Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

"Người bị súc vật dại, nghi dại cắn cần tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt"

Cập nhật: 15/7/2015 | 10:27:15 AM

Bạn Đỗ Bích Trâm, khu 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long có địa chỉ email: tramdo@gmail.com hỏi: Con gái tôi 5 tuổi, bị chó nhà hàng xóm cắn. Liệu cháu có nguy cơ bị bệnh dại hay không? Nếu cháu đi tiêm phòng dại thì có ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ không? Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Bùi Thiện Thuật, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tư vấn cho bạn.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

- Thưa bác sĩ, trong trường hợp bị chó cắn thì có phải đi tiêm phòng dại không?

+ Bệnh dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính do vi rút dại gây nên. Người mắc bệnh dại là do động vật máu nóng bị bệnh dại truyền vi rút dại sang người qua vết cắn, vết cào, liếm... Ở nước ta, chó nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người là chủ yếu (chiếm 95-97%), sau đó là mèo, chuột.

Những người mắc bệnh dại, khi lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%, do đó nếu bị chó, mèo cắn, cào, biện pháp tốt nhất hiện nay là đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn tiêm phòng. Phải theo dõi chặt chẽ con vật xem chúng có biểu hiện của bệnh dại không. Nếu con vật có biểu hiện ốm, chết hoặc đi mất tích trong vòng 10 ngày (nghi ngờ bị mắc bệnh dại rất cao), lúc này người bị động vật nghi dại cắn bắt buộc phải đi tiêm phòng vắc xin ngay mà không có chống chỉ định, kể cả phụ nữ có thai.

Trường hợp: Vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (ví dụ ở cẳng chân, thân); tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại thì chỉ cần theo dõi con vật trong vòng 10 ngày. Sau 10 ngày theo dõi kể từ lúc cắn người, dù con vật đó ốm hoặc chết thì lúc đó con vật không coi là nghi mắc bệnh dại nữa nên cũng không cần điều trị dự phòng bằng vắc xin.

Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2015 đến nay chưa có dịch dại xảy ra. Tuy nhiên với thời tiết nắng nóng kéo dài, vi rút dại rất dễ lây lan và phát triển, mọi người dân cần hết sức cảnh giác, đề phòng các loại động vật nghi dại cắn, đặc biệt là chó, mèo.

- Vậy làm thế nào để phòng bệnh dại, thưa bác sĩ?

+ Cần tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại. Dự phòng trước phơi nhiễm bao gồm: Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao (cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, những người đi du lịch đến những vùng có lưu hành bệnh dại); tiêm nhắc lại theo định kỳ (áp dụng cho người thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi rút dại).

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm: Xử lý vết thương bằng cách xối rửa kỹ các vết thương trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn I ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như: Rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Không làm dập nát vết thương, không nên khâu kín ngay vết thương. Nếu bắt buộc phải khâu nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng sau khi đã tiêm huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.

Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 trường hợp đến các cơ sở y tế khám vì bị chó, mèo cắn; trong đó 2.018 trường hợp tiêm phòng dại (điều trị dự phòng sau phơi nhiễm). Có duy nhất 1 trường hợp năm 2014 tử vong do không đi tiêm phòng dại (trẻ 10 tuổi tại Tiên Yên), mặc dù đã được cán bộ y tế tư vấn cần tiêm phòng sớm nhưng gia đình không đưa con đi tiêm.

Hiện toàn tỉnh có 14 điểm tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và phòng tiêm Sapo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Việc tiêm vắc xin phòng dại có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người được tiêm không, thưa bác sĩ?

+ Từ cuối năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng vắc xin dại tế bào (Verorab, Abhayrab) của các hãng vắc xin có uy tín trên thế giới đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Loại vắc xin này rất an toàn và hiệu quả bảo vệ cao, không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người đi tiêm phòng, kể cả phụ nữ đang có thai. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng nặng sau tiêm vắc xin dại; chỉ có một số trường hợp phản ứng tại chỗ và toàn thân, như: Ngứa, đỏ tại chỗ vết tiêm, sốt nhẹ, nhức đầu, buồn nôn... Các phản ứng này tự khỏi sau vài ngày. Mặc dù vậy, khi tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại, nhất là với phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, những người có cơ địa dị ứng và mắc bệnh mạn tính thì cần phải theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời những tác dụng không mong muốn của vắc xin.

Để vắc xin phát huy hiệu quả sau khi tiêm phòng, có được đáp ứng miễn dịch tốt nhất và kịp thời, người bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại phải được tiêm phòng càng sớm càng tốt; phải tiêm đúng lịch và đủ mũi theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trong thời gian tiêm, người được tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích; không dùng các thuốc có dạng corticoid, ACTH, các thuốc làm giảm miễn dịch... trong khoảng thời gian 6 tháng tính từ mũi tiêm phòng đầu tiên.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014