Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Những hiệu quả mang lại

Cập nhật: 23/11/2016 | 7:40:40 AM

Quảng Ninh là một trong 8 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả đầu ra (gọi tắt là PforR) từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Sau gần 3 năm triển khai đến nay Quảng Ninh đã đưa vào vận hành 5/10 công trình cấp nước tập trung, bước đầu đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch, cải thiện điều kiện sống dân sinh và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Trạm cấp nước tập trung xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên) có thể cấp nước cho trên 9.000 người dân xã Hiệp Hoà và khu vực xung quanh.
Trạm cấp nước tập trung xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên) có thể cấp nước cho trên 9.000 người dân xã Hiệp Hoà và khu vực xung quanh.

PforR là chương trình được thực hiện thí điểm lần đầu tiên ở Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2018 trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tại Quảng Ninh, chương trình sẽ đầu tư xây dựng mới 36.000 điểm đấu nối nước hộ gia đình. Trong đó, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 là 8.000 điểm đấu nối, năm 2015 là 10.000 điểm đấu nối, năm 2016 là 10.000 điểm đấu nối và năm 2017 là 8.000 điểm đấu nối. Tổng kinh phí thực hiện của chương trình là 420 tỷ đồng cho 10 công trình cấp nước thuộc các địa phương: Đông Triều, Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Đến thời điểm này, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đang triển khai đầu tư 10 dự án sử dụng vốn vay WB, hiện hoàn thành đưa vào sử dụng 5 dự án, gồm các công trình cấp nước: Hồng Thái Đông - Hồng Thái Tây (TX Đông Triều); xã Thuỷ An (TX Đông Triều); xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên); xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên); xã Tân Bình (huyện Đầm Hà). Các công trình cấp nước xã Bình Dương - Nguyễn Huệ; xã Hoàng Quế (TX Đông Triều) dự kiến sẽ vận hành trong năm nay. Còn lại công trình cấp nước liên xã Đông Ngũ - Đông Hải (huyện Tiên Yên); xã Quảng Minh (huyện Hải Hà), đã khởi công tháng 7-2016, dự kiến hoàn thành tháng 7-2017; công trình cấp nước liên xã Quảng Nghĩa - Hải Tiến - Hải Đông (TP Móng Cái) sẽ khởi công vào năm 2017.

Những trạm cấp nước tập trung đi vào hoạt động đã đáp ứng được niềm mong mỏi của người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ông Nguyễn Văn Hinh (thôn 16, xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên) cho biết: “Trước kia, người dân chúng tôi chủ yếu phải dùng nước mương, nước giếng và nước bể trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nước đã được lọc nhưng vẫn không yên tâm, nên chỉ dùng để tắm rửa, còn ăn thì nhà nào cũng phải xây một bể chứa nước mưa dự trữ. Vào mùa khô phải tiết kiệm từng thùng nước ăn. Giờ đây, có trạm cấp nước, chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm”. Công trình cấp nước tập trung xã Hiệp Hoà (cấp 4) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư, kinh phí trên 36 tỷ đồng, công suất 2.320m3/ngày, đêm, với hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước sinh hoạt theo quy chuẩn (định mức 100 lít/người/ngày, đêm), có thể cấp nước cho trên 9.000 người dân xã Hiệp Hoà và khu vực xung quanh. Cùng với những trạm cấp nước khác đã đi vào vận hành, không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, mà còn góp phần đảm bảo về tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay ngoài nguồn vốn của chương trình, người dân đóng góp 10% vốn đối ứng. Là tỉnh có địa hình phức tạp nhất trong 8 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, cũng là tỉnh duy nhất có người dân tộc thiểu số tham gia chương trình, nên việc thay đổi nhận thức và huy động người dân đóng góp khoảng 3-4 triệu đồng/hộ là rất khó thực hiện. Để khắc phục những trở ngại trên, Ban điều hành chương trình đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 10% phần kinh phí đóng góp nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân tại các xã tham gia thực hiện chương trình PforR từ nay đến năm 2018; đồng thời tăng cường nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nông thôn để hoàn thành mục tiêu của tỉnh, cũng như của toàn chương trình.

Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có địa bàn thi công trải rộng, theo tuyến, có nhiều vị trí giao cắt với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, như đường bộ, đường sắt, cáp thông tin, đường ống xăng dầu..., cho nên quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc liên quan đến GPMB, đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Đặc biệt, nguồn thu phí sử dụng nước từ các trạm cấp nước thấp không đủ để chi trả lương cho công nhân cũng như mua hoá chất. Do vậy, công tác quản lý sau đầu tư các trạm cấp nước gặp rất nhiều khó khăn. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chương trình của một số địa phương hưởng lợi vẫn chưa thật sự tích cực, sâu sát, thiếu tính chủ động, mà chủ yếu phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Ban điều hành chương trình, nên hiệu quả còn thấp. Để chủ trương cải thiện chất lượng nước và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua chương trình đạt hiệu quả cao, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp chính quyền cơ sở. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống; gắn kết và nâng cao trách nhiệm cộng đồng.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014