Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bảo vệ sức khoẻ của trẻ thông qua tiêm chủng

Cập nhật: 12/4/2017 | 4:11:52 PM

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 241 trường hợp bị thuỷ đậu; hơn 100 trường hợp quai bị; 10 trường hợp có xét nghiệm dương tính với ho gà; 462 ca cúm... Điều đáng nói, đây là những loại bệnh đã có vắc xin phòng, tuy nhiên qua giám sát cho thấy, trong số mắc bệnh, rất nhiều trường hợp chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đầy đủ.

Tiêm phòng cho trẻ tại Phòng tiêm Safpo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Tiêm phòng cho trẻ tại Phòng tiêm Safpo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Hiện nay, nhiều loại bệnh có thể gây thành dịch đã có vắc xin phòng. Riêng Chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ đang triển khai một số loại vắc xin, như: BCG (phòng bệnh lao), viêm gan B mũi tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm nàng não mủ do vi khuẩn Hid), boPV và IPV (phòng bệnh bại liệt), sởi. Trẻ 12-18 tháng được tiêm thêm vắc xin viêm não nhật bản, DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván), sởi - Rubella. Bên cạnh đó, trong chương trình tiêm dịch vụ, ngoài vắc xin phòng các bệnh như đã nói trên, còn có các loại vắc xin phòng các bệnh khác như: Thuỷ đậu, cúm, quai bị...

Thực tế, công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ khá cao. Năm 2016, toàn tỉnh có 24.110 trẻ dưới 1 tuổi tiêm các loại vắc xin, đạt tỷ lệ 98,78%; trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin DPT mũi 4 đạt tỷ lệ 93,06%; sởi mũi 2 đạt 90,65%... đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Có được điều này là nhờ công tác tuyên truyền về tiêm chủng được đẩy mạnh tạo nên ý thức, nền nếp của phần lớn người dân. Bên cạnh đó, các điểm tiêm cũng được bố trí trải đều khắp mọi miền tạo thuận lợi cho người dân đưa trẻ đến tiêm. Cán bộ, nhân viên y tế làm công tác tiêm phòng được tập huấn kỹ năng đều đặn hàng năm. Đến nay toàn tỉnh có 189 điểm tiêm chủng mở rộng, bố trí ở 186 xã, phường, thị trấn trên địa bàn và 11 điểm tiêm vắc xin dịch vụ. 1.388 cán bộ, nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng đều có chứng chỉ đầy đủ.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số trường hợp gia đình không cho trẻ đi tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ do lo ngại tai biến có thể xảy ra. Bà Trần Thị Diệp, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Việc không cho trẻ đi tiêm phòng rất nguy hiểm, bởi dù trẻ mới sinh ra đã có khả năng miễn dịch do nhận được các kháng thể từ mẹ. Tuy nhiên, khả năng này chỉ kéo dài được từ 1 tháng - 1 năm. Sau đó, trẻ không còn nhận được kháng thể từ mẹ nữa và dễ dàng bị nhiễm các bệnh; trong đó có các loại bệnh có thể phòng tránh được bằng vắc xin”. Thực tế đã chứng minh, trong số các trường hợp mắc những bệnh truyền nhiễm như: Ho gà, thuỷ đậu, sởi, quai bị... hầu hết rơi vào lứa tuổi trẻ chưa đủ tháng tiêm phòng và mẹ của trẻ chưa từng bị mắc bệnh, nên kháng thể truyền cho con yếu; trẻ chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ mũi. Số trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ mũi rơi nhiều vào tầm 4-5 tuổi, bởi thời gian này, do xảy ra tai biến vắc xin Quynvaxem ở một số tỉnh, thành dẫn đến người dân e ngại trong việc tiêm phòng cho con. Chẳng hạn như: Năm 2012, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi của tỉnh tiêm vắc xin Quynvaxem (vắc xin 5 trong 1) chỉ được gần 90%; vắc xin sởi mũi nhắc lại và vắc xin DPT (phòng chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) mũi nhắc lại dành cho trẻ trên 1 tuổi đến 24 tháng chỉ đạt gần 60%-67,9%.

Cũng theo bà Trần Thị Diệp, việc tiêm chủng cho trẻ không chỉ giúp phòng bệnh cho bản thân đứa trẻ mà còn bảo vệ sức khoẻ cho cả cộng đồng. Đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phù hợp theo lứa tuổi sẽ tạo cho cơ thể trẻ một sức đề kháng tốt hơn để ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh. Để việc phòng bệnh đạt được hiệu quả tối ưu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc các mũi vắc xin có chỉ định tiêm nhắc theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em. Bởi đợt tiêm ngừa cơ bản là đợt tiêm ngừa đầu tiên cho trẻ giúp trẻ có khả năng phòng ngừa một hoặc nhiều bệnh lý trong thời kỳ thơ ấu. Theo thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ. Liều vắc xin nhắc lại sẽ giúp cơ thể tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt chủng ngừa cơ bản đầu tiên; từ đó giúp cơ thể người được tiêm chủng đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối.

Hiện tỉnh đang triển khai hệ thống phần mềm quản lý tiêm chủng để quản lý, theo dõi quá trình tiêm chủng của một người từ khi sinh ra đến suốt đời, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Với phần mềm quản lý tiêm chủng, mỗi trẻ sẽ có một mã số dùng để tra lịch sử tiêm chủng, biết được mũi tiêm tiếp theo là gì, hay những mũi tiêm còn thiếu. Phần mềm quản lý tiêm chủng còn có chức năng nhắn tin, nhắc lịch tiêm chủng, giúp các gia đình chủ động đưa con đi tiêm đúng lịch và đủ liều. Hiện tỉnh đã triển khai được mã số cho gần 30.000 trẻ dưới 1 tuổi. Bởi vậy, để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, cho cộng đồng, rất cần sự chung tay của mỗi gia đình trong việc đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014