Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chọn phương pháp nào để điều trị tật khúc xạ?

Cập nhật: 12/9/2012 | 9:34:50 PM

Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới đến năm 2020, tỉ lệ người mắc tật khúc xạ chiếm 70% dân số toàn cầu, khoảng 5,3 tỷ người và Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh.

Tình trạng mắt bị tật khúc xạ có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền, xảy ra trong quá trình phát triển cơ thể hoặc do những yếu tố bên ngoài như cường độ ánh sáng, thời gian sử dụng mắt, khoảng cách đọc…

can thi Chọn phương pháp nào để điều trị tật khúc xạ?

Những thói quen tốt cho mắt

Tật khúc xạ gồm 3 loại: cận thị, viễn thị và loạn thị. Những dấu hiệu bị tật khúc xạ gồm: phải lại gần để nhìn; nhìn xa hay gần không rõ; hình ảnh biến dạng; nheo mắt khi nhìn; dụi mắt khi nhìn, mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ khi đọc sách, học tập; nghiêng đầu khi nhìn; lé mắt…

Để giảm nguy cơ mắt bị tật khúc xạ, chúng ta phải có ý thức giữ gìn đôi mắt. Khi làm việc, học tập, lao động trí óc cường độ cao thì mọi người cần chú ý những yếu tố sau đây để bảo vệ mắt:

- Nơi học tập, làm việc cần đủ ánh sáng và phải có sự phân bố và cường độ tốt, không gây lóa mắt. Ngoài chiếu sáng trong phòng, nên có một ngọn đèn bàn đặt phía bên tay trái (nếu thuận tay phải và ngược lại). Không đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều vì sẽ dẫn đến mỏi mắt.

- Kích thước của bàn, ghế phải phù hợp với chiều cao của từng người để có thể nhìn đúng khoảng cách từ mắt đến sách vở, không phải cúi đầu nhiều. Để giữ gìn đôi mắt, tư thế ngồi phải đúng: thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ; không cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, khoảng cách lý tưởng để đọc sách là khoảng 35 cm.

- Khi mắt bị mỏi, mệt do học tập, làm việc nhiều thì cách tốt nhất là cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt lại tự nhiên như ngủ khoảng vài phút, nhìn ra xa trên 5m, hoặc đi lại trong phòng hoặc ngắm cảnh qua cửa sổ để tránh cho mắt phải làm việc. Bạn tập thói quen như thế thường xuyên mắt sẽ khỏe hơn và bớt bị mỏi mệt.

- Khi đi tàu xe, máy bay không nên đọc sách vì chuyển động lắc lư gập ghềnh làm mắt phải thay đổi điều tiết liên tục dẫn đến mệt mỏi về thị giác. Bạn nên nhìn cảnh vật xung quanh để thư giãn thị giác.

- Vệ sinh mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý mỗi ngày.

- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa vitamin A như gan động vật, trứng gà, trứng vịt, các lại rau quả có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ… các loại rau có màu xanh lục.

Đặc biệt, đối với những người thường xuyên làm việc và sử dụng máy vi tính, cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

• Đặt màn hình máy tính với khoảng cách tốt nhất từ 50-65 cm, dưới tầm nhìn mắt 10-20 độ, không để màn hình quá cao hay quá thấp so với tầm mắt.

• Ánh sáng phòng làm việc và màn hình máy tính cũng phải thật hợp lý (ánh sáng màn hình không quá sáng hoặc quá tối so với ánh sáng phòng làm việc), tránh ánh sáng phản chiếu trực tiếp trên màn hình gây chói và nhòe chữ.

• Khi sử dụng máy tính, trung bình 30 phút nên cho mắt nghỉ ngơi 1 lần bằng cách ngưng không nhìn vào màn hình, không nhất thiết phải nhắm mắt hoàn toàn mà có thể chuyển sang công việc khác như đi lại, điện thoại, … miễn sao không cho mắt điều tiết. Ngoài ra, bạn có thể ngồi tại chỗ nhìn ra cửa sổ (nhìn ra xa hơn 5m).

