Giới khoa học cảnh báo mối đe dọa ở châu Á từ muỗi siêu kháng thuốc
Cập nhật: 11/1/2023 | 4:47:58 PM
Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra một loạt đột biến khiến một số loài muỗi ở châu Á hầu như "miễn dịch" đối với các hóa chất diệt muỗi phổ biến nhóm pyrethroid như permethrin.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Guardian)
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật Bản cảnh báo muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại virus khác đang ngày càng phát triển khả năng kháng thuốc diệt muỗi ở các khu vực của châu Á và do vậy, rất cần những phương pháp mới để kiểm soát loài này.
Các cơ quan y tế thường phun thuốc diệt muỗi tại các khu vực có muỗi và tình trạng kháng thuốc ở loài này từ lâu đã trở thành mối quan ngại. Tuy nhiên, quy mô của vấn đề vẫn chưa được hiểu rõ.
Nhà khoa học Shinji Kasai, Giám đốc Khoa Côn trùng học Y học tại Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản và nhóm của ông đã kiểm tra muỗi từ một số quốc gia ở châu Á cũng như Ghana và phát hiện ra một loạt đột biến khiến một số loài muỗi hầu như "miễn dịch" đối với các hóa chất diệt muỗi phổ biến nhóm pyrethroid như permethrin.
Ông Kasai cho biết ở Campuchia, hơn 90% muỗi Aedes aegypti có sự kết hợp của các biến thể dẫn đến loài này có khả năng kháng thuốc diệt muỗi rất cao. Ông phát hiện một số chủng muỗi có khả năng kháng thuốc gấp 1.000 lần, so với mức 100 lần từng được ghi nhận trước đây.
Điều này có nghĩa là mức độ thuốc diệt côn trùng thường tiêu diệt gần 100% số muỗi trong một mẫu nhưng hiệu quả thực tế chỉ đạt khoảng 7%. Ngay cả khi dùng liều thuốc mạnh hơn gấp 10 lần cũng chỉ tiêu diệt được 30% số muỗi siêu kháng thuốc.
Khả năng kháng thuốc cũng được phát hiện ở loài muỗi Aedes albopictus, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Nguyên nhân có thể là do loài muỗi này có xu hướng kiếm ăn ngoài trời, thường là hút máu các loài động vật và do vậy, có thể ít phơi nhiễm với thuốc diệt muỗi hơn so với loài muỗi Aedes aegypti thích hút máu người.
Nghiên cứu cũng cho thấy một số thay đổi di truyền có liên quan đến khả năng kháng thuốc ở muỗi với mức độ kháng thuốc khác nhau. Ví dụ như muỗi từ Ghana cũng như ở một số vùng của Indonesia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vẫn khá nhạy cảm với các hóa chất diệt muỗi hiện có, đặc biệt là ở liều lượng cao hơn.
Theo Phó giáo sư Cameron Webb, nhà nghiên cứu về muỗi tại Đại học Sydney (Australia), nghiên cứu cho thấy "các chiến lược (diệt muỗi) thường được sử dụng có thể không còn mang lại hiệu quả nữa." Ông cho rằng cần tới các hóa chất mới để diệt muỗi, song chính quyền và các nhà nghiên cứu cũng cần nghĩ ra những cách khác để bảo vệ cộng đồng.
Hiện nay, nhà khoa học Kasai đang mở rộng công trình nghiên cứu ở những nơi khác ở châu Á và kiểm tra các mẫu thu thập gần đây ở Campuchia và Việt Nam để đánh giá sự thay đổi so với giai đoạn nghiên cứu 2016-2019.
Ông bày tỏ lo ngại những con muỗi phát hiện mang gene đột biến kháng thuốc trong nghiên cứu này sẽ lan rộng ra phần còn lại của thế giới trong tương lai gần. Do vậy, cần phải tìm ra một giải pháp trước khi những con muỗi này lan rộng trên toàn cầu.
Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Science Advances số ra tháng 12/2022.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết có thể gây sốt xuất huyết và lây nhiễm cho khoảng 100-400 triệu người/năm, mặc dù hơn 80% trong số này là mắc thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Một số vaccine phòng sốt xuất huyết đã được phát triển và các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng một loại vi khuẩn để triệt khả năng sinh sản của muỗi nhằm ngăn chặn sự lây lan.
Mặc dù vậy, chưa có giải pháp nào loại bỏ hoàn toàn bệnh sốt xuất huyết và muỗi Aedes aegypti gây bệnh sốt xuất huyết, mang các virus gây các bệnh khác, như bệnh sốt zika và sốt vàng da./.
(Nguồn: vietnamplus.vn)
- Nhu cầu thiết kế, thi công, trang trí sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (25/11/2024)
- Nhu cầu Thiết kế, in pano khu vực làm việc tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (25/11/2024)
- Nhu cầu thuê dịch vụ In bộ ”Kỷ yếu 60 năm Vững vàng, phát triển” (25/11/2024)
- Hen phế quản và các biện pháp phòng ngừa (24/11/2024)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- WHO xem nhẹ tác động của COVID-19 ở Trung Quốc đối với châu Âu (11/1/2023)
- Giới chức Liên minh châu Âu cảnh báo các biến thể mới của SARS-CoV-2 (4/1/2023)
- Dịch cúm lợn lây lan tại Nga, có thể gây biến chứng nguy hiểm (30/12/2022)
- Những dấu ấn y học lớn nhất thế giới 2022 (27/12/2022)
- Bộ trưởng Y tế: Phòng, chống ung thư là thách thức lớn với y học (15/12/2022)
- Nhìn lại thế giới năm 2022: Ứng phó với nguy cơ ’dịch chồng dịch’ (15/12/2022)
- CDC Mỹ khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang trở lại (13/12/2022)
- Anh cảnh báo về tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn khiến 6 trẻ em tử vong (5/12/2022)
- Tổ chức Y tế thế giới sử dụng tên tiếng Anh mới cho bệnh đậu mùa khỉ (29/11/2022)
- WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi trên toàn thế giới (25/11/2022)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều