Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cảnh báo sớm dịch bệnh mùa hè

Cập nhật: 21/5/2013 | 7:48:06 AM

Dù mới đầu hè, song những ngày nắng nóng vừa qua đã khiến lượng người đến bệnh viện tăng cao, nhất là trẻ em. Không chỉ ốm vì thời tiết nắng nóng mà mùa hè còn khiến mọi người dễ mắc một số loại bệnh truyền nhiễm khác.

Bệnh nhân nhi tăng vọt ở Khoa Nhi

Chỉ sau vài ngày nắng nóng, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã đông nghẹt bệnh nhân khiến không khí các phòng trở nên ngột ngạt, dù hệ thống quạt chạy hết công suất. Có những giường phải nằm ghép 2 đến 3 cháu. Chị Đỗ Thị Thanh, khu 7, phường Cao Xanh (Hạ Long) cho biết: “Con tôi mới được 2 tháng tuổi. Mấy ngày nay nắng nóng quá, tôi bật quạt nhiều nên cháu bị cảm, ho, sốt. Đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ bảo bị viêm phổi nên nhập viện ngay”. Trường hợp con chị Nguyễn Lan, xóm Giáo, xã Đầm Hà (Đầm Hà) cũng vậy. Bị viêm phổi, con chị được Trung tâm Y tế huyện chuyển lên đây điều trị. Thạc sĩ Nguyễn Thị Ân, Trưởng Khoa Nhi cho biết: “Viêm phổi, tiêu chảy là 2 bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng. Lượng bệnh nhân trong những ngày này thường tăng 30% hoặc gấp đôi so với bình thường”.

Bệnh nhi nằm điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tăng cao trong những ngày nắng nóng.
Bệnh nhi nằm điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tăng cao trong những ngày nắng nóng.

Được biết, Khoa Nhi của Bệnh viện hiện có 70 giường bệnh, song những ngày này, trung bình có gần 100 cháu nằm điều trị, chưa kể số lượng đến khám bệnh được kê đơn về điều trị tại nhà cũng rất đông. Còn Khoa Nhi của Bệnh viện Bãi Cháy có 100 giường bệnh, song thời điểm này cũng có khoảng 130 cháu nằm điều trị. Theo nhận xét chung của các bệnh viện, những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhi và bệnh nhân người cao tuổi luôn tăng cao nên thường xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại Khoa Nhi, Khoa Nội tiết…

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ân, để phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng, các gia đình cần phải chú ý ăn uống, bồi bổ để trẻ tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng, đồng thời cho trẻ uống nhiều nước. Bố mẹ không nên đưa trẻ ra ngoài trời vào buổi trưa; bật quạt ở tốc độ vừa phải; nếu gia đình sử dụng điều hoà thì không nên để ở nhiệt độ quá lạnh, tránh để trẻ thay đổi môi trường đột ngột như từ phòng lạnh ra ngoài nơi nóng và ngược lại...

Phòng bệnh từ mỗi gia đình

Không chỉ trẻ em dễ bị cảm, tiêu chảy trong mùa hè mà các đối tượng khác cũng rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Mùa hè thường xuất hiện bệnh tiêu chảy do vi rút rota, tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, sốt xuất huyết, tả, thuỷ đậu... Ngoài ra là nguy cơ nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, Corona… Hè năm trước, trên địa bàn tỉnh đã có ổ dịch sốt xuất huyết tại khu chung cư Cột 8, phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 5 ca sốt xuất huyết ở các địa phương là Hạ Long, Uông Bí, Hoành Bồ, Ba Chẽ; hơn 140 ca tay chân miệng và 148 ca thuỷ đậu...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9 trên người và chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị y tế trên địa bàn đã sẵn sàng cả về nhân lực, vật lực cho công tác kiểm soát, xử lý dịch bệnh trên địa bàn, thu dung cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Hiện nay, nhờ hệ thống xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được đầu tư tốt, cán bộ nhân viên được học tập nâng cao trình độ nên nơi đây có thể  xét nghiệm phát hiện nhanh các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, tả v.v.. Việc xử lý, khoanh vùng, điều trị cho bệnh nhân nhờ đó được thực hiện nhanh hơn.

Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh và làm điều này phải xuất phát trước hết từ mỗi gia đình. Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo: “Cách phòng bệnh tốt nhất phải từ ý thức của mỗi người dân. Vào mùa hè, người dân cần tăng cường sức khoẻ cho cá nhân, gia đình; thực hiện ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tránh ăn thức ăn chưa nấu chín; theo dõi chặt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. Khi nghi ngờ có ca bệnh truyền nhiễm cần thông báo cho cơ sở y tế gần nhất và đến cơ sở y tế để điều trị. Người dân không được tự đi mua thuốc uống bởi rất dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc...”.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014