Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Khi cửa tim đóng mở thất thường

Cập nhật: 15/7/2011 | 2:14:27 PM

Tim có bốn buồng, thông với nhau và với động mạch chủ bằng van tim. Các van này hoạt động như những cánh cửa, “cửa” đóng không kín là bệnh hở van tim, “cửa” mở he hé không đủ rộng là bệnh hẹp van tim. Một người có thể bị tổn thương nhiều van cùng lúc, một van có thể vừa bị hẹp vừa bị hở.

Bệnh van tim dẫn đến suy tim

Ngày qua ngày, bệnh van tim tiến triển từ nhẹ tới nặng khiến tim phải “gồng gánh” tăng sức co bóp để đảm bảo đưa đủ máu đi nuôi cơ thể. Lâu ngày, tim “bành trướng” về kích thước nhưng co bóp yếu đi, máu ứ ngược lại, gây cho “khổ chủ” các triệu chứng mệt, khó thở, đau ngực, phù chân, ho ra máu, ngất… tuỳ theo loại bệnh lý và giai đoạn của bệnh. Bệnh van tim diễn tiến khiến cho người bệnh “giảm phong độ” thấy rõ, động tay động chân một tí là mệt. Mức suy tim được chia thành bốn độ, nặng nhất là độ 4, người bệnh không làm gì hay nằm nghỉ cũng thấy mệt.

Ngoài suy tim, bệnh van tim còn có thể đưa đến các biến chứng rối loạn nhịp tim, viêm phổi, phù phổi, nhồi máu phổi, tắc mạch (não, chi, thận, mạc treo…), viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…

Thấp tim là nguyên nhân phổ biến

Những bất thường của van tim có thể bẩm sinh hoặc do mắc phải bởi hậu quả của sốt thấp khớp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, thoái hoá vôi ở người lớn tuổi, chấn thương…

Thấp tim là nguyên nhân phổ biến gây bệnh van tim, liên quan đến việc nhiễm liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A. Thông thường, liên cầu khuẩn nhiễm ở họng gây viêm, sau đó, tiện đường ghé qua tim, nhè van hai lá và van động mạch chủ mà “đớp”. Nguy hiểm nhất của thấp tim là các biến chứng cấp và đặc biệt là hậu quả mạn tính. Kết quả nhãn tiền, trong giai đoạn cấp, thấp tim có thể gây viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp... nặng hơn là lăm le doạ cả tính mạng bệnh nhân. Về lâu dài thì gây tổn thương van tim, đưa đến bệnh van tim do thấp, thường là hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ…

Loại liên cầu khuẩn này không nể nang ai cả, nên mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, thường là 5 – 15 tuổi, đôi khi nhỏ hơn. Tuy nhiên, không phải mọi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn đều dẫn tới thấp tim. Những yếu tố thuận lợi dẫn tới thấp tim là cơ địa người bệnh, vệ sinh không tốt, điều trị không đầy đủ. Hiện nay, thấp tim và bệnh van tim do thấp ít gặp ở các nước phát triển, nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nó vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Một nguyên nhân khác là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp hay bán cấp có thể làm rách lá van, tróc chỗ gắn của van, tạo mảnh sùi lớn ở mép van… làm các lá van đóng không sát, làm co rút các lá van… gây hở van.

Nhận diện và đánh giá

Để chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ hỏi bệnh sử, khám thực thể và làm những xét nghiệm cần thiết: X-quang ngực thẳng cho biết kích thước của tim và các buồng tim, đánh giá phổi, lượng máu lên phổi… Điện tâm đồ cho biết những thay đổi trong hoạt động điện dẫn truyền của tim, giúp xác định bất thường trong tần số, nhịp tim, kích thước tim… Siêu âm tim là phương tiện hữu ích để kiểm tra, đánh giá các tổn thương trong tim, chức năng tim, cung cấp thông tin về van tim và các bộ phận của van tim… Thông tim (chụp mạch máu) được chỉ định khi cần thiết, giúp nhìn thấy các mạch máu, đo áp lực trong buồng tim, đánh giá hệ mạch vành là hệ thống mạch máu nuôi tim. Nếu bệnh nhân có tổn thương hẹp nặng mạch vành, bác sĩ có thể phẫu thuật bắc cầu mạch vành cùng lúc với phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.

