Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chuyên gia tư vấn cách hạ sốt cho trẻ hiệu quả

Cập nhật: 10/3/2016 | 3:09:32 PM

Trên mạng xã hội đang “sốt” vì một “mẹo” hạ sốt cho con có vẻ lạ đời: quấn con lươn sống vào đứa bé. Nhiều ý kiến xôn xao, thắc mắc về cách chữa bệnh có vẻ “chưa từng có trong y văn” này, thậm chí có ý kiến cho rằng đây là biện pháp vô cùng nguy hiểm cho trẻ.

TS.BS Trần Bá Thoại, rất nhiều năm làm việc khoa Hồi sức Nhi (PICU), cho ý kiến về cách hạ sốt này qua bài viết sau.

Những điều cần biết về sốt

Trẻ được gọi là sốt khi nhiệt độ cơ thể cao quá 37o5 C. Sốt thường là một phản ứng có lợi: giúp cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh như vi trùng, ký sinh trùng, siêu vi trùng ...

Tuy nhiên, nếu sốt cao quá trẻ có thể co giật (làm kinh), rối loạn hô hấp, rối loạn nước điện giải. Do đó, chúng ta chỉ nên tìm cách hạ sốt cho trẻ khi sốt quá cao, nhiệt kế đo từ 39oC trở lên.

Hạ sốt chỉ là điều trị triệu chứng. Phải đưa trẻ bị sốt đi khám bệnh để tìm ra bệnh chính gây nên cơn sốt.

Có nhiều cách lấy nhiệt (kẹp nhiệt) cho bé. Chính xác nhất là lấy nhiệt ở hậu môn. Nếu lấy kẹp nách hoặc ngậm miệng, phải thêm 0,5 (nửa) độ. Nhớ vẩy ống nhiệt độ cột thủy ngân xuống trước khi kẹp.

Những cách hạ sốt cho trẻ

Trong y khoa, người ta dựa vào 4 nguyên tắc hạ nhiệt vật lý để hạ sốt cho bệnh nhân đó là: (1) dẫn truyền nhiệt, (2) bức xạ nhiệt, (3) đối lưu và (4) nhiệt bay hơi. Cụ thể, khi trẻ bị sốt chúng ta cần:

1. Cho trẻ mặc thật thoáng, mỏng. Tốt nhất là không nên mặc áo quần.

2. Nằm nơi thoáng mát, nếu có điều kiện cho nằm phòng lạnh.

3. Quạt mát, lau mát cho trẻ bằng nước lã thông thường.

4. Nếu thân nhiệt vẫn cao ta mới dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn.

Những điều lưu ý

Không dùng nước đá để chườm vì nước đá sẽ làm co mạch nên khó thải nhiệt (nóng) ra ngoài và nước đá có thể làm tê cóng trẻ, nhất là trẻ càng nhỏ. Nước tốt nhất cho trẻ là nước lã hơi “ấm ấm” để da trẻ dễ thích nghi hơn.

Các miếng dán hạ sốt thị trường có thành phần chính là hydrogel. Đây là các polymer dạng chuỗi, không tan trong nước mà có “ngậm” một lượng nước và có tác dụng hạ sốt theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài. Tuy nhiên, cần lưu ý cho đến nay, chưa thấy một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh miếng dán hạ sốt có thể thay được thuốc trong điều trị sốt ở trẻ em.

Tuyệt đối không bắt trẻ bị sốt phải kiêng ăn. Bản thân sốt đã tiêu hao năng lượng (thức ăn), nếu lại thiếu ăn chắc chắn trẻ sẽ suy kiệt nhanh hơn nữa và làm khả năng chống bệnh cũng suy giảm.

Đôi điều bàn luận

* Việc dùng con lươn lăn trên cơ thể thật ra là áp dụng sự dẫn truyền nhiệt đơn thuần, cũng như ta dùng cái khăn thấm nước lau mát. Với nguyên lý này ta có thể dùng con cá, miếng thịt lạnh cũng xong..

* Ngoài việc khó có sẵn, con lươn sống cũng bẩn và có thể gây sợ hãi cũng như dị ứng da cho trẻ em.

Theo tôi, có quá nhiều cách hạ sốt, đơn giản nhất là lấy khăn thấm nước lau. Việc phải kiếm ra con lươn sống để hạ sốt là không cần thiết.

(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014