Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình

Cập nhật: 1/12/2018 | 10:51:39 AM

HIV không có nghĩa là dấu chấm hết cho cuộc đời. Hiện nay, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể có được cuộc sống bình thường, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị ARV thì sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của người thân tại gia đình là rất quan trọng, góp phần giảm thiểu các nhiễm trùng cơ hội và hạn chế lây nhiễm HIV cho người khác.

Những đồ người nhiễm HIV không nên ăn 
Chế độ ăn uống và sinh hoạt
- Chế độ dinh dưỡng: Người nhiễm HIV luôn cần có chế độ ăn uống cân bằng để tăng cường hệ miễn dịch và đảm bảo các cơ quan trong cơ thể hoạt động ổn định. Trong các bữa ăn hàng ngày nên ăn nhiều trái cây hoặc uống nước ép trái cây để tăng cường hệ thống miễn dịch. Khi bị nhiễm HIV, sức đề kháng của người bệnh thường giảm, cơ thể yếu đi nên một lượng nhỏ mầm bệnh cũng có thể gây nhiễm trùng đường ruột hoặc ngộ độc thức ăn, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng. Do đó một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, an toàn là rất cần thiết. Người bệnh cần nhiều đạm và năng lượng hơn bình thường để chống suy giảm miễn dịch với vi rút HIV, vì vậy nên cho người bệnh ăn nhiều thực phẩm làm giàu carbohydrate như: bánh mì, sắn, ngũ cốc, chuối xanh, kê, ngô, khoai tây, mì ống, gạo...giúp duy trì năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần tăng cường bổ sung rau xanh, sữa, các sản phẩm từ sữa, đường, các chất béo lành mạnh có trong các loại hạt, bơ, dầu ô liu, dầu thực vật, dầu cá; uống nhiều nước cũng giúp loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể và bảo vệ hệ thống miễn dịch.
Không dùng chung bàn chải đánh răng với người nhiễm HIV
Trong sinh hoạt hàng ngày, người nhiễm HIV có thể ăn cùng một mâm, sử dụng chung bát đĩa, cốc chén với những người khác trong gia đình. Tuy nhiên, nếu các dụng cụ này có dính máu của người nhiễm HIV thì cần rửa sạch bằng xà phòng. Người rửa chén bát có dính máu của người nhiễm HIV cần đeo găng tay cao su và băng kín các vết thương.
- Khi ngủ: Để tăng cường sức khỏe, người nhiễm HIV nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Người nhiễm HIV có thể ngủ chung, ôm ấp với các thành viên khác trong gia đình mà không sợ lây vi rút HIV cho người đó, chỉ lưu ý không để chỗ da bị tổn thương tiếp xúc với nhau.
- Vấn đề quan hệ tình dục: Hiện nay khi người nhiễm HIV tuân thủ phác đồ điều trị ARV và có kết quả tốt, tải lượng vi rút HIV dưới 200 bản sao/ml máu có thể không lây truyền HIV cho bạn tình. Tuy nhiên với những trường hợp không chắc chắn về mức tải lượng vi rút thì nhất thiết phải dùng bao cao su để tránh lây truyền HIV qua đường tình dục.
Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe người nhiễm HIV cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Người thân trong gia đình nên quan tâm, chia sẻ để người bệnh sớm ổn định tinh thần, lấy lại niềm tin cuộc sống. 
Người bệnh cần biết cách bảo vệ cho những người xung quanh tránh lây lan vi rút HIV, không để máu, dịch tiết cơ thể tiếp xúc với vết thương hở của người khác. Không dùng chung những vật dụng dễ bị dính máu như: bàn chải đánh răng, khăn mặt, dao cạo, bấm móng tay,…
Xử lý đồ dùng, rác thải dính máu của người nhiễm HIV
Trong khi chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nếu tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết khác như: tinh dịch, dịch âm đạo sẽ có nguy cơ lây nhiễm HIV, đặc biệt là những chỗ da bị trầy xước. Vì vậy, người thân trong gia đình cần tránh những tiếp xúc này. Nếu có tiếp xúc thì phải dùng phương tiện phòng hộ. Nên rửa sạch tay bằng xà phòng sau mỗi lần tiếp xúc với vết thương hoặc xử lý vết máu, tinh dịch, mủ của người nhiễm HIV. Để chủ động trong việc chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình, cùng với việc chuẩn bị các thuốc thông thường cần trang bị các dụng cụ, hóa chất cần thiết sau đây: Găng tay cao su loại dày và dài (Loại bảo hộ lao động); túi nilon; dung dịch khử khuẩn, sát trùng tẩy rửa: nước Javen, Cloramin, thuốc tẩy quần áo.
Dùng Javen và đeo găng tay cao su khi giặt quần áo dính máu của người nhiễm HIV
- Giặt đồ, quần áo dính máu: Quần áo của người nhiễm HIV có dính máu và dịch thì ngâm riêng trong dung dịch Cloramin nồng độ 0,5% hoặc dung dịch Javen trong khoảng thời gian 20-30 phút. Nếu không có những dung dịch trên, có thể đem những đồ này luộc sôi khoảng 20 phút. Khi giặt quần áo dính máu của người nhiễm HIV cần đeo găng tay cao su.
- Làm sạch các bề mặt dính máu, mủ, tinh dịch của người nhiễm HIV: Người nhiễm HIV có thể sử dụng chung bàn ghế, giường tủ với những người khác mà không sợ bị lây nhiễm HIV cho họ. Nhưng nếu các đồ vật này dính máu, mủ, tinh dịch của người nhiễm HIV thì cần được vệ sinh đúng cách để phòng lây nhiễm. Đổ dung dịch Cloramin 0,5% hoặc Javen trên bề mặt dính máu, mủ, tinh dịch trong thời gian 10-20 phút, sau đó đeo găng tay cao su và dùng nước sạch cọ rửa chỗ bẩn đó. Nếu không có hóa chất có thể dùng xà phòng bột và nước thay thế.
- Thu dọn các đồ thải, dính máu, mủ hoặc tinh dịch của người nhiễm HIV như bông băng, bao cao su, băng vệ sinh,…bằng cách đeo găng tay cao su để cầm hoặc dùng kẹp dài để gắp rồi cho vào túi nilon, đảm bảo túi nilon không bị thủng. Đổ dung dịch Cloramin 0,5% hoặc Javen vào ngâm khoảng 20-30 phút rồi buộc chặt túi nilon và cho vào thùng rác. Nếu không có các dung dịch hóa chất có thể cho các đồ thải vào một hố rồi đốt.
- Xử lý các dụng cụ y tế có dính máu, dịch của người nhiễm HIV như kẹp, bơm kim tiêm, kéo,…Ngâm các dụng cụ này vào dung dịch Cloramin 0,5% hoặc Javen 20 phút rồi lấy ra, rửa bằng nước sạch, xà phòng; sau đó, ngâm lại trong dung dịch Cregin 1% trong vòng 20 phút, lấy ra, tráng bằng nước đã đun sôi, để khô rồi cất vào hộp khô, sạch, có nắp đậy kín. 

(Nguồn: Ngọc Phượng)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014