Miễn dịch Covid-19 thực sự tồn tại trong bao lâu?
Cập nhật: 18/6/2020 | 5:22:45 PM
Covid-19 chỉ có thể được bảo vệ khỏi tái nhiễm trong 6 tháng, theo một nghiên cứu nghi ngờ về triển vọng của miễn dịch lâu dài.
Thời gian giữa các lần nhiễm trùng (tính theo tháng) được hiển thị trên trục x. Thời gian phổ biến nhất mà bệnh nhân bị tái nhiễm là sau 12 tháng.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Amsterdam đã theo dõi 10 tình nguyện viên trong 35 năm và xét nghiệm những người này hằng tháng về bốn loại virus corona theo mùa và yếu hơn, thường gây ra các bệnh nhẹ tương tự như cảm lạnh thông thường.
Họ thấy rằng những người bị nhiễm các chủng - cùng họ với SARS-CoV-2, virus gây ra Covid-19 - có “thời gian miễn dịch bảo vệ ngắn đáng báo động”.
Mức kháng thể giảm 50% sau nửa năm và mất hoàn toàn sau 4 năm.
Bằng cách nghiên cứu cách mọi người phục hồi sau khi nhiễm virus cùng họ với Covid-19, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này là cái nhìn toàn diện nhất về khả năng miễn dịch có thể hoạt động như thế nào đối với căn bệnh xuất hiện ở Trung Quốc năm ngoái.
Nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu mọi người có thể mắc bệnh nhiều hơn một lần hay không vì virus - ước tính sẽ giết chết khoảng 1% số bệnh nhân bị nhiễm – mới chỉ tồn tại trong y học được 6 tháng.
Nghiên cứu mới nhất, gợi ý miễn dịch với Covid-19 sẽ kéo dài trong một thời gian tương tự như miễn dịch với cúm mùa, không cho biết liệu bệnh nhân có bị bệnh nặng hơn sau khi tái nhiễm hay không.
Nghiên cứu được đưa ra sau khi ông chủ của hãng dược khổng lồ AstraZeneca của Anh tuyên bố vắc-xin thử nghiệm Covid-19 của Đại học Oxford mà hãng đang sản xuất sẽ có thể bảo vệ mọi người khỏi mắc bệnh trong một năm.
Các nhà nghiên cứu, đứng đầu là GS Arthur Edridge, một chuyên gia về virus tại trường Đại học Amsterdam, đã theo dõi 10 tình nguyện viên từ năm 1985 cho đến năm nay.
Họ đã xét nghiệm những người tham gia mỗi tháng 1 lần về 4 virus corona theo mùa là HCoV-NL63, HCoV-229E, HCoV-OC43 và HCoV-HKU1.
Có tổng cộng 132 lượt nhiễm virus corona trong 35 năm, với những người tham gia bị nhiễm virus từ 3 đến 22 lần mỗi năm.
Thời gian tái nhiễm phổ biến nhất là một năm - nhưng có ba trường hợp tái nhiễm sớm sau 6 tháng và 2 trường hợp sau 9 tháng.
Đa số những người tham gia bị nhiễm virus trong mùa đông, khi mức virus lưu hành trong quần thể cao hơn nhiều.
Vì đây đều là những virus corona theo mùa, chúng thường biến mất trong những tháng ấm hơn và tái xuất hiện vào mùa đông, có thể giải thích tại sao thời gian tái nhiễm phổ biến nhất là sau 12 tháng.
Mọi người ở trong nhà nhiều hơn trong những tháng lạnh hơn, nơi mà virus dễ dàng lây lan giữa các nhóm.
Và trời nóng khiến virus khó lây lan qua không khí vào mùa hè.
Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng nồng độ kháng thể là một cách tốt hơn để dự đoán miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu.
Nghiên cứu thấy rằng bệnh nhân mất 50% kháng thể đặc hiệu với virus corona sau 6 tháng, 75% sau một năm và 100% sau 4 năm.
Không hy vọng vào "hộ chiếu miễn dịch"
Các nhà nghiên cứu kêu gọi Chính phủ các nước loại bỏ ý tưởng về "hộ chiếu miễn dịch" Covid, một chính sách được đề xuất ở nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Anh, căn cứ vào những phát hiện này.
“Hộ chiếu miễn dịch” sẽ cho phép những người đã nhiễm virus corona và khỏi bệnh được quay trở lại làm việc và không phải tuân thủ giãn cách xã hội.
Các nhà khoa học viết: “Các virus corona theo mùa là nhóm virus đại diện nhất để từ đó kết luận về những đặc điểm chung của virus corona, đặc biệt là các mẫu số chung như động lực miễn dịch và độ nhạy cảm với tái nhiễm.
“Tóm lại, virus corona ở người theo mùa có rất ít điểm chung, ngoài việc gây cảm lạnh thông thường.
“Tuy nhiên, tất cả chúng có vẻ chỉ tạo ra khả năng miễn dịch ngắn hạn với kháng thể biến mất nhanh chóng. Đây cũng có thể là mẫu số chung cho các virus corona ở người. '
“Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy khả năng miễn dịch quần thể có thể là thách thức do miễn dịch bảo vệ bị mất đi nhanh chóng”.
Một nghiên cứu trong tuần này của các nhà nghiên cứu tại Đại học St George ở London và Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, cho thấy những người đã khỏi Covid-19 vẫn có mức kháng thể ổn định trong ít nhất 2 tháng sau khi bị bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy một số người được chẩn đoán chính thức nhiễm virus không hề phát triển bất kỳ kháng thể nào. Những người chỉ bị nhiễm trùng nhẹ có thể không hình thành kháng thể.
Các tác giả cho biết những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng nhất với phản ứng miễn dịch lớn nhất dễ hình thành kháng thể.
Họ tin rằng lý do là những người này có khả năng phơi nhiễm với lượng virus lớn hơn hơn và do đó sẽ hình thành lượng kháng thể lớn hơn để đáp ứng. Cần nghiên cứu thêm để hiểu liệu và tại sao điều này lại có thể diễn ra.
Các nhà khoa học vẫn không chắc chắn liệu mọi người có thể mắc bệnh nhiều lần hay không.
Triển vọng của vắc-xin
Một vắc-xin thành công sẽ phải dựa vào kháng thể lâu dài được sản sinh bởi hệ thống miễn dịch của mọi người và phát hiện mới là tia hy vọng cho việc phát triển vắc-xin.
Kết quả nghiên cứu được đưa ra sau khi AstraZeneca tuyên bố vắc-xin Covid-19 chưa được chứng minh của họ có thể bảo vệ mọi người khỏi mắc bệnh trong một năm.
Vắc-xin AZD1222, được phát triển bởi Đại học Oxford, hiện đang được thử nghiệm trên hơn 10.000 người nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy nó hoạt động.
Pascal Soriot, giám đốc điều hành của công ty, thừa nhận ông tin tưởng rằng vắc-xin sẽ ngăn ngừa nhiễm trùng trong “khoảng một năm”, mặc dù phải đến tháng 8 mới có kết quả thử nghiệm.
Vắc-xin của AstraZeneca được biết là một loại vắc-xin vec-tơ virus tái tổ hợp. Các nhà nghiên cứu đặt vật liệu di truyền của virus corona vào một virus khác đã bị biến đổi.
Sau đó, nó được tiêm với hy vọng tạo ra đáp ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2, cho phép cơ thể phát hiện virus và tiêu diệt nó.
Virus được làm yếu bằng công nghệ gen, thuộc họ adenovirus - có thể gây cảm lạnh thông thường.
Nếu vắc-xin được chứng minh là có tác dụng, nó sẽ “huấn luyện” cơ thể tiêu diệt virus corona thực sự trong tương lai.
Sau giai đoạn thử nghiệm ban đầu trên 160 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 đến 55, nghiên cứu về AZD1222 đã chuyển sang giai đoạn 2 và 3.
Vắc-xin hiện đang được thử nghiệm trên hơn 10.000 người, bao gồm cả trẻ em và người già, để xem liệu nó có thể ngăn ngừa nhiễm trùng hay không.
Đại học Oxford công bố trong tháng này rằng vắc-xin đang được thử nghiệm một phần ở Brazil vì lo ngại virus đang biến mất dần ở Anh.
Mức độ lưu hành của virus giảm ở Anh, nơi dịch bệnh đang suy yếu dần, có nghĩa là sẽ ngày càng khó thử nghiệm vắc-xin vì không có gì để thử nghiệm.
Tuy nhiên, tại Brazil, các trường hợp Covid-19 vẫn đang tăng nhanh và dịch bùng phát chỉ đứng sau Mỹ, với 868.000 trường hợp chẩn đoán xác nhận và hơn 43.000 người chết.
Vắc-xin sẽ được thử nghiệm trên 2.000 người làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe ở độ tuổi từ 18 đến 55, Đại học Liên bang Sao Paulo, phụ trách nghiên cứu cho biết.
Các tình nguyện viên “phải là nhân viên y tế từ 18 đến 55 tuổi và có nguy cơ nhiễm cao, ví dụ, nhân viên dọn dẹp và hỗ trợ tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19”.
Hơn 8.000 người khác đang thử nghiệm vắc-xin ở Anh.
Nhưng mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy vắc-xin hoạt động, AstraZeneca đã ký thỏa thuận với châu Âu, Mỹ và Anh để sản xuất hàng tỷ liều.
(Nguồn: dantri.com.vn)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu. Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Bảo dưỡng máy Sắc ký lỏng khối phổ (LCMS) (22/11/2024)
- Uống nước trước khi đi ngủ - Nên hay không? (17/6/2020)
- Lý do bạn không nên để cây xanh trong phòng ngủ (16/6/2020)
- Ung thư đến từ những thói quen sau bữa ăn mà bạn ít nghĩ tới (15/6/2020)
- Nhiều người bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư vòm họng (13/6/2020)
- Đánh thức cơ thể bằng việc uống nước (7/6/2020)
- Virus corona thay đổi não của bệnh nhân như thế nào? (1/6/2020)
- Virus Zika gây nguy hiểm như thế nào khi truyền từ mẹ sang con? (27/5/2020)
- Nguy cơ sức khỏe khi vừa chạy bộ vừa đeo khẩu trang (27/5/2020)
- Cảnh báo về ảnh hưởng của COVID-19 đối với sức khỏe trong mùa Hè (27/5/2020)
- Cơ thể con người sẽ thay đổi như thế nào sau một tháng bỏ thuốc lá? (24/5/2020)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều