Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng dịch bệnh lúc giao mùa

Cập nhật: 4/3/2017 | 9:41:57 AM

Thời điểm này, thời tiết giao mùa từ xuân sang hè nên có sự thay đổi bất thường, dễ gây ra các dịch bệnh, nhất là ở trẻ nhỏ. Thêm nữa, tại Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9, có nguy cơ xâm nhập vào Quảng Ninh. Trước nguy cơ nhiễm bệnh cao, giải pháp tốt nhất là phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Khám, điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Khám, điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Không chủ quan

Những ngày cuối tháng 2-2017, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí điều trị khoảng 35 bệnh nhân nội trú/ngày. Các bệnh chủ yếu là lao phổi, đa nhiễm trùng, quai bị, sốt vi rút,...; ngoài ra còn một số trẻ em mắc các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn đường ruột, tay chân miệng. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Điều dưỡng trưởng, Khoa Truyền nhiễm, cho biết: Số bệnh nhân nhập viện và các bệnh tương tự như thời điểm này năm ngoái, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thời tiết chuyển mùa, chắc chắn số người mắc bệnh truyền nhiễm sẽ tăng lên, đặc biệt là trẻ em... Nắm được quy luật này, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã có công văn về tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Khoa Truyền nhiễm cũng đã có kế hoạch về nhân lực, trang thiết bị, thuốc... để luôn chủ động, sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2017, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Toàn tỉnh ghi nhận 6 ca tay chân miệng; 2 ca sốt xuất huyết; 1 ca sốt phát ban; 12 ca ho gà... Không có các bệnh do vi rút zika, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV. Các ca bệnh truyền nhiễm xuất hiện rải rác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các bác sĩ, thời tiết giao mùa từ xuân sang hè rất dễ bùng phát các bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp); bệnh sởi, thuỷ đậu, não mô cầu, tay chân miệng... Do đó, người dân không nên chủ quan. Để phòng bệnh, các gia đình phải giữ vệ sinh môi trường sống; đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, để phòng bệnh tốt cần thực hiện đúng, đủ lịch tiêm chủng.

Phòng, chống cúm A/H7N9

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đó là dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến rất phức tạp ở Trung Quốc, có khả năng xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người. Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào mắc cúm A/H7N9 trên người, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2017 vẫn ghi nhận 4 ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm tại các huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 ở ngay sát biên giới, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng cung cấp thông tin về tình hình cúm A/H7N9 và khuyến cáo người dân về biện pháp phòng, chống; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất; rà soát lại hệ thống máy móc xét nghiệm; xây dựng phương án, chuẩn bị địa điểm cách ly để điều trị và phòng lây nhiễm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã chuẩn bị 4,9 tấn Cloramin B; trên 2.300 khẩu trang N95; 540 bộ trang phục phòng hộ; 132 chai nước súc miệng TB; 4 máy phun hoá chất (1 máy cỡ lớn)... Các trung tâm y tế tuyến huyện cũng đã chuẩn bị đủ các vật tư, hoá chất, máy phun theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã thành lập các đoàn giám sát dịch ở các huyện biên giới: Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái; tập trung giám sát tình hình kiểm dịch biên giới tại các cửa khẩu; lấy mẫu ngẫu nhiên một số gia cầm, một số ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện để làm xét nghiệm cúm A/H7N9.

Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Trung tâm đã xây dựng được hệ thống xét nghiệm chuẩn, có khả năng tự xét nghiệm tìm ra chủng cúm A/H7N9 tại Quảng Ninh, cũng như các chủng cúm A khác, đây là điều kiện rất thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch. Với nguy cơ xâm nhập dịch lớn, Trung tâm đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết, gồm 4 tình huống: Chưa có trường hợp bệnh trên người; có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người, nhưng chưa lây từ người sang người; phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; dịch bùng phát ra cộng đồng, theo đúng kịch bản Bộ Y tế xây dựng và phù hợp đặc điểm tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng được công tác phòng, chống dịch cấp thiết ở tỉnh ta.

“Người dân không được chủ quan trước dịch cúm A/H7N9, nhưng cũng không nên quá hoang mang. Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm A/H7N9 sang người, xâm nhập vào Việt Nam, người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán, ăn gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi nguồn thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; tin tưởng những thực phẩm gia cầm đã được công bố hợp chuẩn, an toàn...” - bác sĩ Ninh Văn Chủ khuyến cáo.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014