4 thói quen tai hại khiến trẻ dễ mắc bệnh khi đi học
Cập nhật: 10/9/2014 | 4:36:11 PM
Có những thói quen hàng ngày của trẻ, cha mẹ nghĩ là bình thường nhưng sự thật lại không hề tốt cho sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ, thậm chí còn khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh.
Thời gian đầu năm học cũng là thời điểm trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh như bệnh hô hấp, tiêu hóa, tiêu chảy, đau mắt đỏ... Ngoài nguyên do thay đổi thời tiết, không khí ẩm làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi, trẻ có thể mắc bệnh do chính những thói quen hàng ngày của trẻ mà cha mẹ vô tình bỏ qua.
Để giúp con luôn khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, đảm bảo sức khỏe cho việc học tập, cha mẹ cần lưu ý và hướng dẫn con tránh những thói quen sau đây nhé!
Mút tay, ngoáy mũi, cắn móng tay, dụi mắt...
Cả ba hành vi này đều rất thường gặp ở trẻ, đặc biệt là những trẻ nhút nhát, mới đi học hoặc khi trẻ không hiểu bài, gặp khó khăn trong học tập... Đôi tay trẻ rất dễ nhiễm bẩn do trẻ thường xuyên tiếp xúc với mọi vật mà không có ý thức phải giữ vệ sinh. Thông qua những hành động như mút tay, ngoáy mũi, cắn móng tay, các loại vi khuẩn trên tay trẻ sẽ xâm nhập vào hệ thống cơ thể nhanh chóng, làm gia tăng tình trạng nhiễm rất nhiều vi trùng, virus, trứng giun sán… Trong khi đó, đường ruột của trẻ còn yếu nên trẻ dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá.
Bên cạnh đó, hành động dụi mắt của trẻ cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc các bệnh đau mắt, kể cả đau mắt đỏ.
Ăn nhiều đồ ăn vặt
Chuyện ăn uống ở trường của trẻ là việc mà cha mẹ rất khó kiểm soát, đặc biệt là thói quen ăn vặt, ăn đồ ăn bán ở hàng quán vỉa hè... Rất nhiều hàng quán bán đồ ăn vặt cho trẻ không đảm bảo vệ sinh, nếu trẻ ăn nhiều sẽ tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc mắc các bệnh về tiêu hóa.
Bốc thức ăn
Tương tự như mút tay hay cắn móng tay, bốc thức ăn là một con đường đưa vi khuẩn vào cơ thể nhanh nhất. Khi ăn uống không có sự giám sát của bố mẹ (lúc ở nhà) hoặc khi thầy cô giáo không để ý (lúc ở trường), trẻ sẽ thường xuyên thực hiện hành vi này vì cho rằng như thế "tiện và nhanh hơn". Bốc thức ăn kết hợp với lười rửa tay sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp... cao hơn rất nhiều.
Lười rửa tay
Khi đi học, trẻ tiếp xúc nhiều với phấn, bảng, giẻ lau... nhưng không phải trẻ nào cũng có thói quen rửa tay ở trường nên khả năng trẻ mắc bệnh do lây nhiễm virus, vi khuẩn từ tay qua miệng vào cơ thể là rất cao. Do đó, trẻ đi học có nhiều nguy cơ mắc các bệnh phổ biến như viêm đường hô hấp cấp, bệnh cúm, bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus…
Cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ trong năm học mới:
Chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng, ngủ nghỉ của trẻ là điều mà cha mẹ nào cũng cần thực hiện triệt để nhằm đảm bảo cho trẻ đủ sức khỏe cho quá trình học tập. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh từ bên ngoài vào cơ thể thông qua tiếp xúc tay miệng, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh khi ở nhà cũng như ở trường.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém trong việc phòng ngừa bệnh cho trẻ. Cha mẹ nên "đào tạo" cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn vào các thời điểm quan trọng như là trước khi ăn, sau khi ăn và khi đi vệ sinh... Nếu ở trường không có xà phòng diệt khuẩn, trẻ cũng nên có thói quen rửa tay với nước sạch để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách theo 6 bước sau đây nhé!
Rửa tay đúng cách theo 6 bước để phòng bệnh đúng cách
Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
(Nguồn: afamily.vn)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu. Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Bảo dưỡng máy Sắc ký lỏng khối phổ (LCMS) (22/11/2024)
- Biện pháp trị sổ mũi cho trẻ tại nhà (9/9/2014)
- Lưu ý “vàng” cho cha mẹ bảo vệ con khi vào năm học mới (5/9/2014)
- Một số thuốc dùng ngoài da gây ngộ độc cho trẻ (4/9/2014)
- Cảnh báo 6 chứng bệnh trẻ thường mắc khi giao mùa hè thu (22/8/2014)
- Những khuyến cáo khi cho trẻ sơ sinh dùng kháng sinh sớm (20/8/2014)
- Tăng đề kháng cho trẻ trước khi đi học (12/8/2014)
- Xử trí cấp cứu trẻ bị co giật tại nhà (11/8/2014)
- Cách vệ sinh vùng kín cho con (6/8/2014)
- Để trẻ không bị tai nạn do... thuốc (4/8/2014)
- Những hóa chất đang “ngấm ngầm” hại bé, bạn có biết? (30/7/2014)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều