Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bí quyết tăng sức đề kháng mỗi ngày

Cập nhật: 7/8/2013 | 7:49:38 AM

Có thể nói chưa bao giờ con người lại phải đối mặt với nhiều loại vi rút gây bệnh như hiện nay, với gần 200 dịch bệnh có khả năng lây truyền cao. Vì vậy, tăng đề kháng mỗi ngày sẽ là biện pháp hữu hiệu để thắng dịch bệnh lâu dài.

Tại buổi phát động chiến dịch tuyên truyền “Tăng đề kháng mỗi ngày, thắng dịch bệnh lâu dài” năm 2013 do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) và Công ty United International Pharma tổ chức ngày 4/8/2013, BS. Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng tư vấn dịch vụ, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, đến nay, dù khoa học đã có những tiến bộ vượt bậc, hầu hết các loại bệnh cảm, cúm do vi rút gây ra vẫn chưa có phương thuốc để điều trị triệt để. Việc phòng chống cảm cúm và dịch bệnh do vi rút gây ra vẫn phải dựa vào các biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch và giải quyết các triệu chứng.

Cũng theo BS. Nguyễn Quốc Tuấn, hệ miễn dịch là rào chắn giúp bảo vệ cơ thể trước bệnh tật. Đặc biệt với trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch và sức đề kháng càng có ý nghĩa hơn trong sự phát triển của trẻ trong suốt cuộc đời. Để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, nhiều người chọn thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, tiêm phòng… Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, một hành động nhỏ cũng có thể mang lại công dụng tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống dịch bệnh mà không tốn nhiều tiền!

Dưới đây là những bí quyết được BS. Nguyễn Quốc Tuấn đưa ra:

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1. Thiết kế thực đơn thông minh 

-Chọn thực đơn hợp lý, cần phải đủ chất đạm, đường, mỡ rau xanh.

-Hạn chế chất béo có nguồn gốc động vật.

-Cân bằng các loại cá, đậu đỗ và những thực vật có củ

-Không thể thiếu các vi khoáng và vitamin

-Tăng cường hoa quả an toàn

2. Hãy ăn chất béo “tốt bụng”

-Đó là chất béo có nguồn gốc thực vật là omega-3

-Dầu hạt cải, dầu ôliu, hạt điều được xếp vào loại chất béo tốt nhất

-Một số loại cá biển (cá hồi, cá sácdin, cá ngừ) rất giàu axit béo omega-3,  ngoài ra omega-3 còn có trong hạt bí ngô, hạt dẻ Italia...

3. Ăn chậm, nhai kỹ

Cố gắng ăn chậm, nhai kỹ. Nếu ăn quá nhanh, cơ thể không tiết đủ men tiêu hoá, thức ăn sẽ không thể tiêu hoá tốt. Hậu quả, nhiều thành phần dưỡng chất không được cơ thể hấp thụ nên hệ đề kháng của cơ thể có thể cũng bị thiếu chất.

4.Suy nghĩ tích cực

Các nhà khoa học khẳng định, lối sống thoải mái, vô tư, niềm vui cuộc sống có ý nghĩa cực lớn đối với phong độ hệ đề kháng của cơ thể. Những cá nhân có thái độ lạc quan, tích cực đối với cuộc sống rất hiếm khi mắc các bệnh lây nhiễm, có sức khoẻ tốt hơn và tuổi thọ cao hơn.

5. Chăm gặp gỡ bạn bè

Những cá nhân có mối quan hệ rộng rãi tự xoay sở tốt hơn với trường hợp bị cảm cúm, cũng như đề kháng tốt hơn với stress. Một công trình nghiên cứu khoa học ở Mỹ đã khẳng định, hệ miễn dịch của dạng người ưa hoạt động hiệu quả cao hơn 20% so với đối tượng sống khép mình, ít quan hệ xã hội.

6. Đi bộ nhiều hơn

Hoạt động cơ bắp phát huy tác dụng cải thiện chức năng hệ miễn dịch. Những người chăm hoạt động thể chất hiếm khi ốm đau và hồi phục sức khoẻ nhanh hơn - trường hợp không may bị bệnh. Tốt nhất là đi bộ được 30 phút/ngày. Vận động, tập thở hợp lý sẽ có nhiều oxy hơn tiếp cận các mô và chúng sẽ được tẩy sạch hơn các chất độc hại.

7. Luôn tươi cười

Nụ cười phát huy tác dụng tích cực đối với hệ miễn dịch, theo ba cách. Đó là giải phóng những cảm xúc tích cực sẽ dẫn đến hiện tượng gia tăng các tế bào đề kháng. Cười làm rung động cơ hoành yếu tố kích thích lực lượng bảo vệ cơ thể hoạt động tốt hơn, nhờ thế phổi được cung cấp lượng không khí nhiều gấp ba bình thường.

Khi cười não bộ "no" oxy và bắt đầu sản xuất endorfin - những hợp chất chống viêm nhiễm tự nhiên. Vậy nên, luôn tươi cười, chúng ta như được bảo vệ gấp đôi chống lại nguy cơ nhiễm bệnh.

8. Nghỉ ngơi hợp lý

Nếu làm việc liên miên không nghỉ, cơ thể mệt mỏi, bạn cũng cảm thấy hậu quả ngay và có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nỗ lực chống đỡ sự mệt mỏi sẽ khiến hệ đề kháng của cơ thể bạn càng suy yếu thêm. Nên làm việc có kế hoạch, để mỗi ngày có thời gian thư giãn nhất định, đặc biệt là giờ nghỉ trưa sau.

Ngủ đầy giấc và sâu Tình trạng thiếu ngủ làm suy yếu khả năng đề kháng của mỗi người do vậy hệ đề kháng sản xuất ít kháng thể hơn. Nên ngủ đủ 6 - 8 giờ/đêm và 30 phút vào buổi trưa mỗi ngày.

Tránh ăn và tập thể dục trước khi lên giường, bởi điều đó có thể gây khó ngủ. Nên ngủ ở tư thế thoải mái, nhiệt độ không nên để quá nóng hoặc quá lạnh làm ảnh hưởng giấc ngủ.

9. Giảm stress

Hệ đề kháng của cơ thể gắn liền với hệ thần kinh, khi bị stress cơ thể tiết ra cái gọi là hoócmôn stress, trong đó có kortyzol. Stress kéo dài làm giảm thiểu khả năng mẫn cảm và tính hiệu quả của hệ đề kháng cơ thể. Đi bộ, thở khí công hoặc tập luyện thể thao - đó là cách thức hoá giải stress tuyệt vời.

10. Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim… Khói thuốc lá có chứa hơn 4000 chất hóa học và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư.

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói. Khi hút thuốc xuất hiện trong cơ thể các thành phần tự do, do vậy sức mạnh tự vệ của cơ thể suy yếu vì liên tục phải vô hiệu hoá thành phần tự do.

11. Không lạm dụng rượu, bia

Rượu huỷ diệt dự trữ vitamin trong cơ thể - nhân tố làm suy giảm chức năng của hệ đề kháng. Vì thế, mỗi ngày chỉ nên uống tối đa 50cc rượu mạnh hoặc một ly rượu vang. Không nên lạm dụng rượu bia vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người.

12. Tự rèn luyện khả năng chịu đựng của cơ thể 

Việc rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể là bài tập tuyệt vời dành cho hệ đề kháng. Nhờ thế, cơ thể sẽ chịu rét và các tình huống thời tiết thay đổi đột ngột tốt hơn, cơ thể ít bị cảm lạnh, cảm cúm. Hai phương pháp rèn luyện đơn giản:

-Nhúng chân vào nước lạnh: Mùa đông xả nước lạnh vào chậu đến mắt cá chân và ngâm chân. Mỗi ngày tăng dần (tối đa không quá 6 phút/lần/ngày).

-Xả nước vòi hoa sen luân phiên (ấm -  lạnh - ấm). Tốt nhất thực hiện vào buổi tối, trước khi đi ngủ.

13. Không quên tiêm chủng

Tiêm chủng vaccine phòng ngừa các dịch bệnh rất cần thiết, đặc biệt là trẻ em để tạo hệ miễn dịch cho cơ thể. Thậm chí hệ miễn dịch khoẻ mạnh và nghiêm chỉnh cũng có thể chịu thua virus cúm, SARS.

Hệ miễn dịch của cơ thể chỉ nhanh chóng và tiêu diệt có hiệu quả những kẻ thù đã biết và quen mặt, nên tiêm phòng cho trẻ theo đúng lịch nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong.

14. Dùng hoa quả và thảo dược tự nhiên

Có một số thảo dược phát huy tác dụng kích thích và củng cố hệ miễn dịch cơ thể. Trong các hoa quả và thảo dược tự nhiên tốt nhất với cơ thể là: bưởi, cam, chanh, các sản phẩm chế biến từ nhân sâm (tốt nhất là sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam), đinh lăng và cây lô hội.

Khoa học đã chứng minh hoa quả và thảo dược tự nhiên của Việt Nam có nhiều tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức đề kháng phòng chống bệnh tật.

15. Bổ sung vitamin và vi khoáng

Cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các hợp chất dinh dưỡng khác nhau, nhất là một số vitamin và vi khoáng hàng ngày như:

Đồng: Nhờ nguyên tố vi lượng này, bạch cầu có thể tiêu diệt mọi kẻ thù của cơ thể. Đồng có nhiều trong sò huyết, đậu đỗ, lạc vừng, hạt bí đỏ, socola...

Kẽm: Có trong tuỷ xương sẽ xuất hiện bạch cầu. Nguồn cung cấp kẽm là hải sản, thịt,cây có củ.

Axit folic và vitamn B12: Kiểm soát quá trình tạo ra bạch cầu trong tuỷ xương. Axit có trong đậu đỗ đã nấu chín, rau xanh lá nhọn, spinac... Vitamin B12 có nhiều trong các sản phẩm chế biến từ thịt, trong thịt bò nạc, trong sữa gầy và trứng gà.

Vitamin A: Vitamin A có trong thịt (nhất là gan), bơ, sữa béo, pho mát.

Vitamin E : Hỗ trợ hệ miễn dịch trong cuộc chiến chống các thành phần tự do. Tăng cường sức mạnh hệ miễn dịch, khi dịch bệnh tấn công. Nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất là hạt hướng dương, lạc, mầm lúa mạch, dầu thực vật, dầu cá.

Vitamin C : Tăng cường sức mạnh bạch cầu trong nỗ lực tiêu diệt kẻ thù của cơ thể, có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư. Vitamin C còn có trong nhiều loại rau cải và trái cây như cam, chanh, quýt, bưởi. Nhưng vitamin C dễ bị phá huỷ trong quá trình bảo quản và chế biến thức ăn, vì vậy có thể uống bổ sung thêm bằng các chế phẩm, dược phẩm an toàn.


(Nguồn: vnmedia.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014