Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Hiểu rõ về muỗi vằn để phòng bệnh Sốt xuất huyết hiệu quả

Cập nhật: 15/9/2018 | 7:46:47 AM

Theo kết quả giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay ( tính đến ngày 9/9) trên địa bàn tỉnh ghi nhận 75 ca Sốt xuất huyết, trong đó 36 ca dương tính. Các ca mắc mới vẫn tiếp tục xuất hiện ở các tuần qua. Đặc biệt, thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, bệnh Sốt xuất huyết bước vào mùa cao điểm, vì vậy người dân cần hiểu rõ về loại muỗi vằn – vật trung gian truyền bệnh Sốt xuất huyết để có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Hương – Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.
PV: Thưa bác sĩ, muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh Sốt xuất huyết, vậy xin bác sĩ cho biết rõ hơn về cơ chế truyền bệnh của loại muỗi này như thế nào?
Bs Hương: Muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh Sốt xuất huyết. Sau khi hút máu người bệnh, vi rút  phát triển trong cơ thể muỗi từ 8-10 ngày, sau đó muỗi trở thành muỗi nhiễm vi rút và có thể truyền vi rút cho người khác khi hút máu.
Muỗi Aedes có thể hút máu vào tất cả các giờ trong ngày nhưng thời điểm hoạt động hút máu mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
PV: Vậy, đặc điểm nhận diện muỗi vằn là gì, thưa bác sĩ?
Bs Hương: Muỗi Aedes mà người dân thường gọi là muỗi vằn là những loài có kích thước tương đối nhỏ, có màu đen, có những đốm trắng phân bố ở khắp cơ thể. Có 2 loài muỗi Aedes có thể truyền bệnh chính là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Muỗi Aedes aegypti hay gặp ở trong nhà, nơi trú đậu chủ yếu là mắc treo quần áo nơi tối, đặc điểm có 2 sọc trắng phía trên đầu. Muỗi Aedes albopictus hay gặp ngoài nhà, ngoài sân vườn, đặc điểm hình thể có 1 sọc trắng phía trên đầu.
Đặc điểm của Muỗi vằn(Ảnh minh họa)

PV: Môi trường sống và sinh sôi phát triển của muỗi vằn có điểm gì đặc biệt so với các loại muỗi khác, thưa bác sĩ?
Bs Hương: Bọ gậy muỗi Aedes nhìn chung sống trong nước sạch, không bị ô nhiễm. Chính vì thế chúng ta có thể gặp ổ bọ gậy muỗi Aedes ở các lọ hoa, chậu cây thủy sinh trong nhà, các chậu cây cảnh, hòn non bộ, các dụng cụ phế thải có thể chứa nước như mảnh bát vỡ, vỏ dừa, các vỏ chai, vỏ lon, xô chậu vỡ, lốp xe.... ở ngoài sân, vườn, các khu đất trống. Hay trong các bể nước, các thùng, phi, xô chậu đựng nước sinh hoạt mà không được thau rửa thường xuyên.
PV:  Hiện nay, nhiều người chưa hiểu đúng về môi trường sinh sôi nảy nở của loại muỗi vằn gây bệnh Sốt xuất huyết, do đó họ thực hiện các biện pháp phòng tránh và diệt muỗi, bọ gậy chưa thực sự hiệu quả. Vậy xin bác sĩ cho biết, các biện pháp phòng tránh và loại trừ loại muỗi vằn này như thế nào?
Bs Hương: Hàng năm, các đơn vị đều tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường để phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết, tuy nhiên nhiều người dân chưa hiểu được mục đích và ý nghĩa của chiến dịch này. Để phòng tránh bệnh Sốt xuất huyết, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất loại bỏ vật trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes, chính vì thế phát động chiến dịch vệ sinh môi trường để người dân tham gia diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống.
Để thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống  bệnh Sốt xuất huyết mỗi người dân cần chung tay thực hiện các công việc sau:
Đối với công tác diệt loăng quăng:  Làm nắp đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng. Cọ rửa và thay nước ít nhất 1 tuần 1 lần ở lu,chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước. Thả cá ăn lăng quăng: dùng các loại cá nhỏ (cá bảy màu) thả vào lu, hồ chứa nước để cá ăn loăng quăng. Không để cho các hốc cây, máng xối đọng nước. Thực hiện thu gom, hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết như vỏ đồ hộp, lốp xe cũ, chai lọ, mảnh chum, vại, bát vỡ, gáo dừa,...
Phòng chống muỗi đốt: Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ cư ngụ của muỗi. Mặc quần dài, áo dài tay đặc biệt khi làm vườn vào sáng sớm và chiều tối. Ngủ màn kể cả ban ngày. Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà. Sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi hoặc dùng hương trừ muỗi trong những giờ muỗi thường đốt người nhất (sáng sớm và chiều tối). Dùng bình xịt muỗi loại nhỏ, phun hóa chất diệt muỗi tại nhà.
PV:  Thưa bác sĩ, nhiều người dân thắc mắc rằng tại sao sau khi phun hóa chất diệt muỗi một thời gian rất ngắn muỗi lại xuất hiện trở lại, xin bác sĩ giải thích về vấn đề này?
Bs Hương: Phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp tức thời diệt muỗi trưởng thành tại thời điểm phun mà không diệt được các ổ loăng quăng, bọ gậy ở xung quanh nhà. Chính vì thế nếu như chỉ phun hóa chất diệt muỗi mà không đi kèm với việc vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ bọ gậy thì chỉ sau khi phun vài ngày,  muỗi sinh ra từ các ổ bọ gậy đó sẽ lại xuất hiện và bay vào nhà. Vì vậy, biện pháp phòng chống bệnh Sốt xuất huyết hiệu quả và bền vững nhất đó là loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi truyền bệnh bằng cách thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường.
Hiện nay, bệnh Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin phòng bệnh đang trong giai đoạn nghiên cứu do đó việc phòng bệnh Sốt xuất huyết rất cần sự  quyết tâm chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!

(Nguồn: Hải Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014