Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cần nhận thức đúng về hai loại vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim

Cập nhật: 8/1/2016 | 7:35:16 AM

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn tại một số điểm tiêm chủng ở Hà Nội thời gian qua là do việc tổ chức tiêm chưa tốt, nhưng nguyên nhân không kém quan trọng là ý thức, thói quen, kể cả yếu tố “tâm lý đám đông” của một số người khi lựa chọn vắc-xin để tiêm chủng cho trẻ. Bảng phân tích, so sánh giữa hai loại vắc-xin phổ biến ở Việt Nam hiện nay là Quinvaxem và Pentaxim do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra cho thấy, cần nhận thức đúng để có những quyết định đúng đắn về hai loại vắc-xin đó.

Theo bảng so sánh đó, hai vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim có một sự khác biệt quan trọng dễ gây tranh cãi nhất là thành phần ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) và ho gà vô bào (Pentaxim). Vắc-xin thành phần ho gà toàn tế bào là vắc-xin tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vắc-xin thành phần vô bào là vắc-xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn. Điều đó giải thích cho lý do tại sao vắc-xin ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc-xin ho gà vô bào. Nhưng điều đó cũng có một ưu điểm quan trọng là vì kháng nguyên toàn tế bào cho nên vắc-xin ho gà toàn tế bào kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vắc-xin ho gà vô bào. Ngoài ra, vắc-xin thành phần ho gà toàn tế bào có giá thành thấp hơn nhiều so với loại có thành phần ho gà vô bào.

Mọi vắc-xin khi được nhập khẩu vào Việt Nam, dù là Quinvaxem, Pentaxim, hay bất cứ loại nào khác đều phải có đủ ba giấy kiểm định chất lượng gồm: kiểm định của nhà máy, kiểm định của quốc gia sở tại, và kiểm định chất lượng khi đã vào Việt Nam. Vì thế chất lượng của các vắc-xin này đều được bảo đảm. Bộ Y tế có quy định và thông tin về bảo quản cũng như sử dụng vắc-xin đầy đủ tại các trang thông tin chính thức. Tuy nhiên, Quinvaxem có “thiệt thòi” hơn Pentaxem và các vắc-xin dịch vụ khác bởi được phân phối miễn phí trên diện rộng, do đó, một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế nghi ngờ chất lượng của nó bởi định kiến “tiền nào của ấy”. Bên cạnh đó, Quinvaxem được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cho nên mỗi năm Việt Nam sử dụng hết 4,5 triệu liều Quinvaxem cho 1,5 triệu trẻ trong cả nước. Do đó, tỷ lệ phản ứng sau tiêm, bao gồm cả phản ứng nặng như sốc phản vệ, lớn hơn rất nhiều so với Pentaxem (chỉ sử dụng khoảng 100 nghìn liều tiêm cho 33 nghìn trẻ/năm) hay các vắc-xin dịch vụ khác.

Trong năm 2013, có ba ca tử vong sau tiêm chủng khiến dư luận e ngại vắc-xin Quinvaxem. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy nguyên nhân là do tiêm nhầm thuốc khác thay vì tiêm vắc-xin viêm gan B, không hề liên quan đến Quinvaxem. Tiếp sau đó, có hơn mười ca tử vong khác sau khi tiêm Quinvaxem khiến Bộ Y tế phải tạm ngưng tiêm vắc-xin này và báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kết luận điều tra của WHO đã khẳng định hầu hết các trường hợp tử vong là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác ở trẻ. WHO cũng đã kết luận Quinvaxem an toàn và khuyến cáo sử dụng trở lại. Tuy nhiên, từ đó đến nay, một bộ phận người dân vẫn “bán tín bán nghi”…
Vắc-xin và mục tiêu miễn dịch cộng đồng
Trước hết, cần phải hiểu vắc-xin là một loại thuốc đặc biệt. Bản chất của vắc-xin là một chế phẩm sinh học đặc biệt có nguồn gốc từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng hoặc do tổng hợp sinh học đã được bào chế làm mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn còn khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ. Mục tiêu quan trọng nhất của việc triển khai tiêm chủng tại một quốc gia là tạo nên sức mạnh miễn dịch cả cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng cần phải đạt từ 80 đến 90% thì mới có thể đạt tới mục tiêu chiến lược ấy. Đó là lý do Bộ Y tế Việt Nam luôn cố gắng nỗ lực trong những năm qua để đạt tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đạt hơn 90%, đẩy lùi các bệnh dịch nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe người dân.
Việc tiêm chủng cho trẻ khi trẻ đến hai, ba và bốn tháng tuổi là vô cùng quan trọng, bởi đây là thời điểm “vàng” của tiêm chủng, rất thuận lợi cho kháng nguyên đi vào cơ thể và tạo nên tấm khiên giáp cứng cáp bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vắc-xin nào dù tốt đến đâu có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối, bởi vì tiêm vắc-xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắc-xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong một, hai ngày. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng rất mạnh với vắc-xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ. Vì thế, một số phụ huynh e ngại, chần chừ không đưa trẻ đi tiêm chủng, hoặc có tâm lý chờ đợi vắc-xin dịch vụ Pentaxim vì nghĩ nó an toàn hơn Quinvaxem.
Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó hoặc vì hiện nay có một số lượng rất nhỏ vắc-xin Pentaxim trong tiêm chủng dịch vụ được tiến hành tiêm cho trẻ mà chúng ta không cho trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch, thì tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh của trẻ sẽ giảm và chắc chắn tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh cộng đồng cũng giảm. Lúc đó, dịch bệnh sẽ bùng phát. Mỗi người dân cần có trách nhiệm không để Việt Nam trở thành một cộng đồng yếu kém miễn dịch.
Quan trọng nhất khi triển khai tiêm chủng là tạo hệ miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, đạt từ hơn 85 đến 95%. Chỉ cần một bộ phận phụ huynh còn chần chừ chưa đưa trẻ đi tiêm chủng thì sẽ tạo ra “lỗ hổng”, lúc đó tường thành bảo vệ cả cộng đồng sẽ sụp đổ, những người lớn khỏe mạnh cũng có thể nhanh chóng mắc bệnh, dịch bệnh sẽ lây lan không thể kiểm soát.
Do đó, Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo: Phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván,... vào lúc trẻ hai, ba, bốn tháng tuổi bởi đây là thời điểm “vàng” để vắc-xin phát huy cao nhất tác dụng bảo vệ sức khỏe của trẻ. Nếu liều vắc-xin nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm lại vào thời gian sau đó. Khoảng thời gian giữa các mũi tiêm tối thiểu là một tháng. Trẻ đã tiêm mũi một, mũi hai của vắc-xin dịch vụ mà chưa tiêm đủ liều thì cũng có thể tiêm vắc-xin Quinvaxem.
Hiện, vắc-xin Quinvaxem được cung cấp đầy đủ tại khoảng 12 nghìn điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Các bậc cha mẹ cần phối hợp cán bộ tiêm chủng như: chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác. Phụ huynh không nên vì chờ đợi vắc-xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng cho trẻ, gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ, đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Theo Hội đồng đánh giá tai biến vắc-xin của Bộ Y tế, năm 2015 có tổng số 3.000 trẻ có phản ứng sau tiêm vắc-xin, 32 trường hợp phản ứng nặng có 16 trường hợp chết. Trong số này, tử vong sau tiêm vắc-xin lao là 5 trường hợp, Quinvaxem 8 trường hợp và viêm gan B có 3 trường hợp. Trong số các ca tử vong sau tiêm chủng có 31% là do trùng hợp ngẫu nhiên, tử vong không rõ nguyên nhân và do cơ địa của trẻ. Bên cạnh đó, Quinvaxem có số lượng liều gấp 3 lần so với vắc xin phòng lao và viêm gan B (do cần tiêm đủ 3 mũi).

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014