Bộ Y tế xét lại cách chữa tay chân miệng bằng nước ozôn
Cập nhật: 15/11/2011 | 8:14:39 PM
Dù ghi nhận một số trẻ mắc tay chân miệng tại Ninh Thuận đã lui bệnh sau khi dùng nước ozôn, các bác sĩ vẫn cho rằng chưa có cơ sở để công nhận hiệu quả cách chữa này. Trong khi đó, số trẻ mắc bệnh vẫn ngày một tăng lên.
Trước đó, ngày 11/11, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (còn được gọi là ông già ozôn) đã đến Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận để giúp tỉnh dập dịch tay chân miệng. Biện pháp của ông hết sức đơn giản là dùng dung dịch anolyte - được tạo ra từ quá trình điện phân muối - để vệ sinh nơi ở, quần áo, tắm rửa cho trẻ, thậm chí cho trẻ súc miệng hoặc uống. Ngoài ra là dùng nước chanh tươi, vitamin B1...
Theo ông, đây là dung dịch có tính sát khuẩn mạnh, có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, kể cả những loại có sức đề kháng cao như nha bào, vi trùng bệnh lao, E. Coli, các liên cầu khuẩn, nấm mốc, xạ khuẩn… Chưa kể phương pháp này lại hết sức rẻ tiền, vì chỉ dùng muối.
Sau khi áp dụng phương pháp này, một số bé đã có đáp ứng tốt, giảm bệnh. Chăm con là bé Duy Thanh (3 tuổi) ở phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trong bệnh viện tỉnh Ninh Thuận 3 ngày nay vì bệnh tay chân miệng, chị Nguyễn Thị Lài cho biết, ngày nào chị cũng thấy có "ông già ozôn" đến xức thuốc cho các cháu nhỏ mắc bệnh và thường chỉ sau một ngày là các vết lở khô. Bản thân con chị, dù các vết chấm đỏ ở chân vẫn còn hiện rõ nhưng không bị lở loét vì nhập viện sớm.
Chị Nguyễn Thị Lài và bé Duy Thanh tại Khoa Nhiễm bệnh viện tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: SơnNinh. |
Một trường hợp khác là cháu Chámlé Thị Zdánh (3 tuổi) ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, cũng đỡ hẳn bệnh sau 3 ngày được lau rửa dung dịch anolyte và uống thuốc, dù trước đó miệng và tay chân cháu bị lở loét nặng. Chiều qua, cháu và mẹ đã có thể dạo chơi quanh viện.
Một số bệnh viện khu vực tỉnh Ninh Thuận mấy ngày qua đều có số bệnh nhi nhập viện khá đông, hầu hết là các em dưới 5 tuổi. Mỗi ngày các bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca khám nhi.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh sơn (Ninh Thuận) cho biết, 10 ngày nay, có ngày các bác sĩ phải khám gần trăm ca bệnh nhi sốt và mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh viện đã quá tải, điều trị nội trú 2 cháu một giường.
Theo Bác sĩ Trần Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, về cơ bản các triệu chứng ngoài da của các cháu dùng phương pháp điều trị của tiến sĩ Khải đều có xu hướng giảm. "Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng không phải chỉ điều trị các triệu chứng ngoài da là có thể khỏi hẳn, bởi các vết lở loét và nổi mẩn chỉ là một trong nhiều triệu chứng của bệnh. Chúng tôi vẫn phải áp dụng phác đồ điều trị y khoa”, ông nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Võ Đại - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch tay chân miệng của tỉnh sau khi đi thăm các bệnh nhi và khảo sát việc chữa bệnh bằng dung dịch anolyte của tiến sĩ Khải đã công nhận hiệu quả của cách chữa này.
Tuy nhiên, ông Võ Đại cũng cho biết: "Vì Bộ Y tế đã có ý kiến không đồng ý cho tiến sĩ Nguyễn Văn Khải dùng dung dịch anolyte để chữa bệnh tay chân miệng nên đề nghị tiến sĩ thông cảm cho tỉnh”.
Ông Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đi thị sát bệnh viện tỉnh cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Khải. Ảnh: Sơn Ninh. |
Trước thông tin có vị tiến sĩ vật lý "nhảy" vào giúp Ninh Thuận dập dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang tiến hành đánh giá với luận chứng khoa học đầy đủ về hiệu quả điều trị lâm sàng, phòng tránh bệnh tay chân miệng bằng phương pháp của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, báo cáo Bộ trong thời gian sớm nhất.
Trao đổi về tính khả thi của phương pháp dùng anolyte, các bác sĩ và các nhà khoa học đều nhất trí dung dịch này có tính sát khuẩn mạnh, nhưng chưa đủ cơ sở để nói nó "chữa" được bệnh tay chân miệng.
Phó giáo sư Trần Hồng Côn, khoa hóa, Đại học khoa học tự nhiên (Hà Nội) cho biết, anolyte (hay còn gọi là nước ozôn) là dung dịch được tạo thành từ quá trình điện phân nhanh dung dịch muối. Loại chất lỏng này có tính chất giống như nước javen loãng, khả năng diệt trùng trong nước tốt.
