Chăm sóc sức khỏe sinh sản- nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ
Cập nhật: 7/3/2019 | 8:20:54 AM
Cuộc sống bận rộn với những công việc của cơ quan, của gia đình hàng ngày khiến không ít phụ nữ chưa chú ý đến sức khỏe sinh sản của mình. Bên cạnh đó, một số chị em lại ngại đi khám, tầm soát các bệnh phụ khoa, để đến khi đi khám thì bệnh đã tiến triển nặng, rất khó khăn trong quá trình điều trị và tốn kém về tài chính. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Đào Thị Thêm - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ & trẻ em thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.
Phóng viên: Qua quá trình công tác, bác sĩ có đánh giá như thế nào về sự quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ hiện nay so với trước kia?
Bác sĩ Đào Thị Thêm: Hiện nay, chị em phụ nữ đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng. Các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn đã chủ động đi khám sức khỏe tiền hôn nhân; Các bà mẹ đã ý thức được lợi ích của việc khám thai, quản lý thai nghén; Chị em phụ nữ đã tích cực, chủ động hơn trong việc khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, sàng lọc ung thư sinh dục.
Những năm trở lại đây, qua các đợt khám sức khỏe lưu động tại các địa phương, kể cả tại các xã vùng sâu ở các huyện miền núi: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà.. cho thấy tỷ lệ chị em phụ nữ đến khám phụ khoa ngày càng tăng, đại đa số chị đã nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số chị em chưa quan tâm đến sức khỏe của mình, ngại đi khám bệnh phụ khoa hoặc do quá bận rộn với công việc mà lơ là việc khám phụ khoa định kỳ, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Bác sĩ Đào Thị Thêm, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tư vấn, khuyến cáo chị em, phụ nữ cần chủ động kiểm tra sức khỏe sinh sản để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời tại Phòng khám đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh(Ảnh: Thu Giang - Mạnh Hùng)
Phóng viên: Như bác sĩ vừa chia sẻ, hiện nay vẫn còn không ít chị em chưa quan tâm hoặc ngại đi khám các bệnh phụ khoa dẫn đến nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh thì đã không thể chữa khỏi. Vậy xin bác sĩ cho biết, chị em phụ nữ cần chủ động kiểm tra tầm soát các bệnh gì và theo dõi như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đào Thị Thêm: Ngày nay, nhiều bệnh phụ khoa và ung thư sinh dục đã được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, chị em phụ nữ cần chủ động kiểm tra tầm soát các bệnh sau:
Bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản: Các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục: nhiễm Chlamydia, bệnh lậu, trùng roi, giang mai, hạ cam, herpes sinh dục, sùi mào gà, nhiễm HIV... Các nhiễm khuẩn nội sinh do tăng sinh quá mức các vi sinh vật có trong âm đạo của phụ nữ: viêm âm đạo do vi khuẩn, viêm âm hộ - âm đạo do nấm men.
Chị em nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời khi cơ quan sinh dục có một trong những biểu hiện bất thường sau: Khí hư ra nhiều, có màu sắc bất thường như xanh, trắng như sữa hoặc vàng, đôi khi lẫn máu, có mùi hôi tanh khó chịu; Đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu ít, tiểu có cảm giác đau buốt khó chịu, tiểu ra máu; Vùng kín có cảm giác ngứa, đau rát, có thể có các nốt ban, vết loét nổi lên; Đau bụng dưới hoặc đau rát vùng kín trong khi giao hợp; Chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt.
Cần thực hiện quan hệ một vợ một chồng, chung thủy, không quan hệ tình dục bừa bãi để tránh mắc lậu và nhiều căn bệnh xã hội nguy hiểm khác, đặc biệt là HIV/AIDS.
Một số bệnh ung thư sinh dục thường gặp:
Ung thư buồng trứng: Ung thư buồng trứng rất khó để ngăn chặn hay phát hiện sớm vì chúng hiếm khi có những triệu chứng hoặc dấu hiệu sớm. Các triệu chứng có thể bao gồm bụng khó chịu, chướng bụng, thay đổi trong thói quen đi vệ sinh.
Nếu thấy cơ thể gầy sút cân và chướng vùng bụng thì chị em nên đi siêu âm và xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư buồng trứng.
Nếu gia đình có tiền sử bị ung thư buồng trứng hay ung thư vú, hãy đi khám bác sĩ phụ khoa mỗi năm một lần để được kiểm tra và siêu âm.
Ung thư tử cung: Phụ nữ béo phì, có kinh nguyệt sớm và mãn kinh muộn, hoặc những người đang điều trị thay thế hocmon sinh dục nữ có thể có nguy cơ mắc ung thư tử cung cao hơn.
Chảy máu sinh dục bất thường và không định kỳ, đặc biệt là khi tiền mãn kinh là dấu hiệu sớm của ung thư tử cung ở giai đoạn đầu.
Để phòng ngừa nguy cơ ung thư tử cung bằng cách giữ cân nặng và chỉ số khối lượng cơ thể lý tưởng. Tập thể dục thường xuyên và có một chế độ ăn uống ít chất béo.
Ung thư cổ tử cung: Quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, hút thuốc, và có tiền sử của bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung không có triệu chứng ở các giai đoạn sớm. Trong giai đoạn cuối, các triệu chứng điển hình bao gồm chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, chảy máu âm đạo bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt, khó chịu khi quan hệ tình dục và dịch âm đạo hôi. Vì vậy để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, chị em cần chủ động đi kiểm tra tầm soát bằng xét nghiệm tế bào âm đạo – cổ tử cung định kỳ, qua đó có thể phát hiện tế bào bất thường ở cổ tử cung để có thể chữa trị trước khi tiến triển tới giai đoạn ung thư.
Hiện nay đã có vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, loại vắc xin này được khuyến cáo tiêm cho nữ giới ở độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, tốt nhất là khoảng 11-12 tuổi.
Ung thư vú: Đây là bệnh rất phổ biến ở nữ giới. Cứ 8 phụ nữ thì có 1 người có khả năng mắc bệnh. Phụ nữ ở tất cả các độ tuổi đều có thể mắc phải ung thư vú.
Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh.
Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau: Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay. Xuất hiện khối u cứng ở vú. Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng. Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy. Vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau.
Chị em phụ nữ cần thường xuyên tự kiểm tra vú và đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn nếu phát hiện bất kỳ thay đổi bất thường nào ở vú. Phát hiện sớm ung thư vú có thể hạn chế diễn tiến bệnh và điều trị hiệu quả hơn.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
(Nguồn: Hải Ninh)
TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
- Nhu cầu mua thuốc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm Reatime PCR HPV (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua vật tư phục vụ công tác chuyên môn (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá Thuê dịch vụ hủy vật tư, hóa chất (12/11/2024)
- Nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm HIV cho cán bộ y tế (12/11/2024)
- ƯU ĐÃI GIÁ VẮC XIN LỚN NHẤT NĂM TẠI PHÒNG TIÊM CHỦNG VẮC XIN DỊCH VỤ CDC QUẢNG NINH (12/11/2024)
- CDC QUẢNG NINH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2024 (8/11/2024)
- Đoàn công tác CDC Tuyên Quang đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại CDC Quảng Ninh (7/11/2024)
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
- Quảng Ninh tiêm vắc xin ComBe Five cho trên 1.100 trẻ dưới 1 tuổi (4/3/2019)
- Tăng cường kiểm soát phòng ngừa lây truyền dịch bệnh trong trường học (1/3/2019)
- Không tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ trẻ mắc bệnh Ho gà gia tăng (1/3/2019)
- Móng Cái: Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (28/2/2019)
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam (27/2/2019)
- Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (1955-2019): ”Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh” (27/2/2019)
- Tỉnh ủy Quảng Ninh gặp mặt cán bộ y tế tiêu biểu nhân kỉ niệm 64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (26/2/2019)
- Bệnh viện thông minh: Tiện cho bác sĩ, lợi cho người dân (24/2/2019)
- Ứng dụng KH&CN trong ngành Y tế: Tất cả vì người bệnh (24/2/2019)
- Quảng Ninh nâng cao chất lượng dịch vụ y tế (24/2/2019)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều