Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng, chống bệnh nghề nghiệp: Yếu ở nhiều khâu

Cập nhật: 22/1/2014 | 8:19:31 PM

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp; trong đó, chiếm phần lớn là hoạt động sản xuất công nghiệp nặng có môi trường làm việc ồn, bụi... Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nhưng thực tế hiện nay, công tác này còn yếu cả về nhân lực, trang thiết bị và ý thức tham gia của các doanh nghiệp...

Doanh nghiệp không mặn mà

Theo quy định của Bộ Luật lao động, người lao động phải được khám sức khoẻ định kỳ; người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo… Trên địa bàn tỉnh, số lao động bị bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp khá lớn. Cụ thể khoảng 20 năm trở lại đây, toàn tỉnh có gần 5.000 người mắc bệnh nghề nghiệp; trong đó, bệnh bụi phổi silic chiếm đa số (hơn 4.900 người). Riêng năm 2011 có 2.357 người khám bệnh nghề nghiệp thì đã có hơn 350 công nhân mắc bệnh bụi phổi. Trong số gần 103.000 lao động được khám sức khoẻ hàng năm của 40 doanh nghiệp gửi báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì có hơn 8.200 người mắc bệnh thần kinh trung ương và ngoại biên; hơn 25.000 người bị viêm xoang, mũi họng, thanh quản cấp; trên 5.200 người bị bệnh về mắt… Thực tế này đòi hỏi công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp, đo môi trường lao động cần được các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Công ty TNHH MTV Than Quang Hanh tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân.
Công ty TNHH MTV Than Quang Hanh tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân.

Mặc dù vậy, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà với công tác này. Trong tổng số khoảng 8.000 doanh nghiệp có đăng ký sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thì Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mới quản lý được hơn 1.300 doanh nghiệp. Việc khám bệnh nghề nghiệp, đo môi trường lao động phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có ký với trung tâm hay không… Bởi vậy nên nhiều doanh nghiệp bỏ qua công tác này. Trung bình hàng năm, mới chỉ khoảng 75 doanh nghiệp thực hiện đo môi trường lao động và khoảng 20 đơn vị khám bệnh nghề nghiệp. Đây chủ yếu là những đơn vị, doanh nghiệp ngành Than.

Hệ thống quản lý yếu về nhân lực, vật lực

Trong khi các doanh nghiệp thờ ơ với công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp thì hệ thống quản lý công tác này lại thiếu và yếu. Theo quy định của Bộ Y tế, trung tâm y tế dự phòng các tuyến trên địa bàn tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý công tác y tế lao động. Tuy nhiên, với các trung tâm y tế tuyến huyện hiện nay, cả nhân lực, vật lực cho công tác này đều không đảm bảo. Mỗi đơn vị chỉ có 1-2 cán bộ tham gia công tác y tế lao động với vai trò kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản. Chưa kể đến nơi đây thiếu thốn đủ các loại thiết bị thực hiện đo môi trường lao động để phòng chống bệnh nghề nghiệp như: Máy đo ánh sáng, đo tiếng ồn, đo bụi; thiếu bộ phận xét nghiệm hoá chất độc hại, bộ phận xét nghiệm vi sinh…

Với các doanh nghiệp trên địa bàn, mặc dù hầu hết doanh nghiệp lớn đều có trạm y tế, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người lao động. Bởi vậy, công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp gần như  đổ dồn lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nơi có đủ tiêu chuẩn theo Thông tư số 19/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp. Tuy vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Huệ, Trưởng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp của Trung tâm: “Hiện nay, thiết bị của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phục vụ cho công tác y tế lao động được đánh giá khá so với nhiều tỉnh, thành trong nước, nhưng với điều kiện thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng của các doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh, số trang thiết bị này cũng chưa đáp ứng được hết yêu cầu”. Được biết, dù khối lượng doanh nghiệp trên  địa bàn lớn, nhưng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng chỉ có 12 cán bộ nhân viên, trong đó đa phần mới chỉ được đào tạo bồi dưỡng công tác y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chứ chưa được đào tạo chuyên khoa.

Để dự phòng các bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện tốt về kỹ thuật, y tế và trang thiết bị phòng hộ - vệ sinh lao động. Người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm… Doanh nghiệp phải thực hiện đo môi trường lao động theo định kỳ để kịp thời phát hiện, khắc phục, hạn chế những yếu tố nguy cơ gây tổn hại sức khoẻ cho người lao động. Bên cạnh đó, người lao động phải được khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều doanh nghiệp không chú trọng đến công tác này như hiện nay đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương cần vào cuộc trong việc tuyên truyền, thanh kiểm tra nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất về sức khoẻ cho người lao động.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014