Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng chống các bệnh không lây nhiễm: Ý thức phòng bệnh chưa cao

Cập nhật: 19/7/2013 | 11:00:56 AM

Cùng với xu thế chung của cả nước, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, việc phòng, chống các bệnh này chưa được đẩy mạnh trong khi, ý thức của người dân chưa cao.

Những thói quen hút thuốc lá, uống rượu, khẩu phần ăn không hợp lý, lười tập thể thao v.v.. đang khiến tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tâm thần... trên địa bàn tỉnh tăng cao. Thế nhưng phần lớn người dân, kể cả người đang mắc bệnh vẫn chủ quan với sức khoẻ, mạng sống của mình.

Những con số báo động

4h sáng ngày 14-7, người nhà ông Đặng Thanh Giang, thôn Nghĩa Hổ, xã Kim Sơn (Đông Triều) tức tốc đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều trong tình trạng người co giật, huyết áp tăng cao lên mức 230/90. Sau nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc khoa Hồi sức cấp cứu, ông đã qua cơn nguy hiểm, huyết áp xuống còn 160/90, song ông vẫn phải thở bình ô xy. Con gái ông Giang cho biết: “Bố tôi có tiền sử tăng huyết áp. Chắc do thời tiết thay đổi, huyết áp đột ngột tăng cao làm ông bị tai biến mạch máu não. May mọi người phát hiện, kịp thời đưa ông đi viện”.

Điều trị cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều.
Điều trị cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều.

Ông Giang chỉ là một trong hàng nghìn bệnh nhân bị mắc các bệnh không lây nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu, điều trị và có chế độ uống thuốc, ăn uống phù hợp. Hiện nay, theo thống kê của các cơ sở y tế, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng nhiều. Năm 2009, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành điều tra dịch tễ học ở một số địa bàn trọng điểm của tỉnh cho thấy, 4,6% dân số bị đái tháo đường; 11,7% bị tiền đái tháo đường. Năm 2012, Trung tâm tiến hành khám sàng lọc 5.207 người có 378 người đái tháo thường; 251 người tiền đái tháo đường. Đến nay, Trung tâm đang tư vấn, điều trị cho 852 người bị đái tháo đường. Còn ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng điều trị ngoại trú cho 600 người bị đái tháo đường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị ngoại trú cho khoảng 200 người, chưa kể các bệnh viện khác trên địa bàn. Bệnh nhân tăng huyết áp cũng chiếm số lượng không nhỏ. Trong số 10.250 đối tượng mà Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khám sàng lọc năm 2012, có  15,7% tăng huyết áp; 30,8% tiền tăng huyết áp. Khoa tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày có khoảng 60-70 bệnh nhân điều trị; trong đó, rất nhiều người tăng huyết áp, mắc bệnh về tim mạch… Cũng ở Bệnh viện này, hàng ngày điều trị cho gần 100 bệnh nhân ung thư.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh cũng có số lượng không nhỏ. Hiện, Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh đang điều trị nội trú cho hơn 200 bệnh nhân tâm thần, đồng thời quản lý, điều trị tại cộng đồng cho trên 2.600 bệnh nhân ở 139 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Như “muối bỏ biển”

Không phủ nhận những năm qua, công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm đã bước đầu được quan tâm. Việc quản lý, điều trị cho bệnh nhân tâm thần ngoài cộng đồng ngày càng được mở rộng. Đến nay 139/186 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thực hiện công tác này. Từ năm 2009, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được Sở Y tế giao làm đầu mối quản lý, thực hiện chương trình phòng chống bệnh tiểu đường. Đến năm 2011 đơn vị lại được giao thêm nhiệm vụ quản lý, thực hiện chương trình phòng chống bệnh ung thư, bệnh tăng huyết áp. Qua đó, mỗi năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tập huấn cho hơn 1.000 lượt cán bộ, nhân viên y tế về cách phòng, chống, tư vấn về các bệnh này. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy đã thành lập khoa tim mạch, xây dựng lộ trình trở thành bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội. Khoa ung bướu cũng đã được thành lập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Hầu hết các trường hợp, sau khám sàng lọc phát hiện bệnh đều được quản lý, tư vấn, điều trị tốt.

Tuy nhiên, trước tình hình số lượng bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng, những cố gắng, nỗ lực của các đơn vị y tế vẫn chưa đủ mạnh. Do kinh phí có hạn nên mỗi năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ triển khai hoạt động khám, sàng lọc bệnh tiểu đường, cao huyết áp ở một số xã, phường trọng điểm. Nằm trong chương trình phòng, chống này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ thành lập 7 phòng tư vấn bệnh tiểu đường đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và một số trạm y tế tuyến xã. Phòng quản lý, tư vấn chăm sóc bệnh tăng huyết áp mới chỉ được thành lập tại 5 xã, phường: Cửa Ông, Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả); Bãi Cháy (TP Hạ Long); Phương Nam, Phương Đông (TP Uông Bí); Yên Giang, Hiệp Hoà (TX Quảng Yên).

Bác sĩ Từ Thị Anh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhấn mạnh: “Điều đáng lo ngại nhất là số người được tuyên truyền hiểu biết về các bệnh không lây nhiễm chưa được nhiều; sự hiểu biết, kiến thức phòng chống các bệnh không lây nhiễm của người dân còn thấp nên rất chủ quan với bệnh”. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong số bệnh nhân bị cao huyết áp có tới 50% không biết mình bị bệnh. Còn trong chương trình điều tra hiểu biết về bệnh ung thư năm 2012 mà trung tâm thực hiện với 1.200 người, có 18% cho rằng ung thư là bệnh lây truyền; 15% cho rằng ung thư không phòng, tránh được; 25,6% cho rằng không phải khám sức khoẻ định kỳ. Thực tế, số người đến khám các bệnh không lây nhiễm thường ở giai đoạn muộn hoặc đã có biến chứng xảy ra.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, biến chứng của bệnh tăng huyết áp là nhồi máu cơ tim, nhồi máu mạch não… Con số tử vong do biến chứng này hàng năm khá cao. Các bệnh không lây nhiễm chiếm hàng đầu trong nguyên nhân gây tử vong tại các bệnh viện. Để phòng chống các bệnh không lây nhiễm được tốt hơn nữa, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, bản thân mỗi người dân cũng cần quan tâm, tự bảo vệ sức khoẻ cho chính mình qua việc thực hiện lối sống lành mạnh; kiểm soát các hành vi nguy cơ phổ biến của bệnh, như: Hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực. Bác sĩ Từ Thị Anh Phương khẳng định: “Việc đi khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần rất quan trọng, giúp phát hiện kịp thời các bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn sớm. Qua đó giúp cho công tác điều trị, dự phòng được kịp thời hơn”.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014