Bệnh van tim nặng cần điều trị phẫu thuật

Với bệnh van tim nhẹ, chưa gây triệu chứng gì, chỉ cần theo dõi. Bệnh nặng hơn hoặc đã gây triệu chứng suy tim, có thể phải điều trị thuốc. Thuốc chỉ làm chậm diễn tiến của bệnh chứ không thể điều trị dứt điểm, nhưng có thể giữ bệnh ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi thuốc không còn kiểm soát tốt, bệnh “thừa thắng xông lên” thì bệnh nhân cần được phẫu thuật. Dựa vào tuổi, bệnh sử, nguyên nhân của bệnh, lối sống, khả năng cơ thể dung nạp thuốc kháng đông… mà bác sĩ đề nghị phương pháp “mổ xẻ” tốt nhất.

Bệnh van tim được điều trị phẫu thuật theo ba cách: hẹp van được nong bằng bóng; van tim tổn thương được phẫu thuật sửa chữa, “vá víu” lại; van tim “hư hỏng” được thay thế bằng van tim nhân tạo.

Nong van bằng bóng thường được áp dụng để giảm bớt tình trạng hẹp van trong hẹp van hai lá. Cách này hiếm khi áp dụng cho hẹp van động mạch chủ vì ít hiệu quả và có nguy cơ đưa các mảng canxi bám trên van vào dòng máu, nếu gây tắc mạch sẽ rất nguy hiểm.

Phẫu thuật sửa van tim thường được áp dụng cho van hai lá nhiều hơn là van động mạch chủ, đặc biệt là trong bệnh hở van hai lá. Ưu điểm của phương pháp sửa van là bệnh nhân không phải mang một van tim nhân tạo, không cần uống thuốc kháng đông lâu dài. Với phụ nữ, việc không phải uống thuốc kháng đông giúp họ an toàn hơn trong quá trình mang thai và sinh con.

Phẫu thuật thay van tim nhân tạo được áp dụng cho trường hợp tổn thương van quá nặng, bác sĩ “bó tay chấm com” trong việc sửa van thật tốt. Có hai loại van tim nhân tạo là van cơ học và van sinh học. Van cơ học được tạo từ carbon, kim loại và các chất liệu tổng hợp, đòi hỏi bệnh nhân mang van tim phải uống thuốc kháng đông suốt đời để làm “loãng” máu nhằm tránh kẹt van do cục máu đông. Van sinh học được xử lý từ van tim của heo, bò hoặc người hiến, không sử dụng được lâu dài như van cơ học, nhưng bệnh nhân không cần uống thuốc kháng đông.

(BS. Chuyên khoa I Ngô Bảo Khoa, SGTT)

Lối sống cho người bệnh van tim

– Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.
– Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao khiến tim gắng sức nhiều hơn.
– Ăn ít muối: ăn nhiều muối làm tăng giữ nước, tăng huyết áp và do vậy tăng thêm gánh nặng cho tim. 
– Không uống rượu, càphê: rượu và càphê có thể làm nặng hơn tình trạng rối loạn nhịp tim.
– Tránh để quá cân tạo gánh nặng cho tim khi co bóp.
– Tập thể dục đều đặn: giúp tăng cường các hoạt động sinh lý. Tập bao lâu và cường độ thế nào tuỳ thuộc vào khả năng chịu đựng của bệnh nhân và cần tránh để tim rơi vào trạng thái gắng sức.
– Khám răng thường xuyên: phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bằng cách giữ vệ sinh răng miệng, khám răng thường xuyên. Cần nhớ uống kháng sinh trước khi được làm thủ thuật hoặc điều trị răng.
– Tuân thủ chế độ điều trị nội khoa: tái khám đúng lịch hẹn và uống thuốc theo toa bác sĩ.
– Với phụ nữ, mang thai là một gánh nặng đối với tim, nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn có thai. 
Nếu có thai, bác sĩ tim mạch, bác sĩ sản khoa sẽ phải theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân trong thai kỳ, khi sinh và sau khi sinh.

(Nguồn: yteduphongthuduc)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014