Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tinh giản bộ máy, biên chế ở ngành Y tế: Bài 1: Lãng phí từ cơ sở

Cập nhật: 8/5/2014 | 1:09:15 PM

Với hơn 4.500 biên chế được giao ở 44 cơ sở tuyến tỉnh, tuyến huyện và 186 trạm y tế tuyến xã, y tế là ngành có số lượng cán bộ công chức, viên chức nhiều thứ 2 trong tỉnh (sau ngành GD-ĐT). Việc tinh gọn bộ máy, biên chế để các bệnh viện, cơ sở y tế hoạt động hiệu quả hơn là nhiệm vụ mà ngành đang tập trung, quyết tâm thực hiện. “Tuy nhiên, ngành sẽ không nóng vội mà làm một cách thận trọng, chắc chắn” - Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế khẳng định.

Mặc dù ít sử dụng, nhưng trang thiết bị ở Trạm Y tế xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) phải chi phí “bảo dưỡng” gần 20 triệu đồng/năm.
Mặc dù ít sử dụng, nhưng trang thiết bị ở Trạm Y tế xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) phải chi phí “bảo dưỡng” gần 20 triệu đồng/năm.

Bất hợp lý ở Quảng La

Mặc dù đang là ngày đầu tuần nhưng Trạm Y tế xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) vắng lặng như tờ; một số phòng chức năng như: Phòng đỡ đẻ; Phòng Sau đẻ, Kế hoạch hoá gia đình… “cửa đóng, then cài”. Ở sân Trạm, 2 nhân viên đang chăm sóc vườn cây thuốc nam mẫu. Bác sĩ Giáp Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng La phân trần: “Từ năm 2012, khi việc khám bảo hiểm y tế được chuyển giao về Phòng khám Đa khoa khu vực xã Quảng La (thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoành Bồ - PV), trừ những ngày tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ hàng tháng, thì Trạm luôn trong tình trạng vắng lặng như thế này”.

Trong khi Trạm Y tế vắng người thì hệ thống máy móc, thiết bị y tế của Phòng khám Đa khoa khu vực Quảng La (Bệnh viện Đa khoa huyện Hoành Bồ) được sử dụng liên tục do đông bệnh nhân. Ảnh: Thu Nguyệt
Trong khi Trạm Y tế vắng người thì hệ thống máy móc, thiết bị y tế của Phòng khám Đa khoa khu vực Quảng La (Bệnh viện Đa khoa huyện Hoành Bồ) được sử dụng liên tục do đông bệnh nhân. Ảnh: Thu Nguyệt

Trạm Y tế xã Quảng La được xây dựng và đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (giai đoạn 2001-2010) vào năm 2008. Hiện Trạm được bố trí 5 cán bộ, viên chức (1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 điều dưỡng viên trung học và 1 nữ hộ sinh). Cơ sở vật chất khá khang trang với 9 phòng chức năng. Từ khi thành lập đến nay, Trạm có nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; phối hợp, hướng dẫn, trao đổi với nhân viên y tế học đường các trường học lân cận để tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh; khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân trong xã… Trạm được bố trí 6 giường bệnh; được đầu tư các trang thiết bị khám, chữa bệnh thông thường, như: Bình ô xy, máy hút dịch, khí dung, dụng cụ đỡ đẻ, đặt vòng… Từ năm 2010 trở về trước, mỗi ngày Trạm có 10-15 bệnh nhân đến khám bệnh; nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ có 4-5 ca đỡ đẻ, hoạ hoằn mới có một vài bệnh nhân đến khám bệnh.

