Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Vắc xin thế hệ cũ làm tăng nguy cơ phản ứng

Cập nhật: 25/7/2013 | 2:23:52 PM

“Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Hàn Quốc sản xuất ra vắc xin Quinvaxem mà không dùng cho dân họ mà lại dùng vắc xin vô bào? Đơn giản bởi vắc xin vô bào đắt hơn và cũng an toàn hơn”, PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển chia sẻ.

Vắc xin “lạc hậu” vẫn phải dùng

Thông tin được đưa ra tại hội thảo sử dụng vắc xin chất lượng, an toàn và hiệu quả diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội .

PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia về chất lượng, vắc xin lưu hành ở nước ta đều đạt tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế, đạt tiêu chuẩn dành cho vắc xin an toàn. Thực tế triển khai tiêm chủng các loại vắc xin này cũng cho kết quả an toàn. Ví dụ như với vắc xin viêm gan B, tỷ lệ phản ứng nặng sau viêm gan B là 0,56/1 triệu; bạch hầu, ho gà, uốn ván là 0,9/1 triệu. So với tiêu chuẩn của thế giới thì đây là tỷ lệ chấp nhận được. Tuy nhiên, so với các vắc xin thế hệ mới, thì các vắc xin thế hệ cũ phản ứng không mong muốn sau tiêm nhiều hơn.
 
PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển cho rằng, vắc xin thế hệ cũ gây nhiều phản ứng hơn vắc xin mới. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển cho rằng, vắc xin thế hệ cũ gây nhiều phản ứng hơn vắc xin mới. Ảnh: H.Hải

So với vắc xin phòng bệnh 5 trong 1 dịch vụ và ở một số nước, vắc xin Quinvaxem mà Việt Nam sử dụng là vắc xin toàn tế bào. Tuy bất cứ loại vắc xin nào cũng không thể tuyệt đối an toàn, tuyệt đối không có những tác dụng, phản ứng không mong muốn, vắc xin tốt nhất cũng có tỉ lệ nhất định sẽ có tai biến, nhưng vắc xin vô bào ít gây những phản ứng không mong muốn sau tiêm hơn.

Một loạt các loại vắc xin khác, ví như vắc xin ho gà, vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản Việt Nam đang sử dụng cũng là những loại vắc xin thế hệ cũ.

PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển phân tích: “Trong vắc xin ho gà toàn tế bào chứa 3.000 kháng nguyên. Cơ thể trẻ sau khi tiêm ngừa phải phản ứng với 3.000 kháng nguyên này, khiến các phản ứng của cơ thể như sốt, đau, phản ứng nặng sẽ phải rất cao. Trong khi đó, cũng là vắc xin ho gà nhưng loại vô bào chỉ có từ 3-5 kháng nguyên thì phản ứng ở trẻ giảm và an toàn hơn rất nhiều”.

PGS Hiển cho biết thêm, vắc xin viêm não Nhật Bản mà Việt Nam sử dụng cũng được sản xuất từ não chuột mà WHO khuyến cáo không dùng, họ khuyến cáo sử dụng vắc xin từ nuôi cấy trên tế bào vero hoặc sử dụng công nghệ sinh học tái tổ hợp vắc xin, an toàn hơn rất nhiều so với vắc xin sản xuất từ não chuột.

Hay như với vắc xin bại liệt dạng uống mà Việt Nam đang sử dụng, thế giới khuyến cáo Việt Nam là không thể dùng mãi loại uống, phải dùng loại tiêm nhưng Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.

“Khi sử dụng vắc xin bại liệt đường uống (là vắc xin sống giảm độc lực của vi rút), sẽ có tình trạng thải vi khuẩn của vi rút sống giảm động lực ra ngoài môi trường, trong điều kiện nhất định có thể quay trở lại và gây bệnh cho người. Vì thế, thế giới khuyến cáo Việt Nam cần dùng vắc xin bại liệt dạng tim (vắc xin bại liệt bất hoạt)”, PGS Hiển nói.

Không thể không có phản ứng của vắc xin

PGS Hiển cũng chia sẻ: “Vắc xin dù tiến bộ đến mấy, vắc xin cũng như tất cả các thuốc điều trị khác khi sử dụng đều có phản ứng nhất định. Không ai có thể phủ nhận điều này mà phải thừa nhận, chấp nhận bởi cơ địa mỗi người khác nhau, tỉ lệ phản ứng nặng không thể tránh khỏi”.

Tuy nhiên tần suất xảy ra phản ứng nặng là chuyện khác. Chính vì vậy, sau 43 trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem  tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, dù có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin, Bộ Y tế đã quyết định tạm ngừng sử dụng để điều tra.

“Mọi tai biến liên quan đến vắc xin đều gây bức xúc cho các gia đình. Bởi trẻ đi tiêm chủng khác hoàn toàn với trẻ ốm phải vào bệnh viện, người ta phải chấp nhận nguy cơ vì con đang có bệnh. Đằng này, một đứa trẻ khi đi tiêm chủng, tình trạng sức khỏe tốt nhất, đang khỏe khoắn, chơi ngoan, bú tốt, bỗng nhiên gặp tai biến vì mũi tiêm, chắc chắn sẽ gây bức xúc cho gia đình”, PGS Hiển nói.

Vì thế, áp lực tinh thần với cán bộ tiêm chủng rất lớn. Sau mấy vụ lình xình vừa rồi về vắc xin, các bạn ở các tuyến, các tỉnh tâm sự: "Anh ơi, bây giờ bố mẹ đến điểm tiêm chủng nhìn chúng em với con mắt khác, vừa soi mói, vừa xét nét". Nhờ có sự soi xét, kiểm tra của bố mẹ, chúng ta sẽ tăng cường hơn trách nhiệm. Chính vì những áp lực vậy, nhiều cán bộ tiêm chủng ngại tiêm, chuyển nghề, phải có thay đổi cơ bản đãi ngộ, cách nhìn nhận, chia sẻ của truyền thông và tất cả chúng ta.

Theo các chuyên gia, cũng cần nâng cao trách nhiệm gia đình trong việc giám sát trẻ. Cha mẹ cần ghi nhật kí sau tiêm vắc xin, với mấy chỉ số chính, ví như sau tiêm bé có sốt không, có bỏ bú không, ăn thế nào, khóc nhiều hay không?
 

Được triển khai từ năm 1985, chương trình TCMR đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Mỗi năm hàng ngàn trẻ em Việt Nam đã không mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hàng ngàn trẻ không bị chết hoặc tàn phế do bệnh tật.

 

Ví như với bệnh sởi, năm 1984 có gần 83 nghìn ca mắc, tử vong 303 trường hợp đến năm 2012, số mắc giảm xuống còn 578 trường hợp, không ghi nhận ca tử vong.

 

Tương tự, bại liệt từ hơn 1.100 ca mắc, chết 44 đến nay không ghi nhận ca mắc nào. Uốn ván sơ sinh năm 1984 khiến hơn 1300 trẻ em mắc, 250 trường hợp chết, đến năm 2012, con số mắc chỉ còn 39, tử vong 19 trường hợp. Ho gà có gần 45 nghìn trường hợp mắc, tử vong 32 trường hợp, đến năm 2012 ghi nhận 98 ca mắc và đều được cứu sống.


(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014