Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Mạng xã hội: Chớ làm “con nghiện”

Cập nhật: 7/7/2013 | 3:49:30 PM

Mạng xã hội (MXH) không còn là khái niệm xa lạ với bất kỳ ai sử dụng internet ở Việt Nam. Ở nhiều thời điểm, nó đã trở thành trào lưu, mốt của những người có một tài khoản internet như một ngôi nhà ảo, một cuốn nhật ký cá nhân, một nơi để PR bản thân... Dần dần, MXH trở thành một kênh giao lưu của truyền thông chính thống với công chúng, cộng đồng. Khái niệm ảo - thật của MXH đã thu ngắn và đôi khi không có khoảng cách.

Khi MXH trở thành trào lưu và xu hướng

Trong một hội thảo về MXH ở Việt Nam - Social Media vào tháng 2/2012 tại Hà Nội, TS. Divine - Pháp và CEO Vinalink Media Hà Tuấn Anh đã thống kê: Năm 2012, thế giới có 28 loại hình MXH thì Việt Nam đã có đến 22 loại hình. Theo đó, nếu chỉ xét riêng các MXH nội và ngoại tại Việt Nam, facebook đang giữ vị trí dẫn đầu (xếp thứ 2 ở top bảng xếp hạng chung, sau youtube), sau đó là đến ZingMe, Google Plus, Go.vn với vị trí lần lượt là 3, 4 và 13 trong top 100. Riêng 10 MXH nước ngoài phủ tới 83% lượng người dùng internet của Việt Nam.

Chỉ tính riêng một mạng facebook thâm nhập Việt Nam năm 2009, được coi là một MXH có tính năng ưu việt, có độ tương tác cao, người dùng toàn cầu và họ cũng đã mở văn phòng đại diện ở Việt Nam. Đây cũng chính là một trong các MXH thống lĩnh Việt Nam, sau 1 năm đã thu hút khoảng 2 triệu thành viên, đến đầu năm 2012, nó đạt 5 triệu, theo thống kê của We Are Social tháng 10/2012 thì facebook ở Việt Nam đạt 8,5 triệu thành viên, đến 3/2013 tăng lên 12 triệu. Mạng ZingMe của Việt Nam cũng nắm trong tay khoảng 4 triệu tài khoản, gần như thống lĩnh những thông tin về giải trí, game, showbiz... dành cho giới trẻ.

Qua những con số thống kê, có thể thấy MXH ở Việt Nam đã trở thành một trào lưu, xu hướng kết nối toàn cầu. Điều này có thể chứng minh thực tế gần như giới showbiz Việt ai cũng có ít nhất một tài khoản MXH, có người còn tạo cho mình mấy tài khoản để mở rộng kết nối. Trong giới báo chí thì hầu như ai cũng có một tài khoản, facebook, Twitter.., ngay cả các cơ quan truyền thông chính thống cũng có cửa sổ liên kết giao lưu với công chúng qua tài khoản các trang MXH như một kênh thông tin tương tác giữa báo chí và công chúng bạn đọc.

Chớ làm “con nghiện” 1

Mạng xã hội: Phúc - họa khôn lường

Không thể phủ nhận MXH có những tiện ích vượt trội mà không có kênh truyền thông nào có thể có được bởi sự lan tỏa, sự thông dụng, thịnh hành, không biên giới và không phụ thuộc thời gian. Bản thân MXH lại là tích hợp tất cả những công năng của truyền thông vừa nghe - nhìn - tương tác, thỏa mãn những nhu cầu vô giới hạn của mọi người về thông tin, được cài đặt cả ở những thiết bị truyền thông của tất cả các hãng...

Kể từ khi MXH du nhập vào Việt Nam, “phong trào” lập blog và trở thành những blogger nổi tiếng trên mạng đã thành một kênh truyền tải nhiều thông tin. Ở một khía cạnh xã hội, các MXH tạo lập nên những phong trào xuyên quốc gia bảo vệ hành tinh, bảo vệ môi trường sống, mọi người chung tay có những hành động kịp thời, cứu giúp những hoàn cảnh bất hạnh, chia sẻ tinh thần đến những số phận không may mắn... MXH còn là một kênh chuyển tải những vấn đề mang tính tích cực xã hội, như gặp một vấn đề bức xúc, mọi người tỏ rõ thái độ, tạo nên những điều chỉnh hợp lý trong các vấn đề kể cả quốc gia đại sự..., điều đó như một cách góp phần cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn, tốt hơn...

