Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phát hiện, chủ động ngăn chặn và phòng, chống bệnh dại lây lan ra cộng đồng

Cập nhật: 30/5/2013 | 8:49:53 AM

Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%). Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ mắc dại ở vật nuôi trên là rất cao.

Phóng viên Đài PTTH Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quyết Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh về việc phát hiện, chủ động ngăn chặn và phòng chống bệnh dại lây lan ra cộng đồng. 
 
pv
Ông Vũ Quyết Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh
PV: Thưa ông, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ lây lan bệnh dại từ các vật nuôi là rất cao, đặc biệt là chó. Vậy để phòng ngừa bệnh dại đối với vật nuôi thì chủ vật nuôi cần phải làm gì?
 
Ông Vũ Quyết Thắng: Để ngăn ngừa, phòng chống bệnh dại có hiệu quả, chủ vật nuôi cần thực hiện những phương pháp như sau:
- Thường xuyên xích nhốt chó, không nên thả rông ra đường.
- Nếu thả rông hoặc dắt chó ra đường bắt buộc phải có rọ mõm, đề phòng chó cắn người cũng như cắn các súc vật khác, làm lây truyền vi rút dại sang người qua vết cắn.
- Chủ vật nuôi cần tự giác đưa chó đi tiêm phòng vắc xin dại do cơ quan Thú y tổ chức. Đây là biện pháp rất có hiệu quả, nếu tiêm được từ 80% tổng đàn chó trở lên ở từng địa phương.
- Không mua chó/mèo không rõ nguồn gốc về nuôi. Những con vật này đặc biệt nguy hiểm khi người bán chúng đem đến từ vùng dịch.
- Không giết mổ chó mèo khi chúng mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan Thú y xử lý hoặc đem chôn.
- Nếu bị bất kỳ súc vật nào cắn, đặc biệt là các vết cắn gần thần kinh trung ương, cần đến ngay các cơ sỏ y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc xin dại.
 
PV: Những vật nuôi khi bị mắc dại sẽ có những biểu hiện như thế nào, thưa ông?
 
Ông Vũ Quyết Thắng:  Các biểu hiện lâm sàng: thường được chia làm 2 thể, thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt).
 
Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại có thể biểu hiện cả 2 dạng lâm sàng này  xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt.
 
Thể dại điên cuồng: được chia làm 3 thời kỳ:
 
Thời kỳ tiền lâm sàng: rất khó phát hiện, nhất là ở thể câm. Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo. Thái độ với chủ như gần chủ miễn cưỡng, hoặc trái lại tỏ ra vồn vã thái quá. Thỉnh thoảng sủa vu vơ, chu lên từng hồi nghe hơi xa xăm; hoặc bồn chồn nhảy lên đớp không khí.
 
Thời kỳ điên cuồng: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người, la dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhẩy lên sủa từng hồi dài. Vết thương nơi bị cắn ngứa, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, con ngươi mắt mở to, tỏ ra khát nước muốn uống nhưng không uống được. Chó bắt đầu chảy nước dãi, sùi bọt mép,tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu cơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn điên cuồng(2-3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về nhà nữa. Trên đường đi gặp vật gì nó cũng cắn xé, ăn bừa bãi, tấn công các con vật khác kể cả người. Thể dại điên cuồng chỉ chiếm 1/4 các trường hợp chó dại, số còn lại là thể dại câm.
 
Thời kỳ bại liệt: Chó bị liệt không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm dưới và lưỡi nên con vật trễ hàm và lưỡi thè ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt ngày càng rõ. Chó chết sau 3-7 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng đầu tiên do liệt cơ hô hấp và kiệt sức do không ăn uống được. 
 
Thể dại câm: là dạng bệnh không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng như thường thấy. Chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Con vật có thể bị bại một phần cơ thể, nửa người, hai chân sau nhưng thường là liệt cơ hàm, mồm luôn hé mở, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra. Nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng. Quá trình này tiến triển 2-3 ngày.
 
Nói chung thể dại câm tiến triển nhanh hơn thể dại điên cuồng, thường chỉ 2-3 ngày vì hành tuỷ con vật bệnh vi rút tác động làm rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp sớm. 
 
PV: Khi người bị vật nuôi cắn thì nguy cơ lây bệnh dại rất cao. Đối với những trường hợp như vậy thì cách xử lý sẽ như thế nào?
 
Ông Vũ Quyết Thắng: Cách xử lý tùy thuộc vào các đặc điểm:
+ Vị trí vết cắn: có gần thần kinh TW không?
+ Mức độ vết cắn: nặng hay nhẹ (Độ 1-2 hoặc 3)
+ Tình trạng con vật ốm/chết hay khỏe mạnh.
Tuy nhiên, khi bị bất kỳ súc vật nghi dại nào cắn, việc đầu tiên là phải rửa vết thương bằng xà phòng đặc hoặc các dung dịch sát khuẩn khác (nước muối 0,9%, bôi sát khuẩn như: cồn 70%, dung dịch iode ...)
 
Cần phải rửa kỹ vết thương trong khoảng 15-20 phút bằng nước sạch (nước máy) giúp loại bỏ phần lớn lượng vi rút dại (nếu có) trên bề mặt vết thương.
 
Sau khi rửa sạch vết thương căn cứ vào 3 đặc điểm trên để có chỉ định tiêm cho phù hợp: 
+ Tiêm huyết thanh kháng dại kết hợp vác xin phòng dại.
+ Chỉ tiêm vác xin dại
+ Hoặc không tiêm, tiếp tục theo dõi chó/mèo trong thời gian 10 ngày.
(Chỉ định tiêm cụ thể theo phác đồ).
 
PV:  Trung tâm Y tế dự phòng Tỉnh đã triển khai những những phương án như thế nào để kịp thời phát hiện, chủ động ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh lây lan ra cộng đồng?
 
Ông Vũ Quyết Thắng: Hàng năm TTYTDP đều xây dựng kế hoạch tập huấn chuyên môn cho các cán bộ Y tế tuyến huyện và xã (có mời 01 cán bộ Thú y huyện tham gia). Đây là đội ngũ nòng cốt ở tuyến cơ sở, là các tư vấn viên giúp phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng. Hướng dẫn chuyển tuyến trên ngay nếu cần phải tiêm huyết  thanh kháng dại.
 
Tăng cường giám sát các ổ dịch dại cũ: Tiên Yên, Móng Cái, Đông Triều,… chỉ đạo công tác phòng chống dịch chủ động tại các địa phương
 
In tài liệu, tờ tơi, băng rôn, đĩa DVD tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh dại cung cấp cho các huyện thị có điểm tiêm phòng .
 
Tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động về kiên thức phòng chống bệnh dại tại thôn khe bản. 
 
Hàng năm hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại:  Treo băng rôn, phát nội dung truyên truyền về bệnh dại trên đài phát thanh của tỉnh, huyện qua đĩa CD/VCD .
 
Cung ứng đầy đủ vác xin phòng bệnh dại trên người cho các huyện thị, đảm bảo nhu cầu điều trị dự phòng cho người dân.
 
Phối kết hợp với Chi cục Thú y tỉnh, để nắm được diễn biến tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là trên đàn chó nuôi. Nếu dịch xuất hiện bất kỳ ở địa phương nào cơ quan Y tế sẽ phối hợp với các ban ngành ở địa phương đó khoanh vùng, xử lý ổ dịch, dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất.
 
PV: Xin cảm ơn ông! 

(Nguồn: qtv.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014