Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tẩy chay vắc xin là sai lầm nghiêm trọng

Cập nhật: 18/7/2017 | 2:56:19 PM

Gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, nhóm cộng đồng kêu gọi tẩy chay vắc xin, lôi kéo các bậc cha mẹ từ chối tiêm phòng cho con. Việc làm này khiến nhiều người băn khoăn, nghi ngờ tác dụng của vắc xin, dẫn đến không tiêm phòng cho trẻ em cũng như bản thân. Phóng viên Báo Quảng Ninh có cuộc phỏng vấn bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh liên quan đến vấn đề này.

- Thưa bác sĩ, trào lưu tẩy chay, không tin tưởng sử dụng vắc xin (anti vắc xin) đang ngày một lan rộng trong cộng đồng. Bác sĩ đánh giá thế nào về tình trạng này?

Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh.

+ Việc sử dụng vắc xin để phòng bệnh được khởi xướng bởi Edward Jenner với phương pháp chủng đậu bò để chống bệnh đậu mùa từ năm 1796. Nhưng Louis Pasteur (cuối thế kỷ 19) đã hoàn thiện kỹ thuật và đưa phương pháp gây miễn dịch chủ động phòng chống các bệnh tả, than, dại,... bằng tiêm vắc xin. Chính Louis Pasteur đã mở đầu một kỷ nguyên dùng vắc xin phòng chống bệnh dịch. Phát sinh ra vắc xin được coi là 100 phát minh lớn của nhân loại.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai ở Quảng Ninh từ năm 1981 tại phường Phương Nam (TP Uông Bí) với mục tiêu ban đầu là tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau đó triển khai thêm ở các xã, phường trong toàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, đã có 11 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib.

“Anti” vắc xin xuất hiện từ lâu, bắt đầu từ nước ngoài và lan vào nước ta, thường là bắt đầu từ những người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn. Sở dĩ gần đây tiếp tục rộ lên phong trào này là do cộng đồng mạng nói nhiều, nói không đúng về tai biến của vắc xin, lôi kéo những người đang còn lăn tăn về tiêm chủng và câu chuyện dần dần gây ảnh hưởng đến một số người.

Tiêm chủng phòng bệnh là một trong những thành tựu nổi bật nhất trong cuộc đấu tranh chống các bệnh truyền nhiễm ở thế kỷ 20 của Việt Nam và các nước trên thế giới. Nếu chúng ta không tiêm chủng thì chắc chắn dịch bệnh sẽ quay trở lại, sự trả giá có thể rất nặng nề, đó là sinh mạng của hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn đứa trẻ. Những vắc xin đang sử dụng hiện nay đôi khi có phản ứng không mong muốn nhưng là trên những cá thể nhỏ lẻ, do cơ địa. Không phải vì những trường hợp đơn lẻ do cơ địa mà chúng ta bài trừ vắc xin. Những loại vắc xin sử dụng hiện nay đều đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng và có tính an toàn rất cao.

- Ở Quảng Ninh, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin ở trẻ em ra sao, thưa bác sĩ?

+ Từ năm 1985 tới nay, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trong tỉnh đã được tiêm chủng miễn dịch cơ bản với tỷ lệ tương đối cao, duy trì mức từ 90-95%. Mạng lưới phòng tiêm chủng được duy trì hàng tháng tại 186 xã, phường, thị trấn và tại khoa sản của các Trung tâm Y tế, các bệnh viện trên địa bàn. Bên cạnh đó còn có các điểm tiêm chủng dịch vụ, phòng tiêm safpo.

Nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh không xảy ra các tai biến nặng do tiêm chủng và có thể khẳng định công tác tiêm chủng tại Quảng Ninh rất an toàn.

- Những kết quả trong công tác tiêm chủng ở Quảng Ninh rất đáng ghi nhận. Vậy, trước làn sóng tẩy chay vắc xin, bác sĩ có thể cho biết những giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng tại Quảng Ninh? Và những lời khuyên, khuyến cáo đối với các bậc phụ huynh có suy nghĩ không muốn tiêm phòng cho trẻ?

+ Quảng Ninh là một trong 4 tỉnh đầu tiên triển khai, ứng dụng phần mềm quản lý tiêm chủng vào hoạt động. Chất lượng công tác tiêm chủng ngày càng được nâng cao trong tất cả các khâu, từ quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm, nhắc thời gian tiêm, thống kê báo cáo đến quản lý các bệnh được tiêm phòng.

Để nhân dân hiểu tầm quan trọng của việc tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em, ngoài công tác chuyên môn thì công tác truyền thông vô cùng quan trọng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí để truyền tải những thông tin chính xác, cập nhật đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, tình hình tiêm chủng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm đẩy mạnh công tác tư vấn về tiêm chủng, về sự nguy hiểm khi mắc các bệnh truyền nhiễm để bậc cha mẹ hiểu và tích cực, an tâm cho con đi tiêm chủng. Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tiêm chủng chứ đừng tự quyết định khi chỉ đọc luồng thông tin một chiều. Còn nếu cố tình tẩy chay vắc xin là sai lầm nghiêm trọng, là có tội với chính con mình, thậm chí có tội với cả thế hệ trẻ của đất nước.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014