• Nên chớp mắt thường xuyên và dùng thêm nước mắt nhân tạo (nếu cần) để bôi trơn và giữ độ ẩm cho mắt.

• Không nên thức quá khuya để làm việc với máy vi tính, vì mắt của chúng ta cần nghỉ ngơi sau 1 ngày làm việc.

• Buổi tối chỉ nên sử dụng máy tính tối đa 1-2 giờ và nên ngủ sớm, bạn có thể thức sớm để làm nốt những công việc còn tồn đọng, mà không sợ ảnh hưởng tới “sức khỏe” của mắt.

7025 van phong2 Chọn phương pháp nào để điều trị tật khúc xạ?

Những người thường xuyên làm việc và sử dụng máy vi tính rất dễ mắc các bệnh về mắt

Chọn phương pháp nào để điều trị tật khúc xạ cho phù hợp?

Có 3 phương pháp điều trị tật khúc xạ cho mắt đó là sử dụng kính gọng, sử dụng kính sát tròng và phẫu thuật mắt.

1. Sử dụng kính gọng: Đây là phương pháp phổ biến mà các bệnh nhân bị tật khúc xạ sử dụng. Nó khá an toàn và dễ dàng trong việc sử dụng nhưng kính gọng lại có nhược điểm là bị giới hạn thị trường (vùng nhìn thấy) do gọng kính, không thể đeo được khi bất đồng khúc xạ (chênh lệch độ giữa hai mắt) quá nặng…

Người bị tật khúc xạ nên chọn tròng kính làm bằng polycarbonate hoặc một vật liệu được gọi là Trivex, bởi vì những vật liệu này chịu va đập tốt. Ngoài tính năng an toàn, vật liệu này cũng nhẹ hơn so với các loại tròng nhựa khác, một điều có lợi cho những người bị nặng độ. Polycarbonate và Trivex có sẵn tính năng ngăn tia cựa tím, được bọc lớp chống trầy trong quá trình chế tạo. Tuy nhiên, giá tròng Polycarbonate và Trivex cao hơn so với tròng nhựa phủ lớp chống tia cực tím và chống trầy xước.

Đeo kính phải đúng độ của mắt. Đeo kính ít hơn độ của mắt sẽ làm cho người bệnh nhìn không rõ, không thoải mái, hoặc có thể gây nhược thị (Nhược thị có nghĩa là dù cho người bệnh sau này được điều chỉnh và đeo kính đúng với độ của mắt thì vẫn nhìn không rõ, thị lực đạt dưới 7/10). Đeo kính cao hơn độ của mắt (thường gặp trong trường hợp cận thị) có thể gây nhức mỏi mắt hoặc rối loạn điều tiết (nhức đầu, nhức mắt, chóng mặt…).

Ngoài ra, có nhiều bạn hiện nay băn khoăn không biết đeo kính như thế nào mới là tốt cho mắt, liên tục hay khi nào cần thiết thì mới đeo kính. Về vấn đề này, theo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa, đeo kính thường xuyên hay không thường xuyên không ảnh hưởng đến việc mắt tăng độ. Tùy theo mắt bị tật khúc xạ nhẹ hay nặng, tầm nhìn của thị lực tốt hay không tốt mà ta lựa chọn cách thích hợp:

• Đối với mắt bị tật khúc xạ nhẹ, thị lực tốt thì chỉ nên đeo kính khi cần thiết (đọc sách, học bài, lái xe, xem tivi…); còn những lúc không cần thiết như nghỉ ngơi, ăn cơm, sinh hoạt cá nhân,… thì không cần đeo để mắt thoải mái, được nghỉ ngơi.

• Đối với mắt bị tật khúc xạ nặng phải đeo kính thường xuyên vì nếu không đeo kính thì mắt phải làm việc nhiều dẫn đến mỏi mắt, nhức mắt, tầm nhìn hạn chế; như vậy sẽ làm mắt yếu đi.

