Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tình hình dịch sởi và các hoạt động phòng, chống dịch đến ngày 23/4/2014

Cập nhật: 23/4/2014 | 9:02:35 PM

I. TÌNH HÌNH DỊCH SỞI

 

1. Tình hình dịch sởi trên thế giới

Năm 2012 và 2013 dịch sởi trên thế giới diễn ra hết sức phức tạp với số mắc cao, cụ thể năm 2012, trên toàn cầu ghi nhận 226.722 trường hợp mắc sởi. Trong năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014, ghi nhận 181.813 trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực châu Phi (78.922 trường hợp), Tây Thái Bình Dương (37.989 trường hợp), châu Âu (31.726 trường hợp), năm 2011 tại Công Gô ghi nhận 106.000 trường hợp mắc, 1.100 tử vong.

Tại các nước khu vực Tây Thái Bình Dương: năm 2013 cả khu vực ghi nhận 30.910 trường hợp mắc sởi, tăng gần 3 lần so với 2012. Riêng 2 tháng đầu năm 2014 đã có 11.139 trường hợp mắc sởi. Các nước có số mắc gia tăng trong 2 tháng năm 2014 là: Trung Quốc (6.104 mắc), năm 2013 Philippines có 3.706 mắc, 69 tử vong.

Các chủng vi rút sởi chính lưu hành tại khu vực tại khu vực Tây Thái Bình Dương chủng H1: Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Australia. Chủng B3: Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore. Chủng D8: Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore, Việt Nam. Theo thông báo của Tổ chức y tế thế giới hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới.

Về lịch tiêm vắc xin sởi, theo khuyến cáo của TCYTTG đối với các nước sởi đang lưu hành cần tiêm vắc xin sởi cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 15-18 tháng tuổi. Hiện 190/195 quốc gia và vùng lãnh thổ bắt đầu tiêm vắc xin sởi mũi thứ nhất từ 9 tháng tuổi trở lên.

2. Tình hình dịch sởi tại Việt Nam

2.1. Về mắc sởi

Các trường hợp bệnh bắt đầu ghi nhận từ cuối năm 2013 tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La. Tuy vậy dịch bệnh tại các tỉnh này đã được khống chế do triển khai quyết liệt các biện pháp tiêm chủng.

Hiện nay dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố, đến ngày 23/4/2014 cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Số trường hợp mắc chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Nam, riêng Hà Nội chiếm 37% số ca mắc ghi nhận ở TP. Hà Nội.

+ 5 tỉnh có số mắc sởi xác định trên 10 trường hợp trên 100.000 dân là:  Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Đắc Nông.

+ 6 tỉnh, thành phố có số mắc sởi xác định 5 đến dưới 10 trên 100.000 dân là: Sơn La, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc.

+ 34 tỉnh, thành phố có số mắc sởi xác định từ 1 đến dưới 5 trên 100.000 dân.

+ 18 tỉnh, thành phố có số mắc sởi xác định dưới 1 trên 100.000 dân.

+ Dịch có số mắc sởi xác định cao nhất trong tuần thứ 10 (giữa tháng 3 năm 2014), bắt đầu chững lại và giảm dần từ tuần thứ 14 (giữa tháng 4 năm 2014) đến nay.

+ Tại một số bệnh viện tuyến trung ương, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng 4/2014, tại mỗi bệnh viện có trên 30 bệnh nhân mắc sởi mới nhập viện hàng ngày trước đây, đến nay chỉ còn 5-10 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày.

+ Phân tích các trường hợp mắc sởi xác định trong 3 tháng đầu năm 2014 cho thấy phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (68,3%). Số mắc sởi ở trẻ dưới 1 tuổi chiếm 16,1%; số mắc dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi) chiếm tỷ lệ 11%.

+ Hầu hết ca mắc sởi là không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi (86,4%). Chỉ có 9,9% ca sởi đã tiêm chủng 1 mũi vắc xin sởi. Điều này cho thấy tính cần thiết của việc tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin sởi trong tiêm chủng thường xuyên.

2.2. Về tử vong

Có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi, chủ yếu vào điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương (111 ở Bệnh viện Nhi Trung ương (93,2%), 06 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai, 01 trường hợp ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 01 trường hợp tự điều trị và tử vong tại nhà ở Yên Bái không được chẩn đoán huyết thanh).