Nằm cách Trạm Y tế xã Quảng La khoảng 500m là Phòng Khám đa khoa khu vực xã Quảng La (thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoành Bồ) thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân 4 xã: Quảng La, Tân Dân, Dân Chủ và Bằng Cả. Nơi này, cơ sở vật chất được xây dựng từ khá lâu nên đang được Bệnh viện sửa chữa, nâng cấp. Trong khi Trạm y tế vắng vẻ thì ở đây lại khá đông đúc. Theo thống kê của Phòng, từ đầu năm 2014 đến nay có 1.336 bệnh nhân đến khám; trong đó, điều trị nội trú trên 200 người, ngoại trú 8 người.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Phụ trách Phòng cho biết: Ở đây chúng tôi thực hiện khám cả nội, ngoại khoa và thực hiện các xét nghiệm máu, sinh hoá…; trong đó, sản khoa và kế hoạch hoá gia đình là 2 nhiệm vụ mới tái lập lại sau 2 năm ngừng khám. Mấy hôm nay đang thực hiện sửa chữa, nâng cấp sân và các phòng chức năng, phòng làm việc nên chúng tôi phải dồn bệnh nhân lại. 

Lãng phí - khá phổ biến

Tình trạng bất hợp lý như ở Quảng La không phải hiếm gặp trong hệ thống, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đơn cử như ở Móng Cái, trên địa bàn thành phố có 1 bệnh viện đa khoa lớn, nhưng các xã, phường đều có trạm y tế cũng thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, mặc dù có những trạm y tế nằm cách bệnh viện không xa. Đáng nói là lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế không đáng kể. Thế mới có tình trạng, Trạm Y tế phường Trần Phú có 2 thiết bị y tế khá hiện đại là máy khám răng và máy xét nghiệm huyết học (do Quỹ Y tế toàn cầu tài trợ) phải “đắp chiếu” nằm không. Bàn đẻ và phòng đỡ đẻ cả tháng chẳng có ca nào, nên phòng ốc, dụng cụ, thiết bị y tế nhuốm mùi ẩm mốc…

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 186 trạm y tế tuyến xã; mỗi trạm bố trí từ 4-5 cán bộ, nhân viên; trong đó, 116 trạm có bác sĩ biên chế. Các trạm này làm rất nhiều chức năng: Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phòng chống dịch bệnh, VSATTP, y tế học đường, giám sát hành nghề y dược tư nhân, khám chữa bệnh… Có lẽ do “lắm mối” nên một số nhiệm vụ hoạt động không hiệu quả; điển hình là hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu, gây lãng phí lớn về nhân lực và trang thiết bị cho các trạm ở khu vực gần các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực. Điển hình như: Trạm Y tế xã Quảng La, mặc dù ít sử dụng, song các trang, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh vẫn phải được lau chùi, khử khuẩn thường xuyên. Trung bình mỗi năm, chi phí cho việc này gần 20 triệu đồng.

Với các trạm ít dụng cụ khám, chữa bệnh đã vậy, các trạm khác, chi phí bảo quản, vận hành càng tốn kém. Ở một số trạm, trang thiết bị “đắp chiếu” do quá ít bệnh nhân hoặc do không có bác sĩ để sử dụng. Thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010, ở huyện Hải Hà có 8 trạm y tế được trang bị máy siêu âm xách tay, xét nghiệm sinh hoá, máy X.Quang… nhưng nhiều trạm không muốn vận hành do không đủ kinh phí để mua hoá chất xét nghiệm. Trung tâm Y tế huyện đang đề xuất gom máy X.Quang, máy xét nghiệm huyết học về Sở Y tế.

Mặc dù nhiều trạm y tế việc khám, chữa bệnh không có hiệu quả, nhưng vẫn phải bố trí nhân lực để trực khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Điều này gây lãng phí, trong khi nhiều nhiệm vụ khác cần thiết với những xã, phường, thị trấn này lại bị bỏ ngỏ, như: Vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Còn các xã vùng cao, vùng sâu, do điều kiện đến các bệnh viện quá xa, nên người dân có nhu cầu được khám, chữa bệnh tại trạm. Mặc dù lượng bệnh nhân lớn, cần nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn, nhưng trang thiết bị khám, chữa bệnh nơi này cũng chỉ được đầu tư đơn giản giống các xã, phường khác. Một số trạm vùng sâu, vùng xa thiếu bác sĩ.

Cuối năm 2011, Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Nếu thực hiện theo Bộ tiêu chí này, các trạm y tế cần được đầu tư nâng cấp, thay vì 7-9 phòng như trước, giờ phải có 11 phòng chức năng. Bên cạnh đó là trang thiết bị khám, chữa bệnh, nhân lực cũng phải được đầu tư nhiều hơn. Điều này có thể gây lãng phí rất lớn với các trạm y tế gần bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực. Bởi vậy, ngành Y tế cần có sự điều chỉnh, sắp xếp hợp lý để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân.


Tránh lãng phí trong đầu tư trạm y tế

* “Chuyên sâu vào lĩnh vực dự phòng ở khu vực trung tâm”

(Bác sĩ Đỗ Thị Thanh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hồng Hải, TP Hạ Long)

Trạm Y tế phường Hồng Hải nằm gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bởi vậy, có chức năng khám, chữa bệnh nhưng hầu như Trạm không thực hiện được vì không có bệnh nhân. Là phường trung tâm, nên trên địa bàn Hồng Hải có 44 cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn đường phố; 53 cơ sở dịch vụ ăn uống do phường quản lý; 26 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; 10 trường học từ cấp mầm non đến THPT, 14 lớp mầm non tư thục. Theo tôi, để tránh lãng phí đối với y tế cơ sở, với các trạm y tế gần bệnh viện, nên cắt chức năng khám, chữa bệnh và tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực cho công tác dự phòng, như tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, VSATTP, quản lý hành nghề y dược tư nhân, y tế học đường… Để quản lý, thực hiện tốt những nhiệm vụ này thì biên chế hiện tại như ở trạm chúng tôi là phù hợp.

* “Đầu tư mạnh hơn công tác khám, chữa bệnh cho xã vùng sâu, vùng xa”

(Y sĩ Vi Văn Bộ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ)

Xã Lương Mông nằm cách thị trấn Ba Chẽ hơn 50km, hiện dân số có 1.469 người. Do dân cư nằm rải rác ở các thôn, đường sá đi lại khó khăn, bà con thường xuyên đi rừng, nên công tác vận động tuyên truyền chỉ thực hiện được vào buổi tối. Trạm có 5 cán bộ, nhân viên y tế phải thay nhau đến các thôn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và các chương trình khác. Khi đau ốm, bà con nơi đây rất ngại xuống Trung tâm y tế huyện khám, chữa bệnh. Bởi vậy, nhu cầu được khám, chữa bệnh ở Trạm Y tế khá cao. Trước đây, Trạm có bác sĩ nhưng mới chuyển công tác, nên các thiết bị như máy siêu âm, xét nghiệm sinh hoá ít được sử dụng, chỉ khoảng 2 tuần/tháng khi có bác sĩ từ tuyến huyện luân phiên về tăng cường mới được sử dụng. Vì vậy, những trạm y tế quá xa như ở Lương Mông cần đầu tư mạnh hơn cho công tác khám, chữa bệnh để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế một cách tốt nhất.

* “Tập trung vào những cái gì dân cần nhất”

(Bà Nguyễn Thị Vần, thôn 1, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ)

Xã Quảng La khá xa Bệnh viện Đa khoa huyện. Với người già như chúng tôi, khi ốm, đau mà phải lên tận huyện thì ngại lắm. Có Phòng khám Đa khoa khu vực Quảng La, bà con đỡ vất vả hẳn. Giờ nếu quay về trạm y tế khám bệnh như trước, tôi thấy chẳng tốt, vì nơi đó không có nhiều trang thiết bị. Theo tôi, để tránh lãng phí, nên bỏ chức năng khám, chữa bệnh ở Trạm Y tế xã Quảng La và những xã xung quanh, dồn về đầu tư cho Phòng khám Đa khoa khu vực Quảng La để phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước tập trung đầu tư vào những cái gì dân cần nhất.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014