Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Không để bạch hầu, ho gà... quay trở lại

Cập nhật: 24/7/2016 | 8:42:22 PM

Những ngày gần đây, dịch bệnh bạch hầu lây lan mạnh tại tỉnh Bình Phước đã khiến 3 người chết, hàng chục người phải nhập viện. Như vậy, những bệnh lâu nay không xuất hiện do đã được bảo vệ bằng vắc xin như sởi, ho gà, bạch hầu... thì nay đã quay trở lại, đe doạ sức khoẻ của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Ngày 15-7, UBND tỉnh Bình Phước đã công bố dịch bạch hầu quy mô cấp huyện. Trước đó, sau 3 ca tử vong tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú có những triệu chứng lâm sàng giống nhau, ngành y tế tỉnh Bình Phước đã lập tức vào cuộc điều tra dịch tễ và phát hiện ổ bệnh bạch hầu đang bùng phát tại 2 xã này. Đến nay, số ca tử vong do bệnh bạch hầu đã được khống chế nhưng số ca nghi nhiễm bệnh vẫn đang tăng từng ngày. Tính đến chiều ngày 18-7, đã có 61 ca nghi nhiễm đưa vào giám sát và điều trị theo phác đồ của bệnh bạch hầu, trong đó 25 ca đã được điều trị ổn định và xuất viện.


Trẻ em cần tiêm đúng, đủ các mũi vắc xin để phòng các bệnh lây nhiễm, như bạch hầu, ho gà, sởi, quai bị... Trong ảnh: Tiêm phòng cho trẻ tại Phòng tiêm Safpo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh bạch hầu, ho gà, sởi... đều là những bệnh lây truyền. Bệnh dễ dàng lây qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Như bệnh bạch hầu, biểu hiện bệnh có nhiều dạng khác nhau từ thể nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.Đối với Quảng Ninh, những năm gần đây chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nào, nhưng những ca bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà đã bắt đầu quay trở lại; bệnh cúm, sốt xuất huyết, viêm não mô cầu cũng xuất hiện nhưng với số lượng ít. Tính đến ngày 15-7, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 193 ca tay chân miệng; 41 ca sốt xuất huyết; 4 ca dương tính viêm não Nhật Bản B; 17 ca ho gà. Các ca bệnh đều đã được giám sát, theo dõi, điều trị, không để lây lan ra cộng đồng.

Bệnh bạch hầu thường có các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt. Bạch hầu có 4 thể lâm sàng: Bạch hầu họng thể thông thường; bạch hầu ác tính; bạch hầu thanh quản và bạch hầu mũi.

Còn ho gà có biểu hiện lâm sàng khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài, thường gặp ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi, khi chưa được tiêm phòng bệnh. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn, ở giai đoạn đầu xuất tiết bệnh nhân ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường. Ở giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp) bệnh nhân bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa, rít lên thành tiếng dài, mặt đỏ. Những cơn ho khiến trẻ cảm giác không thở được, người tím tái, đôi khi có cơn ngừng thở. Cũng chính những cơn ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức. Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.

Bác sĩ Ninh Văn Chủ cho biết: Để phòng, chống những bệnh truyền nhiễm nói trên, cách tốt và hiệu quả nhất vẫn là tiêm chủng đủ 3 mũi vắc xin phối hợp có thành phần bạch hầu, ho gà tạo miễn dịch cơ bản và 1 mũi tiêm nhắc lại sau 1 năm. Nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm rồi nhưng chưa có miễn dịch khi tiếp xúc với mầm bệnh vẫn có thể mắc bệnh. Bác sĩ Ninh Văn Chủ cũng cung cấp các khuyến cáo nhằm chủ động phòng, chống bệnh, như: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, ho gà phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Hiện tại, Phòng xét nghiệm sinh học phân tử của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán chính xác bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu thường có các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt.


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014