Suy tim mạn tính: Yếu tố nguy cơ bùng phát đợt cấp
Cập nhật: 19/11/2012 | 7:56:52 AM
Suy tim có nhiều mức độ khác nhau và các biện pháp điều trị, trong nhiều trường hợp chỉ nhằm giữ cho bệnh nhân không bị tiến triển nặng hơn cả về triệu chứng lâm sàng lẫn tổn thương thực thể tại tim. Vì vậy, người bị suy tim cần hết sức chú ý đến các yếu tố nguy cơ của việc bùng phát “đợt cấp” của một tình trạng suy tim đang được theo dõi điều trị ổn định.
Suy tim mạn tính và đợt cấp
Suy tim được hiểu một cách đơn giản là tình trạng trong đó tim không đủ sức bơm máu theo nhu cầu của cơ thể. Bình thường, tim đập khoảng 60 đến 80 nhịp/phút với khối lượng máu được bơm đi toàn cơ thể khoảng 3 đến 4 lít/phút. Lượng máu có thể tăng lên trong một số trường hợp xúc cảm, lao động nặng nhọc, luyện tập hoặc thi đấu các môn thể thao. Như vậy, khi cung lượng tim không đáp ứng được cho cơ thể ở cả hai trường hợp khi gắng sức và khi bình thường là tim đã bị suy.
Trên lâm sàng, suy tim được chia thành 4 mức độ: độ 1 là có suy tim nhưng chưa có biểu hiện khó thở; độ 2 là có khó thở khi gắng sức (như leo cầu thang, làm việc nặng…); mức độ 3 là khó thở thường xuyên cả lúc bình thường và khi gắng sức, gan to nhưng nhỏ lại khi được điều trị (gan đàn xếp), bệnh nhân vẫn có thể đi lại nhẹ nhàng và tự phục vụ những nhu cầu như ăn uống, vệ sinh cá nhân; mức độ 4 là mức độ nặng nhất, bệnh nhân liên tục khó thở, không tự phục vụ mình được, gan không còn “đàn xếp” đã chuyển sang xơ xứng (xơ gan tim).
Việc điều trị nhằm mục tiêu giảm mức độ suy tim hoặc ít ra cũng ngăn cản được quá trình nặng lên của suy tim. Các biện pháp điều trị thông thường là: nghỉ ngơi, ăn nhạt, lợi tiểu, thuốc trợ tim, điều trị nguyên nhân…. Bệnh nhân đáp ứng tốt điều trị là khi các triệu chứng của suy tim mất hẳn, giảm nhẹ hoặc không nặng thêm.
Trong quá trình điều trị, có những đợt các triệu chứng của suy tim đột ngột nặng lên. Trường hợp này được gọi là “đợt cấp” hay “đợt mất bù” của suy tim mạn tính. Có một số yếu tố nguy cơ làm mất hiệu quả của phác đồ điều trị và đáp ứng của bệnh nhân dẫn đến tình trạng này.
Biểu hiện của đợt cấp suy tim mạn tính khởi phát đột ngột hoặc các triệu chứng tăng lên nhanh chóng như khó thở, đánh trống ngực, vã mồ hôi lạnh, rối loạn ý thức, tím môi đầu chi, tiểu ít, phù hai chi dưới, gan to, tĩnh mạch cổ nổi. Nặng hơn có trường hợp biểu hiện bằng phù phổi cấp, tụt huyết áp nặng và tử vong.
Một số yếu tố nguy cơ
Nhiễm khuẩn phổi là yếu tố hàng đầu gây nên những đợt cấp của suy tim mạn. Việc tổn thương phổi do nhiễm khuẩn sẽ làm giảm lượng ôxy trong máu, vốn đã giảm trong suy tim, dẫn đến thiếu ôxy các cơ quan trong cơ thể (kể cả thiếu ôxy trong cơ tim) kết quả là tim phải làm việc nhiều hơn, chóng suy nặng hơn. Khi đã bị suy tim, bệnh nhân cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn phổi do ứ đọng dịch ở khoảng kẽ và phế nang, do tràn dịch màng phổi, do sức đề kháng kém của bệnh nhân…. Các tác nhân gây bệnh bao gồm các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, haemophilus influenzae, virut, nấm….
Loạn nhịp tim xảy ra khi tim bị suy. |
Nhiễm khuẩn tại tim như viêm nội tâm mạc cũng có thể làm chức năng tim giảm nhanh hơn đặc biệt khi có thêm các tổn thương như thủng van, đứt dây chằng van tim. Nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác gây mất nước, mất điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan và đương nhiên các tình trạng này không có lợi cho chức năng một quả tim đã bị suy.
Gắng sức quá mức là điều hết sức nên tránh ở bệnh nhân suy tim với bất kỳ giai đoạn nào. Các hoạt động thể chất yêu cầu một lượng máu đến hệ cơ xương khớp nhằm cung cấp đủ lượng ôxy và calorie cần thiết. Điều này sẽ làm tăng “gánh nặng” cho tim khiến cho tim bị suy nhanh hơn, các triệu chứng tiến triển rầm rộ hơn.
Tình trạng suy tim do bệnh mạch vành, bao gồm cả suy tim sau nhồi máu cơ tim sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và sức co bóp cơ tim sẽ giảm nhanh chóng nếu tình trạng thiếu máu cơ tim không được cải thiện. Việc cơ tim đã bị suy lại tiếp tục phải chịu đựng tình trạng thiếu ôxy do mạch vành bị xơ vữa là yếu tố thuận lợi cho việc bùng phát một đợt cấp của suy tim mạn tính. Ngược lại, khi cơ tim phì đại do suy tim trong khi các mạch máu phân bố không theo kịp lại làm tăng khu vực bị thiếu máu, làm nặng thêm tình trạng thiếu máu cơ tim do mạch vành gây ra.
Các loạn nhịp tim xảy ra khi tim bị suy, bao gồm cả các loạn nhịp chậm (các thể block gây nhịp chậm) và loạn nhịp nhanh đều gây giảm cung lượng tim, giảm sức co bóp cơ tim và làm suy tim tiến triển. Thậm chí nếu nhịp quá chậm hoặc quá nhanh còn làm bệnh nhân choáng ngất, tụt huyết áp và… tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nguyên nhân của loạn nhịp có thể do dùng thuốc như digoxin, chẹn beta giao cảm… do rối loạn điện giải (hạ kali máu) hoặc do tổn thương cơ tim trong bệnh mạch vành.
Cơn tăng huyết áp không được kiểm soát là một yếu tố thực sự nguy hiểm trong việc làm tăng nguy cơ tiến triển của suy tim. Khi huyết áp tăng cao đòi hỏi tim phải gắng sức nhiều hơn để có thể tống được máu vào hệ thống động mạch vì vậy tim sẽ chóng bị suy hơn, dễ bùng phát đợt cấp hơn. Nếu huyết áp quá cao có thể gây suy thất trái cấp, dẫn đến cơn hen tim, phù phổi cấp.
Một số thuốc cũng có thể là yếu tố gây mất bù của suy tim mạn tính như verapamil làm giảm sức co bóp cơ tim, lợi tiểu quai làm mất nhiều dịch và làm kali, canxi máu hạ gây loạn nhịp tim. Thiếu máu nặng, các yếu tố tâm lý, thời tiết thay đổi đột ngột, bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo phác đồ… cũng có thể “giúp” cho tim bị suy nhanh hơn, làm khởi phát đợt cấp suy tim mạn.
Các biện pháp dự phòng
Như đã đề cập ở trên, mục tiêu của điều trị suy tim là làm mất, giảm hoặc chí ít cũng làm các triệu chứng của suy tim không tiến triển thêm nên việc tránh cho các đợt cấp của suy tim bùng phát là hết sức cần thiết.
Các biện pháp dự phòng bao gồm tránh nhiễm khuẩn phổi nói riêng và các nhiễm trùng khác nói chung. Kiểm soát tốt tình trạng huyết áp tăng, điều trị tốt các bệnh kèm theo như đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh mạch vành…. Tuyệt đối tránh gắng sức ở các bệnh nhân suy tim trong bất cứ tình huống nào, ổn định tâm lý, tránh xúc cảm cũng như các tình huống thay đổi thời tiết đột ngột. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị, không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc nếu không có ý kiến của thày thuốc chuyên khoa. Nên duy trì một chế độ ăn hợp lý (ăn nhạt, đủ chất dinh dưỡng) và thường xuyên kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên sâu.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)
- Nhu cầu mua thuốc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm Reatime PCR HPV (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua vật tư phục vụ công tác chuyên môn (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá Thuê dịch vụ hủy vật tư, hóa chất (12/11/2024)
- Nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm HIV cho cán bộ y tế (12/11/2024)
- ƯU ĐÃI GIÁ VẮC XIN LỚN NHẤT NĂM TẠI PHÒNG TIÊM CHỦNG VẮC XIN DỊCH VỤ CDC QUẢNG NINH (12/11/2024)
- CDC QUẢNG NINH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2024 (8/11/2024)
- Đoàn công tác CDC Tuyên Quang đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại CDC Quảng Ninh (7/11/2024)
- Bệnh van hai lá, căn bệnh của người nghèo (15/11/2012)
- Phương pháp xoa bóp phòng ngừa thiếu máu cơ tim (14/11/2012)
- Đột tử… ”vô duyên” do đứng tim (12/11/2012)
- Ngồi nhiều tăng nguy cơ mỡ quanh tim (12/11/2012)
- Những yếu tố rủi ro gây rối loạn tim (11/11/2012)
- Đồ ăn béo ảnh hưởng xấu tới tim mạch (11/11/2012)
- Phục hồi mô tim nhờ... tế bào gốc của người khác (10/11/2012)
- Người già hơn tuổi có nguy cơ cao bị mắc bệnh tim (8/11/2012)
- Dùng tôi quá liều có thể ngừng tim (4/11/2012)
- Khi nào cơn đau ngực báo hiệu nguy hiểm? (1/11/2012)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều