Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cảnh giác với sự trở lại của cúm A/H5N1

Cập nhật: 7/8/2012 | 11:41:22 AM

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2012, cúm A/H5N1 ở Việt Nam tuy chưa ở mức báo động nhưng nguy cơ xảy ra và bùng phát là rất lớn. Thực tế cho thấy, chỉ trong tháng 2 và tháng 3 đầu năm nay đã có 4 bệnh nhân cúm A/H5N1, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Gần đây nhất, tại huyện An Lão, Hải Phòng đã xuất hiện cúm gia cầm khiến 3.110 con vịt mắc bệnh.

Đây là một dấu hiệu cảnh báo không thể chủ quan, lơ là với cúm gia cầm, đặc biệt khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có cảnh báo cúm gia cầm có thể lây truyền từ người sang người. Báo Sức khỏe & Đời sống giới thiệu bài viết về bệnh cúm A/H5N1 để bạn đọc có thêm thông tin cũng như có những hành động cụ thể bảo vệ bản thân và gia đình, góp phần ngăn chặn bệnh bùng phát.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do loại virut cúm gây ra. Virut cúm có 3 týp là A, B và C. Virut dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ thường nhưng nó có khả năng sống rất lâu ở nhiệt độ thấp.
 Virut cúm A/H5N1.

Đặc điểm của bệnh cúm và virut gây bệnh cúm

 

Trong dòng các virut cúm, H5N1 là loại có hoạt động lây nhiễm lớn nhất do khi đã xâm nhập vào tế bào nó sẽ nhận biết được acid sialic alpha 2 và 3, hoạt chất có trên bề mặt tất cả các tế bào trong cơ thể gia cầm. Đây có thể xem là tính chất đặc trưng của virut cúm H5N1 vì nhiều loại virut cúm týp A khác không có tính chất này nên chỉ có thể lây lan và tác động trực tiếp trong phổi.
 
Nhờ H5 và N1 phối hợp với nhau, virut có thể tự do di chuyển trong tất cả các mô của gia cầm, từ đó phá hủy hầu hết các cơ quan nội tạng của gia cầm như hệ hô hấp, tiêu hóa... làm con vật bị chết. Khác với các chủng loại gây bệnh cúm gia cầm thường gặp trước đây chỉ ảnh hưởng đến đàn gia cầm nuôi, hiện nay nó có thể truyền sang người gây nên bệnh nghiêm trọng và có thể tử vong.

WHO cảnh báo nguy cơ cúm A/H5N1 có thể lây truyền từ người sang người

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, tại 2 phòng xét nghiệm ở Hà Lan và Nhật Bản (Wisconsin/Tokyo) đã thực hiện thành công nghiên cứu thực nghiệm cho thấy virut cúm A/H5N1 có thể biến đổi trở thành chủng dễ dàng lây truyền ở các loài động vật có vú. Kết quả nghiên cứu này đã cảnh báo nguy cơ chủng virut cúm A/H5N1 có thể biến đổi, dễ dàng lây truyền từ người sang người.

      L.B.Y

Cách thức lây truyền bệnh cúm gia cầm và cúm A/H5N1 ở người

Các virut cúm nói chung có khả năng đột biến nhanh chóng, biến động nhảy từ giống động vật này sang giống động vật khác và có khả năng lây nhiễm sang người. Người bị lây nhiễm virut bắt nguồn từ gà có khả năng lan truyền virut sang cho người khác nhưng phần nhiều ở thể bệnh nhẹ hơn là thể bệnh lây nhiễm trực tiếp từ gà bệnh. Trong trường hợp virut đột biến và phối hợp với một virut cúm người, nó sẽ có khả năng lây truyền từ người sang người giống như cách thức lây lan bệnh cúm thông thường.

Triệu chứng của bệnh cúm gia cầm và cúm A/H5N1 ở người

Trong bệnh cúm A/H5N1 ở người, virut cúm gia cầm H5N1 khi tấn công vào người, nó xâm nhập vào tế bào chủ rồi nhanh chóng tự nhân bản ra khắp nơi trên cơ thể bệnh nhân. Hệ miễn dịch của người bệnh bị yếu dần và cuối cùng không còn khả năng chống đỡ với các bệnh lây nhiễm khác. Những người bị nhiễm thường không có triệu chứng nghiêm trọng trong vòng từ 5 - 7 ngày kể từ lúc bị nhiễm.
 
Khi bệnh nặng, bệnh nhân sốt cao, sốt liên tục trên 38oC kèm rét run, đau đầu, đau mỏi các cơ khớp, ho khan, khó thở rồi chuyển sang mắc bệnh viêm phổi, suy hô hấp, viêm gan, viêm tủy xương, viêm các phủ tạng khác và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Biện pháp điều trị và phòng bệnh

Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, loại thuốc tamiflu có tác dụng ức chế protein neuraminidases của cả virut cúm A và B, nhất là virut cúm A với tác dụng ngăn chặn sự nhân bản của chúng. Tamiflu có thể được sử dụng để phòng cúm týp A và B cho người từ 13 tuổi trở lên nếu thuốc được uống trước khi tiếp xúc với virut ở những người bị bệnh. Tamiflu cũng tỏ ra có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hậu phơi nhiễm cúm. Tamiflu không phải là một loại vắc-xin mà chỉ là một loại thuốc, nó có tác dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng của bệnh cúm.

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất là loại trừ virut H5N1 trong đàn gia cầm hay súc vật khác để tránh sự lây truyền bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Để khống chế không cho dịch bệnh lan rộng thêm cũng như để giảm bớt cơ hội virut truyền sang cho người, WHO khuyến cáo nên tiêu hủy hết các đàn gà, vịt nhiễm virut hay chỉ bị phơi nhiễm virut.
 
Theo quy định của Tổ chức Sức khỏe vật nuôi Thế giới (OIE), khi một cơ sở có dịch cúm gia cầm thì toàn bộ gia cầm phải hủy bỏ, không điều trị vì tất cả các loại thuốc kháng sinh, chống nấm, hóa chất hiện có đều không diệt được virut cúm gia cầm trong cơ thể gia cầm bị bệnh. Hơn nữa virut có khả năng lây lan rất nhanh và khá nguy hiểm, có thể lây nhiễm và gây bệnh cho tất cả các loại gia cầm, nhiều loại chim trời, một số loài thú kể cả khả năng lây nhiễm sang cho con người.
 
Vì vậy khi có dịch cúm gia cầm, phải tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm ở trong ổ dịch, tiêu độc triệt để, diệt mầm bệnh, ngăn không cho dịch phát triển, tạo điều kiện, cơ hội để virut truyền sang người và gây bệnh cúm A/H5N1 ở người. Hiện nay, ngoài biện pháp tăng cường vệ sinh dịch tễ, chưa có biện pháp nào khả thi để ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm gia cầm khi nó đã có khả năng truyền bệnh từ người sang người.
 Cán bộ thú y tiêm vắc-xin cho gia cầm để phòng bệnh.

Khuyến cáo phòng ngừa

cúm A/H5N1

Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lưu ý, tại nhiều tỉnh miền Bắc, virut cúm gia cầm đã biến đổi, hiệu quả bảo hộ của vắc-xin rất thấp, trong khi thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh phát triển; virut cúm A/H5N1 đang phát tán rộng rãi ngoài môi trường, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc chưa được tiêm phòng nên nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng là rất cao.          

Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế khuyến cáo, người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau để phòng ngừa cúm A/H5N1:

1. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

2. Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.       

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

TS. Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Ngành y tế luôn chủ động, tích cực phòng chống cúm gia cầm ở người

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS ngày 6/8, TS. Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, không chỉ khi có công điện khẩn của Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch cúm gia cầm, ngành y tế mới triển khai công tác phòng, chống dịch mà trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch cúm gia cầm lây lan sang người nói riêng luôn được ngành y tế quan tâm triển khai bằng nhiều giải pháp.
 
Về phía Cục Y tế dự phòng, Cục đã thường xuyên yêu cầu, nhắc nhở Sở Y tế các tỉnh tăng cường giám sát dịch tễ tại các khu vực có ổ dịch cũ, đặc biệt là ổ dịch cúm để chẩn đoán phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế số mắc và tử vong… Đối với các địa phương có cửa khẩu biên giới, cần tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh đến từ vùng dịch, vùng có ổ dịch cũ, phối hợp cách ly điều trị không để dịch lây lan, xâm nhập vào Việt Nam. Kiểm tra chặt chẽ, giám sát gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ TW tăng cường triển khai các hoạt động giám sát cúm trọng điểm quốc gia, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sự lưu hành và biến đổi của virut cúm A/H5N1 trên gia cầm, trên người để chủ động phòng chống.

TS. Nguyễn Văn Bình cũng khuyến cáo người dân phải thông báo ngay cho chính quyền trong trường hợp phát hiện gia cầm bị ốm, chết. Hạn chế tiếp xúc và tuyệt đối không ăn thịt gia cầm bị bệnh để tránh lây nhiễm cúm. Ngoài ra, không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, vệ sinh môi trường. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014