Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tinh giản bộ máy, biên chế: Quảng Ninh tiên phong Bài 3: "Chìa khoá" tinh giản ngành Y tế

Cập nhật: 18/12/2014 | 7:42:22 AM

Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện đã thừa nhận nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế lúc này là tập trung điều chỉnh chức năng tại trạm y tế, trung tâm y tế và thu gọn đầu mối y tế ở tuyến xã và tuyến huyện. Bởi hiện nay ngành Y tế Quảng Ninh đang có tới 51 đầu mối trực thuộc Sở, trong đó có 42 đơn vị sự nghiệp y tế, 14 phòng y tế và 14 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, 186 trạm y tế xã, phường. Sự trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ ngay trên cùng một địa bàn đã khiến cho ngành y thừa về đầu mối, lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực.

Trạm Y tế xã Tình Húc (Bình Liêu) vắng tanh không bóng người. (Ảnh chụp sáng 5-12-2014)
Trạm Y tế xã Tình Húc (Bình Liêu) vắng tanh không bóng người. (Ảnh chụp sáng 5-12-2014)

3 mô hình cho y tế tuyến xã

Trạm y tế xã Vô Ngại (Bình Liêu) một ngày đầu tháng 12, trong rét buốt đầu đông ở xã vùng cao, lúc chúng tôi đến đã có rất đông bà con là đồng bào dân tộc Tày đến khám bệnh, lấy giấy chuyển tuyến... Chị Hoàng Thị Mộc, Trạm phó Trạm Y tế Vô Ngại cho biết: Trạm có 1 bác sĩ, 2 y sĩ (đa khoa, sản nhi), 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng viên. Do điều kiện địa bàn xã Vô Ngại khá rộng, 100% là đồng bào dân tộc Tày sinh sống, nhiều bà con không nói được tiếng Kinh nên Trạm được huyện đồng ý cho tiếp tục thực hiện đầy đủ các chức năng khám chữa bệnh, khám quản lý thai nghén, sinh đẻ... Trong buổi sáng có mặt tại Trạm Y tế xã Vô Ngại chúng tôi ghi nhận được trên 30 lượt người dân đến thăm khám, chữa bệnh, làm giấy chuyển tuyến... trong đó có nhiều người không nói được tiếng Kinh, bác sĩ Trạm trưởng và y sĩ Trạm phó phần lớn giao tiếp bằng tiếng Tày với bà con. Chị Mộc cho biết thêm: Tính trung bình mỗi tháng Trạm thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng 500 lượt bệnh nhân.

Trái ngược với việc đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở Vô Ngại, tại Trạm Y tế xã Tình Húc lại rất vắng vẻ, trong khuôn viên khá rộng rãi sạch sẽ của Trạm chúng tôi không thấy bóng dáng một người dân nào đến Trạm, Trạm chỉ có bác sĩ Trạm trưởng và Trạm phó ngồi trực. Hỏi ra mới biết Trạm Y tế xã Tình Húc chỉ cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 1km nên người dân khi có bệnh hoặc cần thăm khám sức khoẻ họ lên luôn Trung tâm Y tế huyện. Bác sĩ đa khoa Lương Thị Kim Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tình Húc cho biết: Trạm hiện có 4 nhân viên, do Trạm quá gần với Trung tâm Y tế huyện nên từ tháng 9-2010 đã không còn thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, đỡ đẻ tại Trạm nữa. Hiện tại chúng tôi thực hiện chức năng y tế dự phòng và phối hợp với các trường học làm y tế học đường, tư vấn thăm khám bệnh cho nhân dân trên địa bàn...

Chuyện ở Trạm Y tế xã Vô Ngại và xã Tình Húc cũng là thực trạng chung của hệ thống y tế tuyến xã hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Vì cùng là cấp xã nên các trạm y tế đều được đầu tư đồng bộ như nhau trong cả tỉnh về trang thiết bị, trong khi trình độ sử dụng của đội ngũ cán bộ còn yếu, tiếp cận dịch vụ của người dân ít dẫn đến lãng phí. Hơn nữa tần suất sử dụng các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh, sinh đẻ... tại các trạm y tế có sự khác nhau giữa các vùng miền (nhất là các trạm y tế thuộc khu vực thành thị hoặc gần các bệnh viện hầu như không phát huy hiệu quả). Thực tế này đã buộc Quảng Ninh phải điều chỉnh mô hình trạm y tế cấp xã theo từng huyện cho phù hợp. Theo đó, 3 mô hình được đưa ra và đã được áp dụng thực hiện, gồm: Mô hình 1 áp dụng đối với 77 trạm y tế xã ở xa các cơ sở y tế tuyến huyện/tỉnh, địa bàn và giao thông khó khăn tiếp tục thực hiện đầy đủ 11 chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để người dân có nhiều điều kiện tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng ngay tại cơ sở. Mô hình 2 áp dụng đối với 57 xã, phường, thị trấn ở gần các cơ sở y tế tuyến huyện/tỉnh, địa bàn và giao thông tương đối thuận lợi, không thực hiện “đỡ đẻ thường” mà duy trì thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn lại theo quy định và đảm bảo đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ Y tế. Mô hình 3, áp dụng đối với 52 xã, phường, thị trấn ở gần các cơ sở y tế tuyến huyện/tỉnh đóng trên địa bàn không thực hiện “đỡ đẻ thường” và “khám chữa bệnh thông thường” tại trạm. Với 3 mô hình này hệ thống y tế tuyến xã hy vọng sẽ nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu về trạm y tế xã theo bộ tiêu chí chung của Bộ Y tế.

3 bước cho mô hình “3 trong một” của y tế tuyến huyện

Nếu như hệ thống y tế cấp xã trải đều ở tất cả các địa phương, thì cơ cấu tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện của Quảng Ninh hiện nay lại đang quá nhiều đầu mối. Tính trung bình mỗi địa phương hiện đang có 5 đầu mối gồm: Phòng y tế, trung tâm y tế, trung tâm dân số - kế hoạch hoá gia đình, bệnh viện và các trạm y tế cấp xã. Đó là chưa kể Quảng Ninh với đặc thù tỉnh có 4 thành phố với các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương đóng ngay trên địa bàn nên tạo ra sự lãng phí rất lớn cho y tế tuyến huyện. Điển hình như ở TP Hạ Long, trên địa bàn thành phố hiện có 5 bệnh viện lớn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi) và hơn 100 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, phòng khám đa khoa nhưng thành phố vẫn có Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và các trạm y tế phường.

Vì quá nhiều đầu mối cùng thực hiện nhiệm vụ y tế trên địa bàn nên nguồn lực đầu tư cũng như nhân lực của ngành y tế trong thời gian qua đã bị dàn trải, phân tán rất nhiều, việc đầu tư không thể đồng bộ được. Ở giai đoạn trước một số địa phương đã thực hiện mô hình “hai trong một” (ghép trung tâm y tế với bệnh viện lại làm một), rồi sau đó lại tách ra thành 2 đơn vị riêng biệt. Nhưng vì ở các trung tâm y tế huyện vẫn có những chức năng, nhiệm vụ cần sử dụng nhân lực và trang thiết bị y tế giống như khối bệnh viện như: Hệ thống xét nghiệm huyết học; máy siêu âm phục vụ cho công tác chăm sóc SKSS; xét nghiệm tìm một số vi khuẩn… và phần lớn là trung tâm y tế phải mượn nhờ cơ sở vật chất của các đơn vị khác hoặc nằm chung trong khuôn viên của bệnh viện huyện. Thế nên đã có chuyện cùng một khu nhà có tới 2 phòng đặt máy siêu âm, 2 phòng xét nghiệm. Đó còn chưa kể tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra”, trong khi bệnh viện rất cần xe cấp cứu thì ở trung tâm y tế chiếc xe này năm thì mười hoạ mới sử dụng đến.

Để từng bước khắc phục tình trạng này, Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất phương án tinh giản bộ máy y tế tuyến huyện, cụ thể: Bước 1 sẽ  thành lập trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố do Sở Y tế quản lý, trên cơ sở hợp nhất bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế tuyến huyện hiện nay. Với chức năng nhiệm vụ, thực hiện công tác khám chữa bệnh và y tế dự phòng trên địa bàn, các kỹ thuật dịch vụ trong lĩnh vực KHHGĐ từ Trung tâm Dân số - KHHGĐ. Bước 2, thành lập Phòng Y tế - Dân số do Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý, trên cơ sở hợp nhất Phòng Y tế và Trung tâm Dân số - KHHGĐ. Bước 3, giải thể 3 Phòng khám đa khoa khu vực (Nam Khê - Uông Bí, Quảng La - Hoành Bồ, Trà Cổ - Móng Cái), chuyển nhiệm vụ khám chữa bệnh của phòng khám đa khoa khu vực về trạm y tế xã, phường. Sau khi thực hiện việc tinh giản, sắp xếp theo các phương án này, ngành y tế sẽ giảm được 10 đầu mối đơn vị, tinh giản được 326 biên chế, tiết kiệm được 337 tỷ đồng không phải chi cho đầu tư và giảm được gần 10 tỷ đồng chi cho hoạt động con người mỗi năm.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014