Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Nguy cơ bị lãng quên

Cập nhật: 26/9/2011 | 1:11:44 PM

Trong số hơn 86 triệu người dân Việt Nam, có 67 triệu người (chiếm đến 90% dân số) ở 53/63 tỉnh, thành phố sống trong vùng dịch tễ của bệnh giun truyền qua đất. Trong số này, có 4 triệu trẻ mầm non, mẫu giáo, 6 triệu trẻ là học sinh tiểu học và 19 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh. Đây chỉ là một trong những con số mà ngành y tế cảnh báo về một nhóm bệnh đang dần… bị bỏ quên.

Hàng triệu người Việt có nguy cơ nhiễm giun

Theo số liệu điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW (SR-KST-CT), các bệnh giun truyền qua đất (GTQĐ) phân bố rộng rãi trong cả nước với khoảng 44,4% dân số Việt Nam bị nhiễm giun đũa, 23,1% nhiễm giun tóc và tỉ lệ nhiễm giun móc là 28,6%. Nhiễm GTQĐ thường tác động một cách âm ỉ kéo dài, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, làm giảm sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người bệnh. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhiễm GTQĐ ảnh hưởng tới thời kỳ mang thai, gây thiếu máu, đẻ non, trẻ thiếu cân, thậm chí có thể làm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột, đôi khi giun có thể di chuyển lên ống mật, ruột thừa, thậm chí vào tim, gây nên những bệnh cảnh trầm trọng như: viêm ruột thừa, viêm ống mật, túi mật, cơ tim… Liên quan đến tập quán ăn uống và các yếu tố sinh thái, vệ sinh môi trường còn có các bệnh do sán gây ra (chủ yếu là sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn, giun xoắn...) cũng gây ra những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh như gây viêm gan, áp-xe gan, xơ gan, sỏi tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy, ung thư gan.

Kết quả điều tra tại BV Việt Đức năm 2000 - 2004 có 735 trường hợp có biến chứng do giun sán gây ra, trong đó 617 trường hợp bị tắc hoặc viêm đường mật gây chảy máu, sốc nhiễm trùng, viêm mủ, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc mật, sỏi mật, ung thư đường mật… Tại BV TW Huế từ năm 1990 - 1995 cũng ghi nhận 92 trường hợp viêm tụy cấp do giun chui ống tụy.

 Để tránh nhiễm bệnh, kiểm soát thực phẩm an toàn là một khâu rất quan trọng. Ảnh: Trần Minh

Bệnh không cấp tính đang dần bị lãng quên

Ngoài các bệnh do GTQĐ, một số bệnh khác như giun chỉ bạch huyết, mắt hột… cũng là những bệnh có thể gây biến chứng trầm trọng đến sức khỏe con người đang dần “bị lãng quên”. Giun chỉ bạch huyết là một trong những bệnh gây tàn phế nhiều nhất với các biến chứng thường gặp là phù voi (phù chi, bộ phận sinh dục) và đái dưỡng chấp, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt, lao động của người bệnh. Bệnh này hiện chỉ còn tồn tại với các ca biến chứng và nghi ngờ một số ổ bệnh nhỏ tại vùng dịch tễ của bệnh ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Đây là thành công của Dự án loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết do Viện SR-KST-CT TW tiến hành từ năm 2002 đến nay. Tuy nhiên, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới và các điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta, nếu không có các biện pháp loại trừ hiệu quả thì bệnh sẽ tiếp tục lây lan. Tương tự, bệnh mắt hột ở Việt Nam có khoảng 60% dân số mắc bệnh ở thời điểm năm 1957 cũng đã giảm dần nhờ Chương trình kiểm soát mắt hột được tiến hành từ thời điểm đó đến nay. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của BV Mắt TW, tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ dưới 14 tuổi vẫn còn trên 5% và khoảng 0,1% người trên 40 tuổi bị quặm do mắt hột.

Tại cuộc họp kêu gọi tài trợ cho các dự án loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột và phòng chống bệnh giun sán giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã nhấn mạnh: Tác hại của các bệnh trên đối với sức khỏe và đời sống nhân dân, nhất là trẻ em và phụ nữ là rất lớn, nhưng do nguy cơ của bệnh không như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.

Từ thành công của các chương trình y tế quốc gia trong những năm qua cho thấy, các bài học kinh nghiệm quan trọng trong thanh toán các bệnh dịch nói chung là có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội hoá công tác phòng bệnh. Và không thể không kể đến sự hỗ trợ hiệu quả về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế khi nguồn lực nội địa không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của hàng chục triệu người dân Việt Nam phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh đang dần “bị lãng quên” này.    
 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear đã cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế trong quá trình Việt Nam chuẩn bị tiến hành những bước cuối cùng để khẳng định việc thanh toán bệnh giun chỉ bạch huyết, hỗ trợ chương trình quốc gia về phòng chống giun sán và tăng cường năng lực về phối hợp ứng phó.

Trong số hàng trăm bệnh “bị lãng quên” ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo về 33 bệnh chủ yếu, trong đó có các bệnh do GTQĐ, giun chỉ bạch huyết, mắt hột, sốt xuất huyết... Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cũng đã triển khai Chương trình phòng chống các bệnh bị lãng quên từ năm 2006 hướng tới 7 nhóm bệnh nặng nhất gồm: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun chỉ bạch huyết, giun ở mắt, sán máng và mắt hột.


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014