Điều trị ARV sớm cho mẹ, sức khỏe cho con
Cập nhật: 4/6/2020 | 7:50:00 AM
Mang thai và sinh con là thiên chức của người phụ nữ. Đây là một hành trình đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Với những bà mẹ không may bị nhiễm HIV, hành trình ấy lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi nỗi lo lây truyền HIV cho con.
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của Y học hiện đại, phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh nếu như được tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh.
PV: Xin chào bác sĩ, thưa bác sĩ so với trước kia hiện nay tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm. Vậy lý do là vì sao?
BS Nguyễn Hoài Thu: Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là biện pháp rất hiệu quả. Nếu không có can thiệp nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 40%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể dưới 2%, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Việt Nam đã tích cực triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ năm 2009, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống Ma túy, Mại dâm đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2010 là 10,8%. 5 năm sau (2015) tỷ lệ này giảm xuống còn 2,8%, và đến cuối năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,93%, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tại Quảng Ninh, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (CT DPLTMC) hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm đáng kể.
Có được những thành quả này, Chương trình đã triển khai rất tốt các hoạt động, từ truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và đặc biệt là phụ nữ mang thai và phụ nữ mang thai nhiễm HIV về dự phòng lây truyền HIV nói chung và lây từ mẹ sang con nói riêng, tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV; triển khai theo dõi tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng tải lượng HIV; điều trị ARV cho mẹ và con.
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nên xét nghiệm và điều trị ARV sớm để có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh
PV: Để sinh con không nhiễm HIV, người mẹ cần được theo dõi và điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Nguyễn Hoài Thu: Như tôi đã đề cập, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con rất hiệu quả. Để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con thì việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố then chốt có tính chất quyết định. Vì những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm HIV, phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV. Phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con; nên sinh đẻ ở những cơ sở có triển khai CT DPLTMC để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh; tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của thầy thuốc đối với mẹ và con; có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khỏe cho người mẹ và con.
PV: Xin bác sĩ cho biết lợi ích của điều trị ARV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV?
BS Nguyễn Hoài Thu: Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động. Đặc biệt điều trị ARV sớm có thể làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành Y tế trong hoạt động điều trị, dự phòng.
Trung bình mỗi năm tỉnh Quảng Ninh có khoảng 80 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Trong 5 năm gần đây, không có trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị nhiễm HIV khi người mẹ được điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị ARV.
PV: Khi đứa bé có mẹ bị HIV sau khi ra đời thì sau bao lâu có thể khẳng định rằng em bé đó không bị nhiễm HIV. Xin bác sĩ cho biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV?
BS Nguyễn Hoài Thu: Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ được thực hiện xét nghiệm PCR phát hiện acid nucleic của HIV để khẳng định có bị nhiễm HIV hay không. Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế: Xét nghiệm cho trẻ sau sinh từ 0-2 ngày tuổi nếu có điều kiện, lấy máu xét nghiệm trước khi cho trẻ uống thuốc ARV dự phòng phơi nhiễm; hoặc có thể xét nghiệm cho trẻ từ 4-6 tuần tuổi hoặc ngay sau đó càng sớm càng tốt bao gồm cả nhóm trẻ xét nghiệm PCR âm tính lúc sinh. Khi kết quả PCR âm tính để khẳng định trẻ không nhiễm HIV, sau đó cần thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 9 tháng tuổi: nếu trẻ chưa bao giờ bú mẹ hoặc đã ngừng bú mẹ hoàn toàn từ 3 tháng trở lên và có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng HIV âm tính thì trẻ không nhiễm HIV.
Chăm sóc và tiếp tục điều trị dự phòng cho trẻ
Cấp phát đủ liều thuốc ARV cho trẻ và hướng dẫn mẹ hoặc người chăm sóc thực hành tuân thủ điều trị ARV cho trẻ. Trong trường hợp cần thiết, hẹn tái khám để cấp thuốc và tư vấn thêm.
Giới thiệu trẻ đến với các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài.
Phụ nữ nhiễm HIV chỉ nên chọn một cách nuôi con, hoặc là bú sữa mẹ hoặc là bú sữa ngoài hoàn toàn. Tuyệt đối không nên cho trẻ vừa bú mẹ vừa bú sữa ngoài thay thế, vì sẽ làm tăng cao nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ, thậm chí cao hơn là nếu trẻ chỉ bú mẹ.
Nếu muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và đảm bảo tuân thủ điều trị tốt để đạt tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế. Trong trường hợp không thể đảm bảo điều trị thì người mẹ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.
PV: Tại Quảng Ninh bà mẹ mang thai nhiễm HIV có thể khám, quản lý thai nghén ở đâu? Trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động gì để hỗ trợ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, thưa bác sĩ?
Cán bộ y tế của Trạm Y tế xã Vĩnh Trung, TP Móng Cái phát tờ rơi truyên truyền về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho chị em phụ nữ trong xã
BS Nguyễn Hoài Thu: Tại Quảng Ninh bà mẹ mang thai nhiễm HIV tốt nhất nên khám, quản lý thai nghén tại các đơn vị y tế có cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS gồm: Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả, Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả và các TTYT: Đông triều, Quảng Yên, Vân Đồn, Tiên Yên, Móng Cái.
Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như:
- Truyền thông về lợi ích và hiệu quả của CT DPLTMC.
- Tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai tại các Trạm Y tế và Trung tâm Y tế triển khai CT DPLTMC.
- Tăng cường điều trị dự phòng bằng ARV hiệu quả, quản lý tốt cặp mẹ con nhiễm HIV từ khi người mẹ được phát hiện cho đến khi tình trạng nhiễm HIV của em bé được khẳng định, không để xảy ra tình trạng mất dấu sau khi phát hiện nhiễm HIV, theo dõi tải lượng HIV thường quy cho phụ nữ mang thai.
- Chăm sóc, điều trị dự phòng bằng ARV cho tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, xét nghiệm miễn phí phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, cấp miễn phí sữa ăn thay thế cho trẻ.
- CT DPLTMC được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cán bộ tham gia chương trình luôn tâm huyết hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ thông tin hữu ích!
(Nguồn: Ngọc Phượng)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu. Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Bảo dưỡng máy Sắc ký lỏng khối phổ (LCMS) (22/11/2024)
- Nhu cầu đặt ăn trưa cho Hội nghị Khoa học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (21/11/2024)
- Nhu cầu mua thuốc dịch vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (21/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua sinh phẩm sàng lọc HPV nguy cơ cao bằng phương pháp Reatime PCR (20/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Thuê dịch vụ siêu âm (20/11/2024)
- Xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm Covid-19 (2/6/2020)
- Công bố Quyết định về công tác cán bộ tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh (1/6/2020)
- Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2020 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25/5-31/5/2020 (29/5/2020)
- Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới (29/5/2020)
- Triển khai Loại trừ phong quy mô cấp huyện giai đoạn 2020 - 2021 (29/5/2020)
- Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng (27/5/2020)
- Quảng Ninh: Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên Hội đồng giám định y khoa (27/5/2020)
- Triển khai chiến dịch uống bổ sung Vitamin A đợt I năm 2020 (26/5/2020)
- Tập huấn, giao ban chuyên môn công tác chăm sóc SKBMTE năm 2020 (26/5/2020)
- Phòng và điều trị bệnh rám má trong mùa hè (26/5/2020)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều