Bệnh mạch vành: Căn bệnh gây chết người hàng đầu thế giới
Cập nhật: 2/2/2012 | 8:37:25 AM
Bệnh tim mạch do hẹp động mạch đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp đầu danh sách các bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất toàn cầu.
Mới đây, WHO tiếp tục đưa ra dự báo năm 2030 căn bệnh này vẫn đứng đầu danh sách, với tỷ lệ tử vong tăng từ 12,2% lên 14,2%. Một con số thật sự đáng lo ngại!Tim có nhiệm vụ co bóp để cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho mọi tế bào trong cơ thể. Bản thân tim cũng cần nguồn máu nuôi dưỡng từ hệ thống mạch máu, gọi là hệ mạch vành. Nếu động mạch vành bị hẹp hoặc tắc, cơ tim không được cung cấp đủ máu, tim có thể bị tổn thương, không co bóp hiệu quả, làm cơ thể cũng không khoẻ mạnh.
Nhận diện “sát thủ”
Bệnh mạch vành xảy ra do lớp nội mạc mạch vành bị tổn thương, thường do những mảng xơ vữa (tình trạng xơ vữa động mạch), gây hẹp lòng mạch máu này. Càng ngày, mảng xơ vữa hình thành nhiều hơn, làm hẹp càng nhiều, khiến cơ tim không nhận đủ máu nuôi dưỡng (tình trạng thiếu máu cơ tim) gây ra triệu chứng đau thắt ngực, khó thở… Nếu một hoặc nhiều nhánh mạch vành hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn (do mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, loét hoặc do hình thành cục máu đông) sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, có thể đưa tới choáng tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, tử vong…
Bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại các nước phát triển, đây là một trong những bệnh thường gặp nhất. Việt Nam chưa có thống kê nhưng số bệnh nhân mắc bệnh mạch vành ngày càng nhiều, lứa tuổi cũng trẻ hơn. Các nước châu Á một khi phát triển như các nước phương Tây cũng có tần suất bệnh gia tăng, như Singapore hiện có tần suất bệnh mạch vành không kém các nước phương Tây.
Cảnh giác triệu chứng đau ngực
Bệnh mạch vành thường gặp ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm (trước 55 tuổi), người hút thuốc lá, người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá mỡ, tiểu đường. Béo phì, ít hoạt động thể lực và stress cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển của xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.Triệu chứng thường gặp nhất trong bệnh mạch vành là đau thắt ngực. Người bệnh cảm thấy tim bị đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi gắng sức, xúc động, tức giận… Đau lan ra hàm, vai, tay và có thể kèm theo nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, yếu, mệt, chóng mặt… Đau thắt ngực tăng lên về tần số hoặc xảy ra cả khi nghỉ ngơi được gọi là “không ổn định”. Đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ cao đưa đến nhồi máu cơ tim (nhồi máu cơ tim cũng gây đau thắt ngực nhưng nặng nề và kéo dài hơn, thường trên 15 phút; người bệnh thấy đau dữ dội đến mức không chịu nổi và có cảm giác sợ hãi, hoảng loạn).
Mọi người, nhất là những người có yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh cần hết sức cảnh giác với triệu chứng đau ngực. Nếu cảm thấy đau ngực và có một trong các tình huống sau thì có khả năng bị nhồi máu cơ tim, cần đến bệnh viện ngay: đau ngực có tính chất tương tự đau thắt ngực, cảm giác đau dữ dội, liên tục (kéo dài trên 15 phút), đau như bóp nghẹt tim, đè ép ngực; cảm giác đau ngực khác lạ, chưa từng xảy ra hoặc đau tăng lên nhiều so với các lần đau ngực trước đây; người trên 40 tuổi và có một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành; trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ (dưới 55 tuổi)… Để chẩn đoán và đánh giá bệnh, bác sĩ cần dựa vào bệnh sử, làm các xét nghiệm như đo điện tâm đồ, siêu âm tim, điện tâm đồ và siêu âm tim gắng sức, chụp động mạch vành… Trong đó, chụp động mạch vành là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh mạch vành. Tuỳ trường hợp, bác sĩ sẽ chọn lựa, phối hợp các phương pháp điều trị như: điều chỉnh lối sống, dùng thuốc, can thiệp động mạch vành qua da (nong bằng bóng, đặt giá đỡ), phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Khi nào cần kiểm tra mạch vành?
Trả lời những câu hỏi sau giúp bạn biết được khi nào cần nhờ bác sĩ kiểm tra:
1. Bạn có hút thuốc lá?
2. Bạn có bị quá cân? Nếu BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) ≥ 25 là có tình trạng quá cân. BMI = CN/CC2 (CN: cân nặng tính bằng ký; CC: chiều cao tính bằng mét).
3. Bạn có mắc bệnh tăng huyết áp?
4. Bạn có mắc bệnh tiểu đường?
5. Bạn có tình trạng rối loạn chuyển hoá mỡ máu?
6. Gia đình bạn có ai mắc bệnh tim mạch sớm (trước 55 tuổi) không?
Nếu tất cả các câu trả lời là “không”, bạn nằm trong nhóm nguy cơ thấp bị mắc bệnh mạch vành, cần tiếp tục duy trì lối sống điều độ, lành mạnh, chưa phải can thiệp gì thêm. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, hoặc lớn hơn 65 tuổi và có ít nhất hai câu trả lời là “có”, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, cần đến bác sĩ tim mạch để được khám bệnh, tư vấn nhằm giảm nguy cơ bằng chế độ sinh hoạt, lối sống phù hợp, điều trị thuốc khi cần thiết. Nếu không ở trong hai nhóm trên, nguy cơ mắc bệnh mạch vành của bạn ở mức trung bình, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn thay đổi lối sống, điều trị các yếu tố khiến bạn “bị loại” khỏi nhóm nguy cơ thấp, có thể phải làm các xét nghiệm không xâm lấn để xác định có hay không gợi ý mắc bệnh mạch vành.
Để mạch vành được thông suốt
Dù có hay không mắc bệnh mạch vành, đã điều trị hay chưa thì việc áp dụng lối sống phù hợp sẽ giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến bệnh.
Dù có hay không mắc bệnh mạch vành, đã điều trị hay chưa thì việc áp dụng lối sống phù hợp sẽ giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần: tuyệt đối không hút thuốc lá; theo dõi huyết áp, kiểm soát huyết áp nếu bị tăng; trường hợp mắc bệnh tiểu đường thì cần điều trị và kiểm soát tốt mức đường huyết; kiểm tra và điều trị rối loạn chuyển hoá mỡ máu; thường xuyên vận động và tập thể dục ở mức vừa sức; có chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng (kiêng các thực phẩm có chứa nhiều mỡ như nội tạng động vật, thịt mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, da gà, trứng cá… Ăn các loại rau tươi, hoa quả, các loại đậu và chế phẩm từ đậu nành, thịt nạc, cá, tôm… Hạn chế dùng trà đặc, càphê. Ít ăn mặn. Không uống rượu, bia… Tránh thừa cân. Sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh bị stress…)
Bệnh mạch vành có thể diễn biến tiềm tàng trong nhiều năm. Đa số trường hợp, các triệu chứng không được để ý cho đến khi động mạch vành bị hẹp nhiều đến một mức độ đáng kể. Cũng có trường hợp bệnh chỉ được biết đến khi đã xuất hiện biến chứng, bị nhồi máu cơ tim. Vì thế, dù không có triệu chứng thì mọi người cũng phải hết sức cảnh giác!
(Nguồn: bacsi.com)
- Nhu cầu mua thuốc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm Reatime PCR HPV (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua vật tư phục vụ công tác chuyên môn (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá Thuê dịch vụ hủy vật tư, hóa chất (12/11/2024)
- Nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm HIV cho cán bộ y tế (12/11/2024)
- ƯU ĐÃI GIÁ VẮC XIN LỚN NHẤT NĂM TẠI PHÒNG TIÊM CHỦNG VẮC XIN DỊCH VỤ CDC QUẢNG NINH (12/11/2024)
- CDC QUẢNG NINH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2024 (8/11/2024)
- Đoàn công tác CDC Tuyên Quang đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại CDC Quảng Ninh (7/11/2024)
- Những gì tốt cho tim? (31/1/2012)
- 10 nguyên tắc vàng để bảo vệ tim (30/1/2012)
- Tránh tai biến tim mạch trong ngày Tết (29/1/2012)
- Mắc bệnh tim có nên ra ngoài khi trời lạnh? (17/1/2012)
- 8 cách hữu hiệu giảm nguy cơ bệnh tim (10/1/2012)
- Phòng chống bệnh tim mạch trong mùa lạnh (4/1/2012)
- Nhận biết sớm suy tim, ngừa đột quỵ (4/1/2012)
- Bảo vệ tim mạch ngày trở gió (4/1/2012)
- Những thói quen xấu có hại cho tim (25/12/2011)
- Món ăn bài thuốc tốt cho tim, mạch vành (30/11/2011)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều