Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Y tế dự phòng tuyến huyện: Thiếu và yếu

Cập nhật: 3/1/2013 | 8:21:23 PM

Kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện chia tách hệ thống y tế dự phòng ra khỏi Trung tâm y tế tuyến huyện đến nay đã được 5 năm nhưng hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh vẫn phải “ăn nhờ, ở đậu” cơ sở vật chất của bệnh viện tuyến huyện. Thực tế này đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác y tế dự phòng tại các địa phương trong tỉnh.

Y tế dự phòng có vai trò rất quan trọng với việc đưa ra những chiến lược dự phòng nhằm thay đổi những yếu tố gây bệnh có thể can thiệp được, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Chính vì thế mà năm 2007-2008, được sự đồng ý của Bộ Y tế và UBND tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã quyết định tách 8 Trung tâm y tế tuyến huyện để thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện và Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện. Gồm: Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn, Đông Triều, Tiên Yên, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hoành Bồ. Riêng Trung tâm Y tế TP Hạ Long và Trung tâm Y tế TP Uông Bí vốn hoạt động từ trước theo mô hình không giường bệnh nên vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của mình. Còn Trung tâm Y tế các huyện Cô Tô, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà do điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất và nhu cầu của nhân dân trên địa bàn nên không tách riêng mà vẫn hoạt động theo mô hình cũ - lồng ghép khối điều trị với khối dự phòng.

“Sang” nhất trong hệ thống các trung tâm y tế nhưng Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn vẫn chỉ là nhà cấp 4 không đạt chuẩn.
“Sang” nhất trong hệ thống các trung tâm y tế nhưng Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn vẫn chỉ là nhà cấp 4 không đạt chuẩn.

Mặc dù thời gian chia tách cũng đã gần 5 năm, thế nhưng hiện nay chỉ có duy nhất Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn có trụ sở độc lập, nhờ được tiếp nhận 1/2 cơ sở cũ của Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn. 7 đơn vị còn lại đều trong tình trạng được bố trí ở nhờ cơ sở vật chất của bệnh viện huyện. Những địa điểm ở nhờ này phần lớn đã xuống cấp, phòng làm việc chật chội gây khó khăn cho hoạt động chung của trung tâm. Ông Trần Văn Chi, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Hà chia sẻ: “Sau khi chia tách, 5 năm qua Trung tâm vẫn hoạt động nhờ 5 phòng làm việc thuộc cơ sở của Bệnh viện Đa khoa huyện, với đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm là 29 người, do không có trụ sở độc lập nên Trung tâm gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động”.

Đó là tình trạng chung của các Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện được chia tách, còn 3 đơn vị dự phòng tuyến huyện không chia tách, điều kiện cũng không khá hơn là mấy. Chẳng hạn như trụ sở Trung tâm Y tế TP Hạ Long có 4 tầng, được xây dựng từ năm 2004. Nhưng trụ sở này trước kia được thiết kế cho Phòng GD-ĐT thành phố nên các phòng ốc đều chật hẹp. Còn trụ sở Trung tâm Y tế TP Uông Bí được xây dựng từ năm 1999 cho phòng khám đa khoa nhưng nay ghép thêm cả Trung tâm vào cùng hoạt động. Hay như Trung tâm Y tế Vân Đồn cũng chỉ là 4 lô nhà cấp 4, mái ngói, trần nhựa, trước kia được thiết kế cho khoa ngoại sản, nội nhi, truyền nhiễm của bệnh viện huyện nên khi tiếp nhận cũng không phù hợp với hoạt động của Trung tâm.

Trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy nên hầu hết khu chuyên môn và công cộng ở các Trung tâm y tế tuyến huyện đều không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật; việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trang thiết bị của các trung tâm y tế tuyến huyện hiện nay phần lớn là những thiết bị cũ của đội dự phòng, đội sinh đẻ, kế hoạch hoá gia đình trước đây. Ngoài ra, tuỳ vào từng đơn vị bằng nguồn kinh phí của mình, họ tự trang sắm thiết bị hàng năm. Tuy nhiên, do nguồn tự chủ của các trung tâm gần như không có nên cũng chỉ trang sắm vài thiết bị nhỏ lẻ. Bởi vậy đến nay, so với chuẩn thiết bị do Bộ Y tế quy định đối với trung tâm y tế tuyến huyện, thì các đơn vị dự phòng tuyến huyện hiện nay còn quá thiếu thốn, không thể triển khai được hết chức năng, nhiệm vụ được giao.    

