Một số điều cần biết về bệnh loãng xương
Cập nhật: 19/10/2018 | 4:13:44 PM
Theo Tổ chức Y tế thế giới, loãng xương là căn bệnh diễn ra rất âm thầm, các triệu chứng chỉ biểu hiện khi khối lượng xương bị mất nhiều và khi đó gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như gù lưng, gãy xương, cong vẹo, xẹp lún cột sống và đau nhức toàn thân.
Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh loãng xương, 20/10/2018, Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp – Người cao tuổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh về một số điều cần biết về bệnh loãng xương.
PV: Xin chào Bác sĩ. Xin Bác sĩ cho biết, bệnh loãng xương là gì?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Loãng xương là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương được đặc trưng bởi sự giảm mật độ xương và giảm chất lượng xương, làm cho xương bị yếu và giòn, trở lên dễ gãy, chỉ cần một va chạm nhẹ hoặc ngã cũng có thể bị gãy xương.
Loãng xương thường được gọi là chứng bệnh âm thầm, vì thường không có dấu hiệu hay triệu chứng nào cho thấy bệnh nhân bị mắc bệnh, đôi khi chỉ phát hiện được khi đã có gãy xương. Bất cứ xương nào trên cơ thể cũng có thể gãy, nhưng thông thường nhất là xương đùi, xương cột sống, xương cổ tay, xương cánh tay.
PV: Loãng xương thường gặp ở lứa tuổi nào, thưa Bác sĩ?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Loãng xương thường gặp ở người già, với 1/3 nữ sau mãn kinh và già > ½ người 75 tuổi. Khoảng 25% phụ nữ > 50 tuổi có 1 hoặc nhiều đốt sống bị xẹp liên quan đến loãng xương. Tỷ lệ này tăng lên 1/3 ở người > 65 tuổi.
PV: Xin Bác sĩ cho biết dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loãng xương?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Loãng xương có các triệu chứng lâm sàng như sau:
Thứ nhất là thay đổi hình dáng cơ thể: Gù lưng, giảm chiều cao.
Thứ hai là biểu hiện đau lưng: Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt là xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút các cơ; Đau cột sống, đau lan theo khoang liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi...);
Thứ ba là gãy xương. Đây là biểu hiện nặng nhất của loãng xương
PV: Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương là gì, thưa Bác sĩ?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Theo nguyên nhân loãng xương được chia làm 2 loại: Loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.
Loãng xương nguyên phát: Nguyên nhân do quá trình lão hóa của tạo cốt bào, làm xuất hiện tình trạng mất cân bằng giữa hủy xương và tạo xương gây nên thiểu sản xương. Gồm: Loãng xương sau mãn kinh và loãng xương tuổi già.
Loãng xương thứ phát: Là loại loãng xương tìm thấy nguyên nhân do một số bệnh hoặc một số thuốc gây nên: Bệnh suy sinh dục, cường vỏ thượng thận, dùng nội tiết tố vỏ thượng thận kéo dài, cường giáp, bất động dài ngày....
Bs Đỗ Thị Thu Hà khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Bệnh nghề nghiệp - Người cao tuổi
PV: Theo Bác sĩ, những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Có 5 đối tượng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao:
Thứ nhất, những người có tiền sử gia đình có bố mẹ bị loãng xương. Thứ hai là yếu tố tuổi và giới. Tuổi càng cao mật độ xương càng giảm. Mật độ xương ở nam giới giảm 0.4%/năm, sau 50 tuổi. Ở nữ là 0.75-1.0%/năm, bắt đầu từ những năm 30 tuổi và gấp 3 lần sau mãn kinh. Thứ ba là những người thấp bé, nhẹ cân, có tư thế, dáng vóc bất thường, đặc biệt khi họ lại không được cung cấp đủ calci và vitamin D, nghiện thuốc lá, rượu. Thứ tư là những người ít hoạt động thể lực, bất động quá lâu ngày. Thứ năm là các bệnh nhân mắc một số bệnh lý có thể gây loãng xương như cường giáp, đái tháo đường, ung thư, suy thận… Đặc biệt những trường hợp sử dụng thuốc dài hạn như thuốc chống động kinh, thuốc chữa tiểu đưỡng, thuốc chống đông và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid cũng là nguyên nhân gia tăng nguy cơ loãng xương.