+ Số trường hợp tử vong chủ yếu tại Hà Nội với 54 trường hợp (45%), ngoài ra còn có của các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Yên Bái, Hà Nam, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Nai.

+ Về nguyên nhân tử vong do bị mắc sởi trên bệnh lý nền như suy tim, nhiễm khuẩn huyết, tim bẩm sinh, bại não, bạch cầu cấp ...; do đồng nhiễm các loại vi rút, vi khuẩn liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong giai đoạn này; do biến chứng, bội nhiễm do sởi, sau sởi. Nguyên nhân quá tải bệnh viện tuyến trung ương cũng làm cho việc cách ly phòng lây nhiễm khó khăn dẫn tới lây chéo trong bệnh viện làm cho bệnh nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân tử vong, Bộ đã giao cho các Viện, Bệnh viện tiến hành đánh giá, nghiên cứu tất cả các trường hợp tử vong.

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH ĐÃ TRIỂN KHAI

1. Về công tác chỉ đạo:

          Ngay từ cuối năm 2013, khi dịch sởi xảy ra tại một số tỉnh ở miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong đó tăng cường giám sát để phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức tiêm chủng chống dịch và thu dung, điều trị bệnh nhân. Đã tổ chức tiêm vắc xin chống dịch tại tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái và một số tỉnh miền núi khác vào cuối năm 2013 và đầu 2014 trong đó có nhiều địa phương triển khai đến tận sát ngày tết Nguyên đán Giáp Ngọ, kết quả chung đạt 92,7% (190.464/205.404).

Khi dịch có dấu hiệu lan ra một vài tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi và tiêm vét vắc xin sởi cho tất cả 63 tỉnh thành phố. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch sởi ngày 23/02/2014 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố. Ngày 24/2/2014 Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về công tác phòng chống dịch sởi và thăm ổ dịch sởi tại huyện Văn Chấn.

Bộ Y tế cũng đã ban hành các công điện, công văn gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch sởi. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong đó tập trung vào việc tăng cường giám sát để phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch và tổ chức tiêm chủng phòng dịch gần đây nhất là Công văn số 1996/BYT-DP chỉ đạo thực hiện Công điện số 477/CĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch sởi và Công văn số 2035/BYT-DP chỉ đạo các tỉnh, thành phố có số mắc cao hoặc tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi đạt thấp đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp khống chế dịch sởi.

Ngày 04/4/2014 Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến có buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện chỉ đạo việc giảm quá tải cho bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Xanh Pôn và các Bệnh viện nhi của các tỉnh, thành phố lân cận để chỉ đạo công tác phân tuyến điều trị, hạn chế việc chuyển viện các trường hợp nằm trong khả năng xử lý về chuyên môn để tránh lây lan dịch bệnh, phòng chống lây nhiễm chéo, giảm tải bệnh nhân ở tuyến trung ương.

Ngày 18/4/2014, tổ chức họp giao ban trực tuyến với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur triển khai thực hiện Công điện số 477/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống. Ngày 19/4/2014, Bộ Y tế tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, với sự tham gia của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các Bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế Hà Nội đánh giá tình hình dịch bệnh sởi tại thành phố Hà Nội cũng như trên toàn quốc để đưa ra các chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sởi.

Ngày 21/4/2014 Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp làm việc với UBND thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi.

Hàng ngày tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế.

Kiểm tra, giám sát

- Ngay từ khi có dịch tại các tỉnh miền núi, Bộ Y tế đã cử các đoàn đi trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo xử lý ổ dịch tại các địa phương, tháng 2 năm 2014, Bộ Y tế đã thành lập 05 đoàn công tác kiểm tra công tác triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi tại 20 tỉnh, thành phố. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur đã tiến hành kiểm tra hầu hết các địa phương và đang tiến hành kiểm tra, giám sát vòng 2 các tỉnh, thành phố.

- Tháng 4 năm 2014, Bộ Y tế thành lập 05 đoàn công tác do trực tiếp Lãnh đạo Bộ Y tế làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại các tỉnh, thành phố nơi có số bệnh nhân sởi cao (Quyết định số 1032/QĐ-BYT ngày 18/4/2014), tập trung kiểm tra công tác điều trị, giảm tải bệnh nhân.

- Ngày 19/4/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế TP. Hà Nội và một số bệnh viện trên địa bàn, các đồng chí Lãnh đạo Bộ cũng đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố khác.

2. Về các biện pháp giảm mắc

2.1. Giám sát dịch bệnh

Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi, phát hiện sớm trường hợp mắc, tiến hành điều tra, xử lý triệt để ổ dịch, nghiên cứu sự lưu hành của vi rút sởi. Hàng ngày tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh sởi. Lấy mẫu bệnh phẩm xác định chẩn đoán bệnh sởi.

2.2. Tiêm vắc xin sởi

a) Tiêm vắc xin phòng, chống dịch

Triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi từ tháng 10-12/2013 tại 6 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc gồm Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang với số lượng 190.464 người trên tổng số 205.404 người trong diện tiêm chủng, kết quả đạt 92,7%. Đến nay các tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, mỗi ngày chỉ có 1 đến vài bệnh nhân.

b) Tiêm vắc xin sởi thường xuyên và chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi

Triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin phòng dịch sởi trên phạm vi cả nước trong tháng 3, 4/2014 cho trẻ toàn bộ trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, đối với các tỉnh có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch tổ chức tiêm cho những đối tượng ở độ tuổi cao hơn; riêng thành phố Hồ Chí Minh tiêm từ 9 tháng đến 3 tuổi, Hà Nội triển khai thêm các điểm tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng và 30/30 quận, huyện từ 9 tháng đến 6 tuổi.

Tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi của cả nước hiện nay đạt 65,3 %.

- 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi đạt trên 90% gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Yên, Hậu Giang.

- 24 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi đạt 70-90% gồm: Quảng Trị, Yên Bái, Kon Tum, Cần Thơ, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Quảng Nam, Đắc Nông, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La, Sóc Trăng, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Bạc Liêu, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thái Bình.

- 23 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi đạt 50-70% gồm: Hải Dương, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Định, Điện Biên, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Kiên Giang, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bến Tre, Cao Bằng, Ninh Bình, Nghệ An, Bình Thuận, Tây Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Hải Phòng.

- 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi đạt dưới 50% gồm: Lâm Đồng, Hòa Bình, An Giang, Tiền Giang, Lai Châu, Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Phước, Long An.

3. Về các biện pháp giảm quá tải bệnh viện, giảm tử vong

- Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi, Cục quản lý khám chữa bệnh, Lãnh đạo Bộ Y tế làm việc với Bệnh viện Nhi tiến hành rà soát quy trình khám bệnh, phân luồng bệnh nhân đến khám bệnh, điều động những bác sỹ có kinh nghiệm làm nhiệm vụ phân loại bệnh nhân nghi sởi ngay tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện để có phương án điều trị hiệu quả.

- Tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tăng cường kiểm soát phòng chống lây nhiễm chéo đối với bệnh nhân đến khám và điều trị.

- Thiết lập các bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện tuyến trung ương để thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân tại các bệnh viện: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Đức Giang, Sơn Tây.

- Tập trung các nguồn lực, nhân lực để thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

- Cải tạo Khoa Khám bệnh và mở rộng Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Chỉ đạo các bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cử bác sĩ đến hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện của Hà Nội và Bệnh viện vệ tinh của Hà Nội.

- Cử cán bộ từ Bệnh viện Nhi Trung ương xuống hỗ trợ điều trị sởi tại các bệnh viện tuyến dưới; có biện pháp đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu điều trị tại bệnh viện, đặc biệt các cháu khó ăn uống nhằm nâng cao thể trạng cho bệnh nhi.

- Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi, cập nhật hướng dẫn điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành năm 2009 phù hợp hơn với việc điều trị sởi cho trẻ em và tình hình dịch sởi năm 2014. Ngày 22/4/2014, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai hướng dẫn và điều trị bệnh sởi tới 33 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra.  

- Tổ chức giao ban hàng ngày với các bệnh viện tuyến trung ương (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) vào 16h00 để kịp thời chỉ đạo, giải quyết kiến nghị đề xuất giảm quá tải, giảm tử vong.

4. Về công tác tuyên truyền

- Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về những hiểu biết về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống bệnh, đặc biệt là khuyến cáo, vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Huy động các kênh truyền thông trực tiếp, tư vấn cho tất cả các bà mẹ tại các điểm tiêm chủng.

- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thường xuyên cử các chuyên gia tham gia các diễn đàn hỏi đáp về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh cũng như các vấn đề liên quan tại các hệ thống báo chí điện tử, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam ... Tổ chức họp báo với các cơ quan báo chí tại Bộ Y tế.

- Tham gia cuộc họp với các tổng biên tập các báo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì để chia sẻ thông tin về hoạt động phòng chống dịch bệnh và đề nghị các cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

 

5. Về công tác hậu cần

- Ngoài việc sử dụng các phương tiện tại chỗ. Tháng 3 năm 2014, Bộ Y tế đã cấp 8 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phục vụ công tác thu dung, điều trị và cấp cứu bệnh nhân.

- Tháng 4 năm 2014, đề nghị và được Chính phủ đã cấp 42 máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia cho các bệnh viện, đến nay các máy thở đã được đưa vào sử dụng. Chính phủ cũng đã cấp 80 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh sởi.

- Bộ Y tế cũng đã rà soát trang thiết bị, vật tư đề xuất danh mục, cơ chế đấu thầu đối với nguồn kinh phí cấp từ Chính phủ.

- Bộ Y tế cũng đã cung ứng 1,2 triệu liều vắc xin sởi đảm bảo đủ nhu cầu của các tỉnh, thành phố để thực hiện kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi. Công suất sản xuất vắc xin sởi tại Việt Nam của Công ty sản xuất vắc xin sởi thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế là 7,5 triệu liều/năm (đây là loại vắc xin công nghệ của Nhật Bản, có chất lượng cao). Hiện số lượng vắc xin sởi đảm bảo cho tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét vắc xin sởi và tiêm vắc xin phòng chống dịch.  

- Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tăng cường đầu tư cho công tác phòng chống dịch và thực hiện chế độ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế trực tip tham gia phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân sởi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TIẾP TỤC TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI

Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành y tế trên toàn quốc thực hiện nghiêm túc Công điện số 477/CĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch sởi; yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các hoạt động giảm mắc và giảm tử vong tại các địa phương, tập trung các hoạt động:

- Đẩy mạnh việc tổ chức phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị, hỗ trợ cán bộ, trang thiết bị cho các bệnh viện vệ tinh để tổ chức cấp cứu, điều trị nhằm giảm quá tải, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện tuyến trung ương, giảm các các trường hợp nặng và tử vong. Tổ chức hội nghị tăng cường triển khai hướng dẫn và điều trị bệnh sởi tới 30 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong đầu tháng 5/2014. 

- Tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm những ổ dịch có thể xảy ra tiến hành xử lý kịp thời để dịch không bùng phát hoặc lan rộng.

- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi, hoàn thành kế hoạch trong tháng 4/2014, đảm bảo kết quả tiêm vắc xin sởi >95%. Rà soát đánh giá tình hình chỉ đạo một số địa phương có số mắc sởi cao tổ chức tiêm vét cho những đối tượng độ tuổi cao hơn.

- Hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với UNICEF, GAVI, WHO tích cực chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin MR (sởi - rubella) trong quý 4  năm 2014. Chiến dịch này sẽ kéo dài hết năm 2015 với mục tiêu tiêm vắc xin sởi và rubella cho 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi.

- Đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh sởi, tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh sởi, nguồn lây cũng như các biện pháp phòng chống để người dân không hoang mang lo lắng.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc việc việc điều trị giảm tử vong, giám sát triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi và tiêm vét vắc xin sởi cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

- Đảm bảo kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, vật tư vắc xin cho công tác phòng chống dịch sởi.

- Tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ, vi rút học, lâm sàng, nguyên nhân tử vong, tăng cường đào tạo cán bộ phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế đề xuất triển khai đề tài cấp Nhà nước và TP. Hà Nội triển khai đề tài cấp tỉnh.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014