Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Tinh giản bộ máy, biên chế ở ngành Y tế: Bài 2: Mô hình "Hai trong một" - Bài toán tách, nhập

Cập nhật: 9/5/2014 | 9:05:23 PM

Như bài 1 của chuyên đề này đã đề cập, hệ thống mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh đang có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, gây rất nhiều lãng phí. Điều ấy không chỉ thấy ở tuyến xã mà còn bộc lộ khá rõ ở tuyến huyện, giữa khối khám chữa bệnh và khối dự phòng. Từ thực tế này, hiện ngành Y tế đồng quan điểm với nhiều ý kiến cho rằng, khi thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế sẽ sáp nhập giữa trung tâm y tế huyện với bệnh viện huyện theo mô hình “hai trong một”. Mô hình này hiện đang thực hiện ở 4 địa phương trong tỉnh là Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà và Cô Tô.

Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.
Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.

“Hai trong một”

Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà hiện có 3 khu nhà khá cũ kỹ nằm gọn trong khuôn viên rộng chừng 2ha. Bác sĩ Đặng Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Ban đầu, đây chỉ là phòng khám đa khoa khu vực thuộc Bệnh viện huyện Quảng Hà (cũ); rồi được nâng cấp thành phân viện Đầm Hà với quy mô 25 giường bệnh. Khi tái lập huyện Đầm Hà, thì đây được quyết định thành Trung tâm Y tế vừa thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, vừa thực hiện chức năng y tế dự phòng. Đơn vị cũng được giao quy mô 50 giường bệnh. Mô hình này đã được duy trì từ đó đến nay. Cơ sở vật chất cũng chỉ được nâng cấp, sửa chữa một vài lần chứ chưa có đầu tư lớn. Về thiết bị y tế thì mấy năm gần đây, Trung tâm được trang cấp nhiều trang thiết bị hiện đại như máy nội soi tiêu hoá, máy siêu âm màu 4D, máy thở…”.

Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.
Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà.

Với việc quy định chức năng, nhiệm vụ như vậy, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà được bố trí 126 biên chế và 18 hợp đồng (bao gồm cả cán bộ, nhân viên các trạm y tế tuyến xã trực thuộc Trung tâm quản lý); trong đó, chỉ có 22 bác sĩ; 32 người thuộc khối dự phòng. Tuy là đơn vị tương đương với bệnh viện hạng 3, nhưng Trung tâm chỉ bố trí được 7 khoa, phòng (theo quy định, bệnh viện hạng 3 phải có 17 khoa, phòng); trong đó, nhiều khoa, phòng phải ghép, như: Khoa Nội - Nhi - Lây; Khoa Ngoại - Sản - chuyên khoa… Bác sĩ Hùng lý giải: “Nguyên nhân là do không đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn cố gắng chủ động để bệnh nhân không phải nằm ghép”.

Bên cạnh việc chỉ đạo công tác khám chữa bệnh, Trung tâm cũng tăng cường tham mưu cho UBND huyện các biện pháp thực hiện chương trình mục tiêu y tế quốc gia, như: Chương trình phòng chống lao; tiêm chủng mở rộng; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống sốt rét; bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng; phòng chống HIV/AIDS; chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em - KHHGĐ; phòng chống suy dinh dưỡng; phòng chống dịch bệnh… Theo bác sĩ Hùng, mô hình “hai trong một” này rất thuận lợi cho công tác quản lý, nhất là đối với một huyện nhỏ như Đầm Hà trong điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn khó khăn. Hơn nữa, với mô hình này, cán bộ quản lý đơn vị hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt trong công tác điều động nhân viên khi cần thiết phải ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng trong những thời điểm nhất định.

Có thể nhân rộng?

Mô hình “hai trong một” không phải mới mà đã tồn tại và được duy trì ở thời điểm năm 2007 trở về trước. Đến cuối năm 2007, đầu năm 2008, với mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của khối y tế dự phòng, trên địa bàn tỉnh đã có 8 địa phương (Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái) lần lượt tiến hành tách mô hình này ra làm 2 đơn vị riêng biệt là bệnh viện và trung tâm y tế. Tuy là 2 đơn vị riêng biệt, nhưng ở các trung tâm y tế huyện vẫn có những chức năng, nhiệm vụ cần sử dụng nhân lực và trang thiết bị y tế giống như khối bệnh viện. Chẳng hạn như: Hệ thống xét nghiệm huyết học; máy siêu âm phục vụ cho công tác chăm sóc SKSS; xét nghiệm tìm một số vi khuẩn… Trong 8 địa phương này, chỉ có Vân Đồn là bố trí cơ sở vật chất riêng biệt. Các địa phương còn lại, trung tâm y tế phải mượn nhờ cơ sở vật chất của các đơn vị khác hoặc nằm chung trong khuôn viên của bệnh viện huyện. Thế mới có tình trạng như ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoành Bồ, có tới 2 phòng đặt máy siêu âm, 2 phòng xét nghiệm trong cùng khu nhà, bởi tầng trên được bố trí là nơi làm việc của Trung tâm Y tế huyện, tầng dưới là nơi làm việc của Bệnh viện Đa khoa huyện. Đó còn chưa kể tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra”, trong khi Bệnh viện rất cần xe cấp cứu thì ở Trung tâm Y tế chiếc xe này hoạ hoằn lắm mới sử dụng đến.

Trước sự chồng chéo, bất hợp lý và lãng phí này, nhiều ý kiến đề xuất nên quay trở lại mô hình “hai trong một” như trước kia, giống với Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô đang làm. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại. Như ở Hoành Bồ, dự kiến phương án tinh giản bộ máy, biên chế, hệ thống y tế cấp huyện lại là chia đôi bộ máy, nhiệm vụ của Trung tâm Y tế huyện, một phần chuyển về bệnh viện, một phần thành lập đội dự phòng chuyển về Phòng Y tế huyện quản lý. Còn ở Đầm Hà, mô hình “hai trong một” nhưng vẫn duy trì việc bố trí bác sĩ tại các trạm y tế tuyến xã, dù những trạm y tế này nằm cách Trung tâm Y tế huyện không xa.

Bác sĩ Đặng Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà cho rằng: “Mô hình “hai trong một” thực sự tinh gọn, tuy nhiên chỉ phù hợp với những huyện nhỏ. Còn những địa phương có điều kiện và lớn như Móng Cái, Cẩm Phả thì lại sẽ rất bất cập. Với các trạm y tế tuyến xã, nhất là thị trấn Đầm Hà, vẫn duy trì bác sĩ ở đây vì họ còn thực hiện rất nhiều việc, như quản lý y dược tư nhân; khám sức khoẻ cho người cao tuổi, học sinh; khám nghĩa vụ quân sự…”.

Nhập vào hay tách ra đang là bài toán đòi hỏi ngành Y tế phải có lời giải để làm sao bộ máy được tinh gọn, hiệu quả. Trước khi đi đến quyết định cuối cùng, ngành Y tế cần cân nhắc, có sự đánh giá chuẩn xác hiệu quả của mô hình “hai trong một”, xem có thực sự phù hợp với điều kiện ở mọi địa phương trong tỉnh.


Cần phù hợp với thực tiễn

* Thạc sĩ Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoành Bồ: “Việc sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện sẽ tận dụng được nhân lực, trang thiết bị”

Hiện nhiều trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Hoành Bồ nói riêng vẫn phải ở nhờ bệnh viện vì chưa có trụ sở riêng. Trung tâm y tế thiên về chức năng dự phòng, để hoạt động tốt, bên cạnh nhân lực, vẫn cần đầu tư cả hệ thống thiết bị máy móc, xét nghiệm và nhiều thứ khác. Nếu sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế sẽ tận dụng được cơ sở vật chất, giảm bớt bộ máy hành chính và tận dụng được hệ thống xét nghiệm của bệnh viện phục vụ cho công tác dự phòng. Nhân lực lúc đó có thể điều động linh hoạt, tăng cường hơn cho dự phòng khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, cần tính toán kỹ nhân lực của bên dự phòng khi sáp nhập. Bởi khối dự phòng và khối khám chữa bệnh được đào tạo khác nhau, nên không thể lấy cán bộ nhân viên y tế đang làm dự phòng sang làm công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và ngược lại.

* Bác sĩ Hoàng Văn Hy, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Cẩm Phả: “Cần có sự linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn”

Đúng là việc sáp nhập trung tâm y tế với bệnh viện sẽ giảm bớt được cơ sở vật chất, bộ phận hành chính, bảo vệ… Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với các huyện dân số ít, quy mô bệnh viện nhỏ. Còn với những thành phố lớn như: Cẩm Phả, Móng Cái cần có sự tách biệt giữa bệnh viện với trung tâm y tế. Bởi ở các địa phương này đều là bệnh viện hạng II, bệnh nhân đông, cần tập trung vào công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; mở các khoa chuyên sâu hơn để điều trị bệnh khó, bệnh phức tạp. Do là địa bàn đông dân cư, đông cơ sở dịch vụ ăn uống, trường học, các doanh nghiệp... nên các trung tâm y tế riêng biệt sẽ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, HIV/AIDS, các bệnh xã hội, tai nạn thương tích, sức khoẻ lao động và bệnh nghề nghiệp, sức khoẻ môi trường, sức khoẻ trường học, dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truyền thông giáo dục sức khoẻ; triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia… Có như vậy mới bảo vệ toàn diện được sức khoẻ cho cộng đồng.

* Bà Nông Thị Phương, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà: “Cái chính là người dân được chăm sóc, khám chữa bệnh chu đáo, tận tình”

Đúng là một đơn vị thực hiện hai chức năng như Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà thì tinh gọn hơn, không cồng kềnh. Nhưng nên tinh gọn hơn nữa ở tuyến xã. Các bác sĩ ở các trạm y tế xã rất tốt, nhưng chúng tôi chẳng mấy khi vào đó khám, mà chủ yếu lên Trung tâm Y tế huyện khám. Với người dân chúng tôi, tên là Bệnh viện hay là Trung tâm Y tế đều không quan trọng, cái chính là khi chúng tôi ốm, đau được chăm sóc chu đáo, tận tình, đúng người, đúng bệnh.

So với những nơi khác, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà chưa đầu tư được nhiều, nên phần lớn những bệnh nặng là chúng tôi phải vượt lên tuyến trên để chữa trị. Chúng tôi ủng hộ ngành Y tế thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, trên cơ sở đó tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương”.

Cẩm Nang - Thu Nguyệt (Thực hiện)

 

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014