Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phối hợp liên ngành phòng, chống cúm A/H7N9 và A/H5N1

Cập nhật: 14/4/2013 | 8:26:47 PM

* Hiện tại Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm
* Tính đến chiều 12-4, Trung Quốc đã ghi nhận 43 ca mắc cúm A/H7N9 trên người, 11 ca đã tử vong. 700 người tiếp xúc gần với ca bệnh chưa bị lây nhiễm.

Ngày 13-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đồng chủ trì hội nghị liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 33 tỉnh trọng điểm và các bộ ngành liên quan.

Phối hợp liên ngành phòng, chống cúm A/H7N9 và A/H5N1 1
Toàn cảnh tại hội nghị liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm.

“Trong” H5N1, “ngoài” H7N9

Đối phó với nguy cơ kép H5N1 trong nước và H7N9 ở nước láng giềng có chung hơn 1.300km đường biên giới với Việt Nam chính là nội dung được đề ra tại hội nghị này.

Thông báo về tình hình dịch bệnh trên thế giới, TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc và tử vong vì cúm A/H7N9 ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Tính đến chiều 12-4, Trung Quốc đã phát hiện 43 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 11 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh/thành phố phía Đông Trung Quốc là Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang. Đến ngày 13-4, Cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng phát hiện ca nhiễm virut cúm H7N9 đầu tiên tại thủ đô là một em bé 7 tuổi. Trường hợp này đã nâng tổng số người bị nhiễm loại virut chết người H7N9 trên lãnh thổ Trung Quốc lên 44 người. Các trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở Trung Quốc đều bị viêm đường hô hấp nặng với các triệu chứng như sốt, ho và khó thở. Thời gian từ khi lây nhiễm đến khi phát bệnh ở người chỉ kéo dài chưa đến 15 ngày cho nên nguy cơ tử vong rất cao.

Trở lại với tình hình dịch bệnh ở trong nước, Bộ Y tế khẳng định đến nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người cũng như ở đàn gia cầm. Tuy nhiên, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập, lây lan gây dịch ở nước ta là rất lớn vì chủng virut cúm A/H7N9 mới có nguồn gốc gen từ virut trên gia cầm, dễ biến đổi và có tính thích nghi cao. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trải dài với Trung Quốc, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm khó kiểm soát, giao lưu đi lại qua biên giới của người dân nhiều.

Phối hợp liên ngành phòng, chống cúm A/H7N9 và A/H5N1 2
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì hội nghị.

Đáng lo ngại hơn, cùng với nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập, hiện nay dịch cúm gia cầm H5N1 ở trong nước cũng đang rất phức tạp, căng thẳng. Tại Đồng Tháp đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên trong năm nay do cúm A/H5N1. Báo cáo của ngành y tế cũng cho thấy, số người mắc cúm A/H1N1 và H3N2 vẫn xuất hiện tại một số địa phương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết:  Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 17 xã, phường của 6 tỉnh là Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang, Tiền Giang, Ninh Thuận, làm trên 32.000 con gia cầm, chim mắc bệnh, chết hoặc phải tiêu hủy. Nguy hiểm hơn, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện virut cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn chim yến được nuôi ở Ninh Thuận khiến cho việc xử lý ổ dịch và ngăn chặn nguy cơ phát tán cúm gia cầm càng trở nên khó khăn hơn.

Một vấn đề cũng khiến các Bộ ngành chức năng, cùng nhiều chuyên gia dịch tễ đau đầu là virut cúm H7N9 có nguồn lây chưa rõ ràng. Nếu như cúm A/H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở gia cầm sau đó mới phát hiện ở người, thì ngược lại cúm H7N9 phát hiện đầu tiên ở người và chưa biết liệu nó có khả năng lây nhiễm từ người sang người hay không. Đặc biệt, mặc dù cúm H7N9 gây bệnh ở người nhưng Trung Quốc vẫn chưa phát hiện trường hợp gia cầm chết do nhiễm virut cúm H7N9.

Chủ động ngăn chặn, phòng chống từ cơ sở

Trước tình hình trên, để chủ động ngặn chặn cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta, cũng như phòng chống, hạn chế tối đa thiệt hại do cúm A/H5N1 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, cùng với các địa phương đã thống nhất và cam kết triển khai quyết liệt các kế hoạch phòng, chống dịch cũng như ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam. Tuy nhiên việc này không hề đơn giản. Theo đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, với 250km đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, 6 cửa khẩu, nhiều đường mòn, lưu lượng khách nhập cảnh và thông thương buôn bán qua cửa khẩu lớn, việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào nước ta rất khó kiểm soát. Chưa kể các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi và liều lĩnh, thậm chí dùng cả xe du lịch hạng sang để vận chuyển gia cầm lậu qua biên giới vào ban đêm. Cùng chung lo lắng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hà Thị Nga cũng cho rằng, việc kiểm soát thẩm lậu gia cầm qua các cửa khẩu, lối mở rất khó khăn. Đây cũng là lo lắng chung của hầu hết các địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc hiện nay.

 

Phối hợp liên ngành phòng, chống cúm A/H7N9 và A/H5N1 3
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ với những băn khoăn của các địa phương, 2 Bộ trưởng cho biết, sẽ kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các lực lượng phòng chống dịch tại địa phương thực hiện nhiệm vụ. Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Công việc quan trọng nhất hiện nay là chia sẻ thông tin kịp thời, phối hợp hành động liên ngành và tăng cường năng lực giám sát, chẩn đoán, đáp ứng, điều trị và truyền thông tới cộng đồng nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của virut cúm và bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở y tế của 63 tỉnh, thành tăng cường giám sát, đảm bảo phát hiện sớm các ổ dịch cúm A/H5N1 cũng như H7N9. Các bệnh viện và nhân viên y tế tăng cường các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng. Các đơn vị y tế chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, khu vực cách ly để sẵn sàng thu dung, điều trị các trường hợp cúm A/H7N9. 2 trung tâm cúm quốc gia được đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị  đầy đủ các trang thiết bị xét nghiệm cần thiết và sẵn sàng tiếp nhận mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán cúm A/H7N9.

Phối hợp liên ngành phòng, chống cúm A/H7N9 và A/H5N1 4
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đã mua dự phòng 40 triệu liều vaccine cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng ngân sách dự phòng địa phương mua vaccine hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Trong tuần tới, Cục Thú y sẽ thực hiện xét nghiệm xác định virut  cúm A/H5N1, H7 và H7N9 trong các mẫu lưu trữ tại Trung tâm Chẩn đoán Thú Y trung ương, các mẫu chim yến ở Ninh Thuận và chim trĩ ở Tiền Giang (chim Yến và chim Trĩ chết tại 2 địa phương này có kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N1). Đồng thời tăng cường lấy mẫu các loại gia cầm, chim nuôi, chim cảnh vận chuyển bất hợp pháp vào Việt Nam tiêu thụ để xét nghiệm cúm H7, H7N9. Cùng với đó, cơ quan thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và gia súc, kịp thời phát hiện các ổ dịch để dập dịch và xử lý triệt để không để lan rộng. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới, ngăn chặn các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường. Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, nếu chúng ta làm quyết liệt thì sẽ làm được.

Kết luận tại hội nghị, 2 Bộ trưởng nhấn mạnh, để không có người bệnh thì trước tiên phải không có gia cầm bệnh. Các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ giám sát chủ động, thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt chấm dứt buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm như chúng ta đã làm được trong thời điểm trước Tết nguyên đán vừa rồi.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014