"Quảng Ninh hoàn toàn chủ động trong việc phòng, chống bệnh do vi rút Zika"

Cập nhật: 7/11/2016 | 9:28:20 AM

Vi rút Zika đã có mặt tại Việt Nam, khiến nhiều người mắc bệnh, trong đó xác định một trẻ ngụ tại Đắk Lắk bị tật đầu nhỏ là do loại vi rút này gây nên. Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika diễn biến phức tạp, Báo Quảng Ninh đã nhận được nhiều câu hỏi của người dân liên quan đến bệnh do vi rút này gây nên cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng. Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế trả lời bạn đọc những thắc mắc này...

- Thưa đồng chí, hiện nước ta đã có nhiều người mắc vi rút Zika. Vậy, tỉnh Quảng Ninh đang ở mức nguy cơ nào? Có cần nâng mức cảnh báo cho người dân về vi rút Zika không?

+ Đến thời điểm này tại nước ta đã ghi nhận 36 ca nhiễm vi rút Zika, trong đó TP Hồ Chí Minh 29 ca; Đắk Lắk, Bình Dương mỗi tỉnh 2 ca; Khánh Hoà, Phú Yên, Long An mỗi tỉnh 1 ca. Việt Nam được coi là lưu hành bệnh Zika.

Trước tình hình dịch như hiện nay, ngày 17-10, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) thuộc Bộ Y tế đã họp khẩn dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cảnh báo trong thời gian tới, tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục phát hiện thêm các trường hợp mắc vi rút Zika, đặc biệt là tại các vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika. EOC đã nâng mức cảnh báo và khuyến cáo phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.

Quảng Ninh không những là tỉnh du lịch sôi động, có cửa khẩu mà còn là tỉnh có lưu hành muỗi Aedes (muỗi vằn), loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika. Do đó, bệnh Zika hoàn toàn có thể xâm nhập và bùng phát tại tỉnh ta bất cứ lúc nào. Để đảm bảo công tác phòng, chống vi rút Zika có hiệu quả, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế Quảng Ninh đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt là những người đi về từ vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly và xử lý kịp thời, chủ động theo dõi sức khoẻ.

- Trước tình hình dịch bệnh Zika, sốt xuất huyết như vậy, ngành y tế tỉnh có những phương án và sự chuẩn bị gì để đối phó với dịch bệnh?

+ Sau khi có công điện của Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Xây dựng và triển khai lồng ghép phòng chống sốt xuất huyết và Zika tới tất cả các đơn vị trong tỉnh; thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng chống dịch, cách phát hiện bệnh, cách diệt muỗi, cách phòng chống muỗi đốt...

Ngành Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Zika cho từng đơn vị như dự trù thuốc, hoá chất phục vụ cho công tác chống dịch chủ động. Tập huấn công tác giám sát và điều trị cho các đơn vị y tế. Giám sát chủ động các ca bệnh tại các đơn vị điều trị, tại các hộ gia đình. Triển khai xét nghiệm ngay khi có ca bệnh nghi ngờ. Tính đến nay, Quảng Ninh hoàn toàn chủ động trong việc phòng chống bệnh do vi rút Zika, các ca xét nghiệm đến thời điểm hiện nay đều cho kết quả âm tính...

- Rất nhiều độc giả thắc mắc về việc làm thế nào để biết mình bị nhiễm vi rút Zika? Biện pháp điều trị là gì? Có vắc xin phòng bệnh không?

+ Vi rút Zika thường gây bệnh nhẹ với các triệu chứng xuất hiện một vài ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Hầu hết người bệnh sẽ bị sốt nhẹ và phát ban; một số có thể viêm kết mạc, đau cơ, khớp và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng thường hết trong khoảng 2-7 ngày. Các dấu hiệu lâm sàng tương đối giống với bệnh sốt xuất huyết, vì vậy muốn biết chính xác cần phải làm xét nghiệm miễn dịch hoặc RT-PCR tìm vi rút Zika. Hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh đã làm được xét nghiệm chẩn đoán Zika.

- Về phía người dân, đồng chí có những khuyến cáo gì?

+ Việc bảo vệ tốt nhất đối với ​​vi rút Zika cũng như các bệnh khác do muỗi truyền như sốt xuất huyết, sốt vàng... là tránh bị muỗi đốt. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản, vật chắn muỗi như lưới chống muỗi, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ màn. Ngoài ra, cần đổ hết nước, làm sạch hoặc đậy kín các thùng chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ, để loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản. Muỗi vằn là loại muỗi đẻ ở nơi nước trong như nước mưa, nước trong lọ đựng hoa... và thường đốt ban ngày vào chập tối hay lúc sáng sớm.

Người dân không nên quá lo lắng; bệnh dịch Zika hầu hết là thể nhẹ và tự khỏi mà không phải điều trị. Quan trọng nhất là người dân cần phòng chống muỗi đốt, thường xuyên quan tâm đến sức khoẻ và tham khảo tư vấn của cán bộ y tế về nội dung này. Với các bà mẹ chuẩn bị mang thai và đang mang thai không đến vùng dịch khi không cần thiết...

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014