2. Đeo kính sát tròng: Phương pháp này cũng tương tự như việc đeo kính gọng, chỉ có khác là mắt kính được đeo áp sát vào giác mạc. Kính sát tròng giúp cho người bị tật khúc xạ nhìn hình ảnh trung thực hơn, mang tính thẩm mỹ cao, thuận tiện trong các hoạt động thể thao hoặc nghệ thuật.

Tuy nhiên, loại kính này có một số nhược điểm như khá đắt, phải thay sau một thời gian sử dụng (tùy loại: 1 năm, 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng, 2 tuần, 1 ngày), phải tháo ra ngâm rửa hàng ngày. Nếu sử dụng kính với các thông số không phù hợp, tháo lắp kính, bảo quản không đúng cách, điều kiện vệ sinh, môi trường sống xung quanh không bảo đảm, nó có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, xâm nhập tân mạch vào giác mạc. Đặc biệt, những người mắt nhạy cảm, hay bị dị ứng không nên sử dụng kính sát tròng. Tốt nhất, trước khi chọn đeo loại kính này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Người bị tật khúc xạ nên khám, đo mắt ở bệnh viện để có được kết quả chính xác. Khi đã có đơn kính của bác sĩ chuyên khoa thì bạn có thể cắt kính tại bệnh viện hoặc ra tiệm kính có uy tín cắt theo toa. Sau khi cắt kính theo đơn, bạn có thể quay lại bệnh viện để kiểm tra lại độ kính xem có đúng với toa kính không. Cần lưu ý, trẻ em có tật khúc xạ dưới 0,75 điốp chưa cần đeo kính vì mắt trẻ có thể tự điều chỉnh được…

3. Phẫu thuật mắt: Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và y học hiện đại, đã có nhiều phương pháp phẫu thuật được áp dụng để điều trị tật khúc xạ như: PRK, Lasek, Lasik, EpiLASIK…

 Chọn phương pháp nào để điều trị tật khúc xạ?

Người được phẫu thuật phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Ổn định tật khúc xạ ít nhất trong vòng 6-12 tháng, không bị các bệnh về mắt, không có bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến phẫu thuật. Phẫu thuật không áp dụng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú…

Lợi điểm của các phương pháp phẫu thuật này là mức độ an toàn cao, thời gian phẫu thuật nhanh (chỉ trong khoảng 15 phút), ít hoặc không gây đau, không chảy máu và bệnh nhân có thể cảm nhận được hiệu quả sau vài giờ phẫu thuật. Tuy nhiên, sau phẫu thuật bạn vẫn có thể bị tái mắc các tật khúc xạ nếu không giữ gìn và chăm sóc mắt kỹ. Sau khi khám tiền phẫu, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về tỉ lệ tái mắc cận thị tùy theo điều kiện sức khoẻ mắt. Hiện nay, tỉ lệ biến chứng trong phẫu thuật mắt là rất thấp, nhưng không phải là không có. Điều đó phụ thuộc phần lớn vào tay nghề bác sĩ phẫu thuật và việc bệnh nhân chăm sóc mắt sau phẫu thuật.

Ở TP.HCM, bệnh nhân nên tìm đến các bệnh viện có uy tín và tin cậy như bệnh viện Mắt TP.HCM, bệnh viện Mắt Sài Gòn, khoa Mắt quốc tế bệnh viện An Sinh, bệnh viện Mắt Cao Thắng… Ở Hà Nội, bệnh nhân nên khám và phẫu thuật mắt tại bệnh viện Mắt Trung Ương, bệnh viện Mắt Quốc Tế-DND… Tại đây, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tư vấn có nên mổ hay không? Những điều kiện nào thì được mổ? Giữ gìn mắt sau khi mổ…

Phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm của nó, bệnh nhân tùy thuộc vào tật khúc xạ, nghề nghiệp, lối sống của mình mà lựa chọn phương pháp thích hợp.

(Nguồn: bacsytructuyen.com)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014