PV: Xin Bác sĩ cho biết các biến chứng nguy hiểm thường gặp phải khi bệnh nhân bị loãng xương?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Các biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất của loãng xương là gãy xương đùi, lún xẹp đốt sống, gãy ép có thể dẫn đến biến dạng tư thế, suy hô hấp và viêm phổi.
PV: Làm thế nào để chẩn đoán, điều trị loãng xương, thưa Bác sĩ?
Bs: Đỗ Thị Thu Hà: Người bệnh được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp cận lâm sàng như chụp X quang quy ước, đo mật độ xương hoặc chụp cắt lớp, siêu âm nếu cần thiết. Hiện nay, đo mật độ xương (BMD) bằng phương pháp DXA được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương.
Để điều trị, có 2 phương thức:
Thứ nhất, điều trị không dùng thuốc: Điều trị bằng chế độ ăn uống bổ sung nguồn thức ăn giàu canxi theo nhu cầu từ 1000- 1500 mg mỗi ngày; đồng thời tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Bên cạch đó cần tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã. Người bệnh có thể được chỉ định các dụng cụ hỗ trợ nẹp chỉnh hình (cho cột sống, khớp háng) để giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương và vùng xương hông.
Thứ hai, điều trị loãng xương bằng thuốc. Khi bệnh nhân được Bác sĩ chỉ định dùng thuốc thì cần tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ để đạt hiệu quả trong điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc.
Đo mật độ xương cho bệnh nhân tại Bệnh viên Phục hồi chức năng Quảng Ninh
PV: Làm thế nào để phòng ngừa loãng xương, thưa Bác sĩ?
Bs Đỗ Thị Thu Hà: Để dự phòng loãng xương, thứ nhất cần có chế độ ăn uống đảm bảo đủ canxi, vitamin D. Giảm phospho, giảm muối, ngừng hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu và các chất kích thích.
Thứ hai, tăng cường tập thể dục giúp xương khỏe mạnh, tăng sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp và cân bằng cơ thể, từ đó giúp sức khỏe tốt hơn.
Một khuyến cáo đối với người dân: cần đi khám bệnh sớm ngay khi có các dấu hiệu như: đau mỏi mơ hồ ở cột sống, ở hệ thống xương khớp, dọc các xương dài, đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút các cơ… để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
PV: Xin cảm ơn Bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
(Nguồn: Thu Giang)
TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
- Thẩm định đánh giá xếp hạng đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (14/11/2024)
- Nhu cầu mua thuốc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm Reatime PCR HPV (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua vật tư phục vụ công tác chuyên môn (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá Thuê dịch vụ hủy vật tư, hóa chất (12/11/2024)
- Nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm HIV cho cán bộ y tế (12/11/2024)
- ƯU ĐÃI GIÁ VẮC XIN LỚN NHẤT NĂM TẠI PHÒNG TIÊM CHỦNG VẮC XIN DỊCH VỤ CDC QUẢNG NINH (12/11/2024)
- CDC QUẢNG NINH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2024 (8/11/2024)
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
- Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) thăm và làm việc tại Quảng Ninh (19/10/2018)
- Công bố Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên (17/10/2018)
- Quảng Ninh: Tập huấn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc (16/10/2018)
- Hội thi ”Nữ cán bộ, công chức, viên chức - lao động tài năng, duyên dáng ngành Y tế Quảng Ninh năm 2018” (14/10/2018)
- Ngành Y tế Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018 (12/10/2018)
- Hưởng ứng ngày Thị giác Thế giới năm 2018 “Chăm sóc mắt cho mọi người dù ở bất kỳ nơi đâu” (10/10/2018)
- Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe tâm thần Quảng Ninh tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới 10/10 (10/10/2018)
- Chăm sóc và bảo vệ đôi mắt (9/10/2018)
- Quảng Ninh: Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh (9/10/2018)
- Gia tăng bệnh cúm A khi thời tiết giao mùa (7/10/2018)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều