Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Vì sao phải tiêm mũi 2 vaccine COVID-19?

Cập nhật: 25/8/2021 | 8:44:12 AM

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người không nên bỏ qua mũi 2 vaccine COVID-19 để tăng hệ miễn dịch và cơ thể được bảo vệ tốt nhất.

Nhiều người tin rằng, một mũi tiêm cũng đủ bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch hay sợ bị ốm, sợ tác dụng phụ do liều thứ 2 và thậm chí cả những khó khăn trong việc lên lịch tiêm chủng.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, nếu nhận được mũi tiêm đầu tiên và vì bất cứ lý do gì mà bỏ lỡ liều thứ 2, thì bây giờ vẫn chưa muộn để làm điều đó.

Mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ 2 là quan trọng

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hầu hết các loại vaccine COVID-19 hiện nay cần được tiêm hai liều cách nhau vài tuần.

Các dữ liệu khoa học cho thấy, hiệu lực bảo vệ của vaccine đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất, nhưng liều tiêm thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ đó, giúp bảo vệ cơ thể khỏe mạnh hơn, kéo dài hơn.

Bên cạnh đó, mũi tiêm thứ 2 không chỉ xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng mà còn tăng cường khả năng bảo vệ khỏi bệnh và biến chứng nghiêm trọng do COVID-19.

"Vì vậy, hãy tiêm liều thứ hai theo đúng lịch trình khuyến cáo", WHO khuyến cáo.

Tại Việt Nam, hiện có 5 loại vaccine COVID-19 đang được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân theo đối tượng ưu tiên gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Nhà sản xuất các loại vaccine này đều khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi.

Theo Bộ Y tế, khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau. Cụ thể:

Vaccine COVID-19 AstraZeneca: Thời gian tiêm mũi 2 sau 8 - 12 tuần tiêm mũi 1.

Vaccine Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 2 cách mũi 1 là 3 tuần.

Vaccine Moderna: Mũi 2 sau mũi 1 là 28 ngày (4 tuần).

Vaccine Comirnaty của hãng Pfizer: Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 3 đến 4 tuần.

Vaccine (Vero Cell), Inactivated: Mũi 2 cách mũi 1 cũng từ 3 đến 4 tuần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam hiện nay, việc tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 2 vừa giúp người được tiêm tránh khỏi nguy cơ nhập viện và tử vong, vừa tăng miễn dịch cho cộng đồng (Ảnh minh họa)

Phải làm gì nếu chậm tiêm mũi 2 vaccine Covid-19?

Thực tế cho thấy có nhiều người đã bị quá hạn tiêm mũi 2 một vài tháng so với khuyến cáo của các hãng sản xuất vaccine và WHO. Người dân cần phải làm gì nếu tình trạng khan hiếm vaccine COVID-19 tiếp tục diễn ra?

TS. Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho hay, những khuyến cáo về mốc thời gian (khoảng cách giữa hai mũi tiêm) mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine.

"Còn trong tình trạng thiếu vaccine như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine"- TS. Huyền khẳng định.

Theo Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hiện nay chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Việc tiêm vaccine chậm hơn so với khuyến cáo này đã từng xảy ra với nhiều loại vaccine khác ở trẻ nhỏ. Việc chậm trễ tiêm vaccine COVID-19 trong một khoảng thời gian nhất định, đến mũi tiêm sau vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả của vaccine.

"Trong bối cảnh nguồn cung vaccine COVID-19 không dồi dào, người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2. Khi được tiêm mũi 1 là bạn đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định", TS. Huyền chia sẻ.

Người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, nguy cơ khiến bệnh nặng, phải nhập viện (nếu nhiễm) giảm đi rất nhiều, lên tới 90%.

Tuy nhiên, TS. Đặng Thị Thanh Huyền cũng khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K sau khi tiêm vaccine COVID-19 bởi khả năng lây lan bệnh cho người khác sau tiêm vaccine vẫn tồn tại.

Hiện tại Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép cho 5 loại vaccine và đang tiến hành tiêm trên diện rộng trong đó ưu tiên số một cho TP. HCM nơi đang có diễn biến dịch phức tạp nhất, tiếp đến là Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước.

Trong ngày 23/8 Bộ Y tế tiếp nhận 501.600 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Astra Zeneca do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam.

Thông tin từ hệ thống tiêm chủng quốc gia cũng cho thấy, trong ngày 22/8 có 298.376 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 17.364.569 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.530.221 liều, tiêm mũi 2 là 1.834.348 liều.

(Nguồn: giadinhonline.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014