Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Đổ xô mang con đi khám tay chân miệng

Cập nhật: 28/9/2011 | 11:07:28 AM

Nhiều trẻ chỉ bị nốt muỗi đốt trên tay, nhiều trẻ không hề có nốt đỏ, vẫn khỏe mạnh nhưng bố mẹ cứ nằng nặc đòi bác sĩ ngoáy họng lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm tay chân miệng

Mấy ngày nay, số trẻ nhỏ đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám tăng đột biến, trong đó nhiều trường hợp yêu cầu xét nghiệm tìm virus tay chân miệng. 

Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trước đây, vào những ngày cuối tuần, chỉ khoảng 900 - 1.000 bệnh nhi đến khám. Nay sau khi có thông tin một bệnh nhi ở Hà Nội tử vong vì tay chân miệng (TCM), con số khám vượt lên trên 1.500 bệnh nhân. Tuy nhiên, số lượng trẻ bị TCM chiếm rất ít.

Không bệnh cũng… đi khám

“Nhiều trẻ chỉ bị nốt muỗi đốt trên cánh tay, thậm chí nhiều trẻ không có nốt đỏ, vẫn chạy nhảy chơi đùa, ăn uống tốt bố mẹ cũng đưa trẻ đi khám và nằng nặc đòi BS phải ngoáy họng lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm tìm virus gây bệnh TCM”, tiến sĩ Điển nói.

Theo ông Điển, nhiều bậc phụ huynh đang hoang mang thái quá dẫn tới những hành vi phòng bệnh sai lầm.  Bởi việc cha mẹ nhất quyết đòi cho trẻ nhập viện hoặc đưa trẻ đi khám khi trẻ không có dấu hiệu mắc bệnh vừa mất thời gian, tiền bạc còn khiến trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh khi đến nơi đông đúc. 

Trẻ mắc TCM đang điều trị tại BV Nhi TƯ. Ảnh: Dương Ngọc.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên lơ là chủ quan, vì dự báo bệnh TCM còn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, với trường hợp mắc chủng virus EV71, bệnh diễn biến nhanh, tiên lượng khó lường. Hiện tại, ở Bệnh viện Nhi Trung ương có 9 trường hợp mắc TCM đang điều trị, trong đó có ba ca nặng, mắc bệnh ở độ 2a, 2b. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhi mới hơn một tuổi, mắc TCM do virus EV71 đã có biến chứng viêm não, suy thở và có dấu hiệu hôn mê. Đến sáng 27/9, bé đã được rút nội khí quản, khóc được và dần tỉnh lại, tuy nhiên vẫn phải nằm theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. 

“Điều quan trọng lúc này cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo và nhận biết các dấu hiệu khi nào cần cho trẻ đi khám”, tiến sĩ Điển nói.

Các dấu hiệu mắc bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ có một hoặc một vài triệu chứng sau, cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay tại bệnh viện: trẻ sốt cao liên tục trong vòng 48 – 72 giờ mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt; có xuất hiện cơn giật mình, nhất là từ hai cơn trở lên trong vòng 30 phút; nôn ói liên tục, tinh thần bất ổn, tri giác lơ mơ.

Theo tiến sĩ Điển, cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa sốt virus và sốt do mắc TCM để tránh hoảng loạn hoặc chẩn đoán nhầm. Sốt virus hay gặp ở trẻ ngoài 6 tháng tuổi, thường sốt cao từ 38 đến 39 độ C, liên tục trong 24 – 48 giờ, có trẻ kéo dài đến 72 giờ, tuy nhiên trẻ hoàn toàn tỉnh táo, chơi được. Đặc biệt, trẻ bị sốt virus không có dấu hiệu nhiễm trùng cơ thể, đặc biệt ở họng, miệng, hậu môn. Sau khi hết sốt, trẻ mới mọc một vài ban đỏ nhưng ban mỏng, lác đác ở nhiều bộ phận trên cơ thể. 

Còn trẻ bị TCM sốt cao hơn, thường từ 38 đến 41 độ C, người nóng, đầu nóng nhưng bàn chân, bàn tay lại lạnh, tim đập nhanh. Các nốt phỏng đỏ thường nổi luôn trong khi trẻ sốt và tập trung ở tại miệng, bàn chân, bàn tay của trẻ. Có trường hợp trẻ không nổi ban hoặc chỉ nổi ban khi bệnh đã tiến triển nặng là do mắc bệnh ở thể không điển hình và thường hiếm gặp. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần theo dõi để nhận biết các dấu hiệu cho chuẩn xác. 

Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng nhất là luôn phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, 2 - 3 tiếng lại rửa tay một lần cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước. Không nên rửa tay trẻ vào chậu vì có thể mầm bệnh bám lại và lây lan.

Ngày 27/9, chỉ có 64/400 trẻ Trường mẫu giáo số 5, Ngọc Hà, Hà Nội– nơi có bệnh nhi tử vong vì TCM vào ngày 20/9 đi học. Bà Đỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo số 5 cho hay, trường không ghi nhận thêm trường hợp mắc TCM, nhưng phụ huynh học sinh vẫn còn hoang mang lo lắng nên không đưa trẻ đến lớp.

Cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định xác nhận, thêm một trường hợp tử vong với các triệu chứng lâm sàng tương đối điển hình của bệnh tay chân miệng. Bệnh nhi tử vong tên Hồ Văn N. (27 tháng tuổi, ngụ ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát), phát bệnh từ ngày 18/9, nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phù Cát ngày 20.9, đến ngày 21.9 chuyển viện vào Bệnh viện đa khoa Bình Định và tử vong sau đó một ngày. Đây là trường hợp bệnh nhi thứ hai tử vong với các triệu chứng lâm sàng tương đối điển hình của bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay trên địa bàn Bình Định.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận gần 400 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu là trẻ em. (N.Phúc)

(Nguồn: datviet.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014