Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cách bổ sung vitamin cho người cao tuổi

Cập nhật: 3/5/2014 | 11:51:53 AM

Vitamin chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống con người. Nó bảo đảm cho các phản ứng sinh hóa giúp cho quá trình chuyển hóa các chất, trong đó các quá trình phản ứng men rất hệ trọng, mà các quá trình đó vốn đã giảm sút theo tuổi tác. Bởi vậy, với người già, việc quan tâm cung cấp đầy đủ vitamin là rất cần thiết.

Người cao tuổi nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin
Người cao tuổi nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin

Vì sao người cao tuổi dễ bị thiếu vitamin?

Hầu như tất cả chúng ta đều bị thiếu hụt một hay nhiều loại vitamin, đặc biệt với lứa tuổi “quá trưa sang chiều” là dễ bị thiếu vitamin hơn cả. Đó là do đặc trưng của tuổi già: khả năng bài tiết dịch vị giảm, đặc biệt giảm HCl làm trở ngại cho các hoạt động của các vi khuẩn lên men ở ruột, giảm khả năng tổng hợp một số vitamin của chúng, do đó gây cho cơ thể người cao tuổi thiếu một số vitamin. Mặt khác, đối với người cao tuổi nhu cầu về nhiều loại vitamin đều tăng lên. Các vitamin có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa những suy nhược cơ thể, ngăn ngừa sự lão hóa... Nhiều nhà khoa học đã tổng kết những số liệu nghiên cứu cho thấy sự thấm vitamin qua màng ruột người cao tuổi giảm sút, sự hấp thu và chuyển hóa vitamin bị biến đổi nặng. Nếu có bệnh lý dạ dày - ruột, sự hấp thu vitamin càng kém hơn nữa.

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ teo dạ dày ở người cao tuổi rất cao, sự kém tiết dịch dạ dày và ruột sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu thức ăn, các chất khoáng và vitamin. Người cao tuổi còn hay mắc nhiều bệnh mạn tính cũng làm tăng nhu cầu vitamin hơn so với lúc trẻ.

Ngoài ra, cũng cần phải nói đến nhiều người cao tuổi ít được chăm sóc về ăn uống, ăn những thức ăn không chứa đầy đủ vitamin.

Vai trò của vitamin trong cơ thể

Phần lớn các vitamin hoạt động như một phức hợp hoạt hóa men, tham gia vào quá trình biến đổi dự trữ năng lượng trong cơ thể. Một số khác ảnh hưởng tới quá trình ôxy hóa. Nhiều loại có tác dụng cấu tạo nên hormon tham gia vào quá trình tăng trưởng và khoáng hóa xương, hoạt động nhân lên của tế bào, tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể, tổng hợp các chất trung gian của hệ thần kinh, đào thải, trung hòa các chất độc, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.

Nhiều công trình điều tra dịch tễ học trên quy mô lớn đã cho thấy ảnh hưởng của nhiều loại vitamin đối với bệnh tật người cao tuổi. Thiếu nhiều vitamin thường làm cho người già có một số triệu chứng dễ mệt, ăn kém ngon, người gầy, bụng đầy có nhiều hơi, hay ợ hơi, đau vùng thượng vị, đau vùng trước tim, giấc ngủ không sâu, giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đầu, người xanh xao, đau lưng, mỏi khớp, khả năng làm việc giảm, sức đề kháng với bệnh tật kém, mắt mờ, tai nghe kém, sinh dục suy yếu... Từ giảm sút hàm lượng vitamin của cơ thể tất yếu đưa đến rối loạn chuyển hóa các chất dễ dẫn tới bệnh này tật khác. So với người trẻ, ở người cao tuổi hàm lượng vitamin A giảm sút có chừng mực, nhưng vitamin nhóm B và C giảm sút rất nhiều.

Cần bổ sung thế nào?

Hiện nay, việc bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi bằng các vitamin rất được coi trọng. Xu hướng là phối hợp nhiều loại vitamin khác nhau dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng để đáp ứng nhu cầu vitamin của cơ thể. Với người cao tuổi ăn uống kém nên chú ý bổ sung thường xuyên chế phẩm polyvitamin, có kèm theo một số nguyên tố khoáng đa lượng và vi lượng (selen, Mn, Cu, Zn, S, Br...). Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở những người độ tuổi trung bình 48 - 78 tuổi thì sau 4 - 10 tuần bổ sung vitamin và chất khoáng có cải thiện rõ rệt về sức khỏe như: giảm được mệt mỏi, tập trung tư tưởng tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, dễ ngủ và thời gian ngủ kéo dài hơn.

Cách bổ sung vitamin cho người cao tuổi

Những người cao tuổi mạnh khỏe ăn uống được thì nên bổ sung vitamin bằng cách ăn nhiều những thực phẩm giàu vitamin. Trong thực tế nên có một cách ăn nhiều thức ăn tươi hỗn hợp, nếu có điều kiện thì nên tìm ăn những thức ăn giàu vitamin này hay vitamin khác. Thí dụ, vitamin E có nhiều trong mầm giá đỗ, hành, rau xà lách, trứng, dầu thực vật... Vitamin A có nhiều ở mỡ cá, gan gia súc gia cầm; và carotene(tiền chất vitamin A) có nhiều trong gấc, cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ, xoài... Vitamin B1 có nhiều trong men bia, thịt (gà, bò, lợn...), lớp ngoài của hạt gạo (cám). Còn vitamin C thì có nhiều trong rau quả tươi. Người cao tuổi ăn nhiều rau quả tươi rất tốt, nó có tác dụng chống xơ mỡ động mạch, chống táo bón, điều hòa tiêu hóa, tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng.

Đối với những người cao tuổi bệnh nặng kéo dài, sức khỏe quá suy giảm, cần bổ sung những vitamin nào với liều lượng nào, uống trong bao lâu... thì cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định. 

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014