Tiến sĩ Côn cho biết, anolyte là tên nhà hóa học người Nga, sản xuất ra loại dung dịch này. Trên thế giới, có một nhóm tác giả cho rằng đây không chỉ là dung dịch javen pha loãng mà khi điện phân với chế độ đặc biệt sẽ làm thay đổi cấu trúc của nước, khiến tính diệt khuẩn tăng lên nhiều nên có các khả năng ưu việt khác. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng điều này không có cơ sở nên không công nhận.
"Anolyte khử trùng, khử khuẩn rất tốt, còn những khả năng khác chưa được chứng minh và vẫn đang là đề tài tranh luận trong giới khoa học", tiến sĩ Côn khẳng định.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, từ lâu đã có nhiều nghiên cứu nói về tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn của nước ozôn. Nó cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như bảo quản hoa quả, thịt... Trong y tế thì nó giống như cồn rửa tay, có tính sát khuẩn, loại bỏ chất bẩn, được dùng để khử khuẩn không khí.
"Còn việc có chữa được bệnh tay chân miệng hay không thì hiện chưa có bằng chứng. Cần có nghiên cứu cụ thể hơn, một vài trường hợp chữa khỏi chưa thể nói lên điều gì", tiến sĩ Kính nói.
Hai mẹ con bé Chámlé Thị Zdánh sau khi khỏi bệnh tay chân miệng. Ảnh: Sơn Ninh. |
Đây cũng là quan điểm của Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
"Dùng nước ozôn để vệ sinh, tắm rửa thì tôi đồng ý, vì dù sao vẫn là tắm ngoài da, như một biện pháp vệ sinh, còn uống vào người là tôi phản đối. Muốn uống trực tiếp được thì cần phải chứng minh nước đó có đảm bảo không (chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng các tạp chất, đặc biệt là các kim loại nặng...). Như nước máy của ta không thể uống trực tiếp được", phó giáo sư Dũng nói.
Cũng theo ông việc dùng nước ozôn để chữa bệnh lại càng không thể được. "Không thể dựa vào loại nước này để chữa các bệnh nhẹ, chứ chưa nói đến bệnh rất nhạy cảm hiện nay là tay chân miệng. Khi chưa chứng minh được hiệu quả cũng như tính an toàn của nước ozôn thì ta chưa nên áp dụng trên con người", ông Dũng nói.
Cũng theo phó giáo sư, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng rõ ràng là do virus. Bệnh cũng mới rộ lên 10-15 năm trở lại đây. Những ca nhẹ thì dễ chữa, bệnh tự khỏi là chính bằng cách chăm sóc thông thường, ăn uống đầy đủ chất, vệ sinh cá nhân, chữa triệu chứng. Những ca nặng thường là do virus EV71.
"Trên cơ sở nghiên cứu, kinh nghiệm, các nước đã đưa ra phác đồ điều trị. Trong số các nước đang có dịch như Trung Quốc, Nhật... không ai nói đến việc áp dụng biện pháp dân gian mà vẫn phải dùng các biện pháp chữa trị y học hiện đại. Ngay cả với việc dùng nước ozôn này để tắm rửa nếu áp dụng rộng rãi cũng phải thử nghiệm", ông Dũng nói.
(Nguồn: vnexpress.net)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua sinh phẩm sàng lọc HPV nguy cơ cao bằng phương pháp Reatime PCR (20/11/2024)
- Nhu cầu lắp đặt tấm bê tông khí ALC (18/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Hàng hóa với nội dung cụ thể như sau: (16/11/2024)
- Phun diệt côn trùng phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue tại thành phố Hạ Long (15/11/2024)
- Thẩm định đánh giá xếp hạng đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (14/11/2024)
- Nhu cầu mua vacxin dịch vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (14/11/2024)
- Nhu cầu mua thuốc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm Reatime PCR HPV (13/11/2024)
- WiFi thực sự có hại cho sức khỏe? (15/11/2011)
- Unilever thu hồi trà ô long Lipton vì lẫn tạp chất (14/11/2011)
- Lây lan dịch tay chân miệng: Báo động (12/11/2011)
- 80% người bị đái tháo đường tử vong vì biến chứng tim (10/11/2011)
- Tỉnh đầu tiên công bố dịch tay chân miệng (8/11/2011)
- Chuyện nuôi trẻ, ông bà chưa chắc đã đúng (8/11/2011)
- Thanh toán khám chữa bệnh BHYT theo định suất: Còn nhiều vướng mắc (7/11/2011)
- Phát hiện chủng vi-rút HIV mới “hung hăng” hơn (7/11/2011)
- 9 chứng bệnh dân văn phòng thường gặp (7/11/2011)
- Dầu gội Johnson & Johnson bị nghi chứa chất độc (6/11/2011)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều