Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tay chân miệng đã lan rộng cả nước

Cập nhật: 15/10/2011 | 7:56:14 AM

Chiều 14/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này dịch tay chân miệng (TCM) đã lan ra 63/63 tỉnh thành phố với 71.472 ca mắc, trong đó đã có 130 trường hợp tử vong.

So với thống kê vào thời điểm cuối tuần trước, thời điểm này số ca mắc đã tăng thêm hơn 5.200 trường hợp và 11 trẻ tử vong. Lý giải cho sự gia tăng bất thường này lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, thống kê này có bổ sung số trường hợp mắc và tử vong của 7 tỉnh, thành phố chưa kịp báo cáo trong 2 tuần trước đó

Thống kê trong mấy tuần nay cũng cho thấy, số trẻ mắc TCM trong tuần đã có xu hướng giảm dần tuy giảm chưa nhiều. Trên thực tế, các tỉnh trước đây có số mắc nhiều đều đã có dấu hiệu giảm. Cụ thể: TP. HCM từ 500 ca/tuần xuống còn 250-300 ca/tuần; Bình Dương hiện chỉ còn khoảng 60 ca/tuần so với 100-110 ca/tuần trước đó…

Liên quan đến việc có công bố dịch tay chân miệng hay không, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng khẳng định, việc công bố hay không công bố dịch cần phải tuân thủ theo đúng quy định. Bởi tay chân miệng thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B nên thẩm quyền công bố dịch thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế. Bộ Y tế chỉ tiến hành công bố dịch khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã công bố dịch.

Quyết định 64 của Thủ tướng cũng quy định rõ, việc công bố dịch truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi hội đủ hai điều kiện. Một là số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Vì thế, việc công bố dịch hoàn toàn là sự chủ động của các địa phương dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh tại địa phương nào. Trong trường hợp các địa phương đang xảy ra dịch tay chân miệng tại tuyến xã, huyện không kiểm soát và khống chế được bệnh tay chân miệng (TCM) thì có thể đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiến hành công bố dịch tại xã.

Còn theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì việc công bố dịch hay không không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là tập trung mọi nguồn lực, lực lượng để chống dịch.
 
Bởi bệnh TCM có đặc điểm rất phức tạp: Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá do nhiều vi rút trong nhóm vi rút đường ruột gây ra, tỷ lệ người lành mang trùng cao, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, dự phòng chủ yếu là thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân. Do đó, trong thời gian tới dịch có thể vẫn diễn biến phức tạp, bệnh có thể vẫn xảy ra tản phát ở nhiều nơi. Việc kiểm soát sự lây lan dịch phụ thuộc vào sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân trong chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ.

(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014