Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng bệnh mùa hè cho trẻ: Không thể chủ quan

Cập nhật: 18/7/2014 | 7:40:35 AM

Vào mùa hè, do nắng nóng kéo dài, thời tiết diễn biến thất thường làm một số bệnh thường gặp, như viêm đường hô hấp, tay chân miệng, tiêu chảy, sốt xuất huyết... tăng cao, tập trung nhiều ở trẻ em. Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ, bên cạnh sự chuẩn bị của các đơn vị y tế, quan trọng hơn cả là sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và mỗi người dân.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy.

Cháu Phạm Minh Anh (4 tuổi, trú tại tổ 1, khu 1, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) bị sốt vi rút, viêm amidan, phải vào điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy từ ngày 7-7-2014. Chị Bùi Thị Thu Hương, mẹ cháu Minh Anh, cho biết: “Thời tiết mùa hè thay đổi thất thường, lúc mưa lúc nắng nên trẻ rất hay bị ốm. Biết được điều này nên gia đình tôi không dám cho cháu đi bơi, ăn đồ lạnh hay để chế độ điều hoà quá lạnh. Thế nhưng, dù gia đình đã trông nom, chăm sóc cháu rất cẩn thận, cháu vẫn nhiễm bệnh”.

Theo thống kê của Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, từ ngày 1 đến 10-7, Khoa tiếp nhận 155 bệnh nhân, mắc các bệnh chủ yếu liên quan đến đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, sốt vi rút) và tiêu hoá. Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền, phụ trách Khoa Nhi của Bệnh viện, cảnh báo: “Hiện đang giữa tháng 7, thời điểm bùng phát các loại dịch, bệnh mùa hè đã qua, nhưng số trẻ nhập viện vẫn khá nhiều. Đặc biệt, người dân phải chú ý cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản B. Trong tháng 6 và 7, Khoa Nhi đã tiếp nhận và chuyển 3 ca viêm não Nhật Bản B lên tuyến trên điều trị. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan với các loại dịch, bệnh mùa hè, nhất là cần quan tâm đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh của con em mình để tránh nhiễm bệnh”.

Số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xuất hiện 839 ca sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 225 ca sởi. Hiện tình hình dịch bệnh đã ổn định, tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn đang còn ở giai đoạn cuối của dịch; thêm nữa, tỷ lệ mắc sởi ở lứa tuổi từ 1-4 cao thứ 2 (chiếm 30%), do đó vẫn phải chủ động trong phòng dịch, giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh có thể lây lan thành dịch. Bệnh tay chân miệng vẫn xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh. Bệnh sốt xuất huyết đang duy trì ở mức thấp, kết quả giám sát cho thấy bệnh ở dưới ngưỡng gây dịch. Toàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm não vi rút; 186 ca cúm, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1.

Trước tình hình dịch bệnh mùa hè có nguy cơ diễn biến phức tạp, đặc biệt ở trẻ em, các đơn vị y tế trong tỉnh đã có những bước chuẩn bị kỹ để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã kiện toàn, củng cố 18 đội cơ động đáp ứng nhanh tuyến tỉnh và huyện; rà soát trang thiết bị, vật tư hoá chất; chỉ đạo kịp thời các địa phương có dịch tiến hành khoanh vùng xử lý; đặc biệt đã chỉ đạo các đơn vị triển khai chiến dịch truyền thông “Rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng” ngay từ khi giám sát phát hiện số mắc có dấu hiệu gia tăng. Trung tâm duy trì hoạt động hệ thống xét nghiệm chẩn đoán các bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng tại tỉnh; giảm thời gian chờ kết quả từ 1 tuần xuống còn 3-1 ngày sau khi nhận bệnh phẩm, đóng góp tích cực trong việc điều trị bệnh cũng như xử lý nhanh chóng các ổ dịch để khoanh vùng và xử lý. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng; công tác kiểm tra, giám sát; tập huấn phòng chống dịch bệnh v.v.. cũng được ngành Y tế tổ chức thường xuyên. Các đơn vị y tế chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Hệ thống giám sát dịch được triển khai đến tận các thôn, bản, khu phố thông qua đội ngũ tổ trưởng, khu trưởng, y tế thôn, bản, cộng tác viên xã hội…

Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là phòng, chống bệnh cho trẻ em, bên cạnh sự chuẩn bị của các đơn vị y tế thì quan trọng hơn cả là sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và mỗi người dân. Điều quan trọng, cần thiết nhất để phòng ngừa các bệnh mùa hè, nhất là các bệnh lây qua đường tiêu hoá, hô hấp, là phải thực hiện tốt nguyên tắc “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”. Một biện pháp nữa để phòng, tránh bệnh là phải quan tâm đến tiêm phòng cho trẻ. Các bậc phụ huynh mới chỉ quan tâm đến tiêm phòng cho trẻ dưới 1 tuổi, chứ chưa chú trọng cho trẻ tiêm nhắc lại. Ngoài ra, trẻ em, người lớn cũng cần tiêm một số loại vắc xin phòng chống các bệnh khác thường xảy ra vào mùa hè, như: Cúm, thuỷ đậu, rubenla…

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014