Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bệnh ở túi mật: Nhỏ mà không nhỏ

Cập nhật: 24/9/2012 | 11:59:52 AM

Túi mật nằm ở ngay sau bờ sườn bên phải, là một túi chứa bên cạnh ống mật chủ, nối thông với ống mật chủ bởi một ống nhỏ. Túi mật có nhiệm vụ dự trữ dịch mật khi có thức ăn vào đường tiêu hóa, dịch mật được tống xuất từng đợt qua ống mật chủ xuống ruột để tiêu hóa thức ăn. Tuy là một cơ quan nhỏ nhưng bệnh của túi mật lại có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Biểu hiện của bệnh ở túi mật

Bệnh túi mật thường gặp nhất là sỏi túi mật, kế đến là polyp túi mật. Ngoài ra, còn có các bệnh u lành, u ác, viêm không do sỏi, xoắn, rối loạn vận động…

Có rất nhiều trường hợp bệnh túi mật không có triệu chứng gì khó chịu khiến cho bệnh nhân phải đi khám bệnh. Những triệu chứng của các loại bệnh túi mật có thể xảy ra là:

Đau bụng:

Vị trí đau của túi mật ở vùng dưới bờ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị (vùng chấn thủy). Có thể là những cơn đau dữ dội hoặc đau âm ỉ, đau dai dẳng hoặc thoáng qua, tùy theo thương tổn của túi mật. Đặc điểm đau của túi mật là cơn đau tăng lên sau ăn, khác với đau dạ dày thường là tăng khi đói. Không kể trường hợp đau dữ dội, cơn đau của túi mật nhiều khi khó phân biệt với đau của các bệnh dạ dày - tá tràng, đại tràng.

Rối loạn tiêu hóa: Cơn đau cấp tính ở túi mật có thể gây buồn nôn và nôn. Các trường hợp khác, bệnh nhân có thể cảm giác đầy bụng, chậm tiêu, chán ăn, sợ mỡ. Các triệu chứng này cũng dễ nhầm với bệnh của dạ dày - tá tràng và của đường tiêu hóa.

Vàng da: Bệnh của túi mật ít khi gây vàng da vì túi mật chỉ là bộ phận phụ bên cạnh đường mật chính. Biểu hiện đầu tiên của vàng da là nước tiểu vàng sậm, kế đến là mắt vàng và sau đó là da vàng. Nếu chỉ thấy da vàng mà nước tiểu không vàng thì không phải là chứng vàng da. Vàng da chỉ xuất hiện khi thương tổn ở túi mật quá nặng nên gây tắc nghẽn đường mật chính, như trong trường hợp sỏi túi mật rơi xuống đường mật chính, viêm túi mật cấp gây phù nề ứ trệ đường mật, viêm túi mật mạn gây dính tắc vùng ngã ba túi mật - đường mật, u túi mật xâm lấn đường mật.

Sốt: Là biểu hiện khi xảy ra nhiễm trùng ở túi mật, một biến chứng thường gặp của bệnh túi mật, nhất là sỏi.

Làm gì để chẩn đoán bệnh chính xác?

Khi có những biểu hiện nghi ngờ mắc các bệnh ở túi mật, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện bệnh sớm. Có như vậy thì bác sĩ mới có chỉ định, phương pháp điều trị phù hợp. Siêu âm là phương tiện đầu tiên được dùng nhiều nhất trong chẩn đoán bệnh túi mật. Độ tin cậy của siêu âm khá cao (90%), cho phép chẩn đoán các bệnh sỏi, viêm, polyp, u bướu của túi mật. Từ khi siêu âm chẩn đoán phát triển mạnh, bệnh túi mật đã được phát hiện sớm hơn, giúp điều trị tốt hơn.

Tùy theo yêu cầu chuyên khoa, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT scan hay MRI để xác định thêm chẩn đoán cũng như khảo sát hình ảnh túi mật - đường mật để định hướng cho điều trị và phẫu thuật.

 Sỏi túi mật.

Điều trị thế nào?

Tùy loại bệnh và mức độ thương tổn được xác định mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Do phẫu thuật cắt bỏ túi mật có thể thực hiện dễ dàng và không gây nhiều rối loạn cho bệnh nhân nên được chỉ định cho hầu hết các bệnh túi mật. Tuy nhiên, cắt bỏ túi mật không phải là hoàn toàn không gặp những rắc rối, biến chứng, di chứng.
 
Những bệnh túi mật chưa đến mức phải chỉ định phẫu thuật thì chưa nên phẫu thuật để tránh những biến chứng có thể xảy ra, mặc dù với một tỷ lệ rất thấp. Chỉ định mổ thích hợp cần có ý kiến chuyên gia phẫu thuật gan mật để mang lại kết quả tốt nhất.                                                                                                                                          
 
Chế độ ăn cho người mắc bệnh về mật                                                           

Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần để cho túi mật nghỉ ngơi bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo và chất đạm trong chế độ ăn vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.

 Người mắc bệnh sỏi mật nên hạn chế ăn lòng đỏ trứng.

Trong trường hợp bị viêm túi mật hoặc đường mật mạn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn hạn chế chất béo. Các chất mỡ có ảnh hưởng không chỉ đối với chức năng gan, mật mà cả với dạ dày. Nó làm cho môn vị mở chậm và gây đầy bụng vì nó tụ lại trong dạ dày. Mỡ cản trở bài tiết HCl (cần cho sự tiêu hóa protid) và làm cho mật xuống ruột không đều, tăng chất độc vào máu, ảnh hưởng tới gan.

Người bị viêm túi mật và đường mật mạn tính mỗi ngày chỉ nên ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và nạc, không có mỡ. Dùng thịt tươi, nấu đơn giản. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ.

Với các thức ăn giàu glucid, nên dùng nhiều đường vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng chocolate, ca cao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột (ví dụ bánh ngọt) vì gây khó tiêu.

Với người bệnh sỏi mật, để tránh ứ đọng mật và nhiễm trùng đường mật, cần hạn chế các thức ăn gây táo bón (các thức ăn, nước uống có nhiều tanin), vì táo bón tạo cơ hội cho vi khuẩn đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, viêm túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng đọng thành sỏi.

Để tránh sỏi cholesterol xuất hiện, cần hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ và cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng...       

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014