Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chủ động, sẵn sàng ứng phó các tình huống diễn biến dịch bệnh

Cập nhật: 16/7/2014 | 10:15:36 AM


Sáng ngày 14/7, tại Ninh Bình, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị “Sơ kết công tác phòng, chống dịch 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2014 khu vực miền Bắc”. Hội nghị do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì với sự tham dự của hơn 250 đại biểu đại diện các Cục Vụ, Viện, của Bộ Y tế, đại diện Lãnh đạo Sở Y tế và Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe, Bệnh viện Đa khoa 28 tỉnh/thành phố và một số bệnh viện Trung ương.


 

Theo báo cáo giám sát tình hình dịch bệnh khu vực phía Bắc hiện nay giảm so với cùng kỳ năm 2013: Bệnh tay chân miệng số mắc giảm 25,0%; bệnh sốt xuất huyết số mắc giảm 19,0%; bệnh viêm não vi rút số mắc giảm 20,4%; khống chế dịch bệnh sởi... Triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Nội Bài không để dịch bệnh cúm A(H7N9), MERS-CoV có cơ hội xâm nhập vào Việt Nam. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh triển khai quyết liệt: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1- 5 tuổi ở 28/28 tỉnh, thành phố phía Bắc, đến thời điểm hiện nay Bắc Giang là tỉnh hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi đạt trên 95%; Hà Nội đã hoàn thành việc tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1, 2 cho trẻ đạt tỷ lệ 91,8% và 87,5%; tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi đạt trên 97%; tỷ lệ trẻ tiêm chủng vắc xin đầy đủ đạt tỷ lệ 39,4%. Mặc dù dịch bệnh có số mắc và tử vong thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 nhưng xét cục bộ vẫn có địa phương có số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2013.

Tại Hội nghị đại biểu được nghe báo cáo của Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Bắc 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để thảo luận và đề xuất các giải pháp thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, đẩy mạnh công tác truyền thông, đề cao vai trò sự vào cuộc, phối hợp của các chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành đoàn thể và tổ chức chính trị, chính trị xã hội trong công tác phòng chống dịch, bệnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đề cao đánh giá sự đóng góp và nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống dịch, bệnh, khắc phục mọi khó khăn, tăng cường năng lực để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua. Các hoạt động giám sát, kiểm soát dịch bệnh lưu hành, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm trong phòng bệnh đã được các đơn vị chủ động, phối hợp triển khai đồng bộ. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường trên thế giới cũng như trong nước, Thứ trưởng nhấn mạnh công tác phòng chống dịch phải mang tính chủ động hơn nữa, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất định không được lơ là, chủ quan mất cảnh giác. Với quan điểm chỉ đạo: Sở Y tế các tỉnh với vai trò tham mưu chính quyền trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phải coi công tác phòng chống dịch và tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế cũng như của địa phương; trước xu hướng diễn biến dịch bệnh và nhu cầu đòi hỏi về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của cộng đồng do vậy phòng chống dịch bệnh phải có sự đồng lòng, tham gia và là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, sự phối hợp liên ngành và nhiệm vụ của toàn xã hội. Hàng năm Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ về tình hình dịch bệnh của từng địa phương, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh và đầu tư cho Y tế dự phòng. Các hoạt động phòng chống dịch trong thời gian tới cần tập trung:

Thứ nhất: Tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh: Viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt xuất huyết, dại...như tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết hàng tuần tại các tỉnh có nguy cơ, mỗi tuần dành 10 phút để kiểm tra, diệt bọ gậy/lăng quăng và loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết; chiến dịch rửa tay với xà phòng phòng chống bệnh tay chân miệng; đầu tư và hỗ trợ người nghèo tiêm vắc xin phòng bệnh dại; phối hợp chặt chẽ giữa điều trị và dự phòng trong công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh.

Thứ hai: Ngành y tế phối hợp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng cần tiêm chủng trên địa bàn; tổ chức tiêm vét đầy đủ ngay trong tháng không để tích lũy kéo dài; các điểm tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế; các đơn vị phối hợp đẩy mạnh tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong 24h đầu sau sinh, đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đạt trên 90%, đối với những vùng nguy cơ cao phải đạt trên 95%, trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Thứ ba: Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng bằng đa dạng hình thức, lấy nhiệm vụ truyền thông phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng phòng bệnh là nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2014; tập trung tuyên truyền cộng đồng về phòng bệnh bằng vắc xin, sử dụng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ.

Cần quan tâm thực hiện chính sách đặc thù đối với cán bộ y tế làm nhiệm vụ Y tế dự phòng, phòng chống dịch theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014