Không chỉ vậy, ngay cả nhân lực bác sĩ tại các trung tâm y tế tuyến huyện cũng rất khó khăn. Ông Phạm Văn Kha, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn cho biết: “Tại trung tâm có 30 cán bộ, nhân viên với 5 khoa, phòng chức năng. Hàng ngày những cán bộ của trung tâm vừa phải triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống dịch, dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Khối lượng công việc nhiều, nhưng do ít có nguồn thu như khối điều trị nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế tại trung tâm rất thấp. Bởi vậy, với khối lượng công việc lớn, cần thêm bác sĩ nhưng việc thu hút bác sĩ về làm việc tại trung tâm lại rất khó khăn”. Đây cũng là tình trạng chung của các trung tâm y tế tuyến huyện.

Công việc nhiều, nhân lực thiếu, trang thiết bị không đầy đủ đang là những rào cản khiến các trung tâm y tế tuyến huyện khó có thể thực hiện hoàn thiện hết các công tác: phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, và nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế tại các địa phương. Hy vọng những khó khăn này sẽ sớm được khắc phục để các đơn vị dự phòng tuyến huyện phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thanh

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế: “Tỉnh, ngành đang nỗ lực để tăng cường đầu tư cho trung tâm y tế”
Đúng là hiện nay nhiều trung tâm y tế tuyến huyện đang gặp không ít khó khăn cả về nhân lực, thiết bị, cơ sở vật chất cũng như nguồn kinh phí. Trước thực trạng này, ngành y tế đã tham mưu với UBND tỉnh quan tâm, định hướng, tăng cường đầu tư cho các trung tâm y tế; trước mắt là vấn đề cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, nhất là việc xây mới các trung tâm y tế có tổng chi phí khá cao, khoảng 36 tỷ đồng nên việc này cũng không thể một sớm một chiều giải quyết được. Hiện nay, tỉnh đã cho phép quy hoạch và lập dự án xây dựng cả 11 trung tâm y tế tuyến huyện. Nhiều khả năng, trong năm tới ngành cố gắng khởi công 2 công trình.
    
Ông Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Uông Bí: “Trung tâm Y tế Uông Bí rất thiếu cơ sở hạ tầng dành cho hoạt động y tế dự phòng”
Nhìn tổng thể Trung tâm Y tế Uông Bí so với các huyện, thị khác hiện đang là một trong những đơn vị khá thuận lợi về nhiều mặt. Tuy nhiên thực tế, còn thiếu rất nhiều thứ. Cụ thể là hoạt động của Trung tâm có hai phần riêng biệt, gồm phòng khám đa khoa (làm công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng) và y tế dự phòng (làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em). Thế nhưng, Trung tâm mới chỉ có hệ thống phòng ốc dành cho phòng khám đa khoa, còn lại lĩnh vực y tế dự phòng đang phải gộp chung lại, ở nhờ trong phòng khám này. Thực tế với cơ sở hạ tầng như vậy và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân khá lớn hiện nay; trong khi dịch bệnh bùng phát liên tục và thất thường thì Trung tâm rất khó khăn trong việc triển khai công tác chuyên môn.

Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, Phòng Laze, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bãi Cháy: “Vẫn cần đầu tư cho các trung tâm y tế tuyến huyện”
Thực tế hiện hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khá dày, trong đó nhiều cơ sở đã đầu tư, triển khai những kỹ thuật điều trị bệnh tiên tiến, hiện đại. Song cũng phải thấy rằng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng lớn, dẫn đến hầu hết các bệnh viện lớn đều nằm trong tình trạng quá tải. Bởi vậy, việc các trung tâm y tế làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân vẫn hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Có thể thấy lâu nay các trung tâm cũng đã và đang góp phần quan trọng trong việc giảm tải y tế. Bởi vậy, theo tôi vẫn cần đầu tư cho các trung tâm y tế, tạo điều kiện hơn nữa cho các đơn vị này cả về nhân vật lực để triển khai tốt hơn các nhiệm vụ được giao.

Chị Phạm Thị Nương, thôn Yên Dũng, xã Hồng Thái Đông, huyện Đông Triều: “Chúng tôi vẫn chọn khám chữa bệnh ở trung tâm y tế huyện”
Chúng tôi ở đây khi bị đau ốm cũng thường xuyên đến trung tâm y tế huyện để khám chữa bệnh. So với các bệnh viện thì ở trung tâm y tế không bằng, ít trang thiết bị hơn và điều kiện phục vụ cũng thiếu thốn. Tuy nhiên, bù lại thì chúng tôi ít phải chờ đợi, tác phong làm việc của y bác sĩ cũng nhã nhặn, thoải mái hơn, và quan trọng nhất là chi phí ở đây thấp hơn rất nhiều. Nói chung là nếu bị bệnh nặng thì chúng tôi mới xuống bệnh viện lớn, còn bị bệnh nhẹ thì chúng tôi vẫn chọn trung tâm y tế thôi. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn các trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp thêm chứ cứ để như bây giờ thì trông nó cũ kỹ, lạc hậu quá, người bệnh vào khám chữa bệnh cũng không thực sự an

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014