Nhưng mặt trái của MXH cũng rất rõ. Với tính năng kỹ thuật có thể lan truyền với tốc độ cao, lan nhanh, lan rộng, rất nhiều “thảm họa” cũng xuất phát từ MXH. Từ chuyện vô tình lộ bí mật quốc gia, những thông tin nhạy cảm trong quan hệ ngoại giao, cho đến những cái “họa” đụng chạm đến cá nhân, kể cả vi phạm luật pháp. Việc tung lên mạng chuyện đời tư, hình ảnh phản cảm... hay viết những status mang tính khiêu khích, rồi các comment hùa theo để khen ngợi  bốc thơm hoặc công kích một ai đó kiểu “đánh hội đồng” gần như là câu chuyện thường ngày của MXH, gây nhiều ảnh hưởng xấu, làm xáo trộn sự trong lành của môi trường xã hội.

Một cái “họa” khác của MXH khó “đong, đếm” được là mất thời gian. Đã có những “con nghiện” - “tín đồ” MXH như một thứ ma túy, để đến nỗi tâm lý, tinh thần, sức khỏe, trí tuệ... đều bị ảnh hưởng đến thành bệnh lý thật sự. Không ai có thể “đếm” có bao nhiêu nhân viên công vụ trong giờ làm việc, máy tính hay điện thoại luôn mở cửa sổ MXH để thấy ai đang “sáng đèn”, một status mới, comment mới là vào “like”, “reply”, “chat”.., xao nhãng việc công, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Mới đây,  clip “Vì sao bạn nên bỏ mạng xã hội” của một nữ sinh nick Hồng Gấu lên Youtube, thu hút hơn 70 ngàn lượt người xem. Hồng Gấu tâm sự mình từng là “con nghiện” của MXH nhưng quyết định từ bỏ nó để sống thực sự đúng nghĩa, ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc trực tiếp với mọi người nhiều hơn, “không đánh giá người khác dựa vào những hình ảnh phiến diện trên mạng xã hội” nữa.

Chính vì sự hai mặt của MXH mà tháng 3/2012, đã có tin đồn cậu chủ sáng lập facebook định đóng cửa vì mất kiểm soát hoàn toàn trang mạng này khi sự lan truyền và tầm ảnh hưởng của nó vượt ngưỡng.

Chớ làm “con nghiện” 2
 Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, tuy nhiên nó tồn tại nhiều mặt trái. (ảnh minh họa).

Mạng xã hội : Kênh truyền thông ảo - thật lẫn lộn

MXH, trên lý thuyết là ảo, nhưng đa số người Việt Nam hiện tại sử dụng MXH như một diễn đàn để giải trí, làm quen, kết bạn và chia sẻ thông tin, chia sẻ với bạn bè gần xa những gì liên quan đến cá nhân mình, hơn nữa, dùng MXH để liên kết các thông tin, để chia sẻ với các bạn bè khác như một kiểu báo chí truyền thông hay “nặng đô” hơn như một “hãng thông tấn” nho nhỏ của cá nhân...

Là ảo vì nó trên mạng, có thể cái avatar - ảnh đại diện là bản thân mình hay một hình ảnh khác biểu tượng thì phần đông đều để tên thật, lý lịch trích ngang vắn tắt, nghề nghiệp hiện tại của mình. Trong giới showbiz Việt, những “người của công chúng” càng ý thức hơn về hiệu quả, tính năng ưu việt sự lan tỏa từ MXH, bởi gần như ai cũng biết MXH là một kênh truyền thông PR bản thân nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, xa nhất và tốt nhất so với tất cả các kênh truyền thông chính thống và truyền thống như báo chí, truyền hình... nên chẳng ai dại gì đề tên giả. Cho nên mạng thì ảo, tên là thật nên tất cả thông tin trên mạng của cá nhân ít khi là ảo.

Giới truyền thông, gần như các nhà báo, phóng viên của các báo in, báo hình, báo tiếng, báo mạng đều có ít nhất một tài khoản MXH. Ngay cả một số tổng biên tập của các báo in chính thống cũng có một tài khoản MXH để kết nối với mọi người. Không hiếm nhiều nhà báo xem MXH là kênh thông tin để viết bài. Chỉ cần lướt qua các liên kết “friends” theo thuật “lan mạng”, sẽ có mọi thứ thông tin họ quan tâm. Đã có không ít nhà báo dùng MXH như nguồn thông tin chính của mình. Và vì thế, trong giới truyền thông Việt cũng đã xảy ra rất nhiều “tai nạn” nghề nghiệp cho các báo. Từ một thông tin trên mạng cá nhân, chưa kiểm chứng, một nhà báo đưa lên thành thông tin của báo mình, các báo khác vội chia sẻ, liên kết, “share” tiếp, thông tin lan cực nhanh, thế là thành tin “nóng”... Nhưng hồi kết là “tin vịt”.

Mạng xã hội là ảo, nhưng khả năng chi phối dư luận xã hội, tầm ảnh hưởng và vai trò của nó rất lớn và có thật. Nhiều thời điểm, nhiều thông tin trên các trang MXH được công chúng đọc và bàn luận nhiều hơn những thông tin chính thống trên báo chí. Có lẽ thấy tình hình thực tế ảo mà thật trên MXH, điểm danh các tờ báo in, báo hình, báo tiếng (có trang điện tử) và các báo mạng chính thống như: Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Lao động, VOV, VTV, VNN, VTCNews, Vnexpress, ngay cả một số cổng thông tin điện tử của nhiều cơ quan nhà nước, bộ, ngành, đoàn thể, hội... đều có liên kết với các trang MXH như một kênh chính thức để tương tác với đông đảo bạn đọc. Điều này có thể thấy nếu như báo chí chính thống không thông tin nhanh, mở rộng thông tin nhiều chiều, xông vào những vấn đề bức xúc của xã hội thì khó có thể chi phối, hướng dẫn dư luận xã hội.

Có nên có điều chỉnh Luật Báo chí về mạng xã hội?

MXH ảo với đủ hình thức chia sẻ với những tính năng ngày càng ưu việt hơn, tương thích hơn, dễ dàng hơn và “bình dân” hơn đang tham gia phân hóa đời sống xã hội thực của chúng ta. Đó là một thực tế. Trong lúc nhiều “tín đồ” facebook vẫn chăm chút cho “ngôi nhà ảo” MXH của mình thì cũng có một số người từ biệt khỏi “ngôi nhà chung” ấy, từ bỏ cuộc chơi, người thì unfriend - loại, loại ai không thích ra khỏi danh sách bạn bè hay block- ngăn chặn luôn tài khoản bởi không ít những phiền lụy mang đến. Đã có những thực tế xảy ra, chỉ vì một nội dung thông tin cá nhân với quan điểm cá nhân, lên mạng cá nhân, nhưng do tốc độ lan truyền giữa các “friend” đã bị “ném đá” gây những hậu quả tinh thần nghiêm trọng. Hay có những thông tin nhạy cảm riêng tư bị “quăng” lên mạng nhằm nhiều mục đích khác nhau, gây ảnh hưởng nhiều phương diện về văn hóa, đời sống xã hội. Rồi chính MXH cũng là nơi bị kẻ xấu lợi dụng như một kênh truyền thông với những ý đồ, mục đích có tính chính trị xấu... MXH đã trở thành một “vương quốc ảo” không có pháp quyền.

Đã đến lúc cần có một quy phạm pháp luật mang tính cục bộ theo luật định quốc gia về MXH, để ít ra có một khung pháp lý xử lý khi xảy ra những “sự cố”, “tai nạn” hay các vấn đề liên quan đến việc vi phạm luật pháp trên mạng.        


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014