Tải lượng vi rút HIV dưới 200 bản sao/ml máu có thể dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục
Cập nhật: 25/9/2018 | 4:41:32 PM
Khi tải lượng vi rút HIV của người bệnh dưới 200 bản sao/ml máu hoặc dưới ngưỡng phát hiện thì có thể không thể lây truyền bệnh cho bạn tình, ngay cả khi quan hệ không bao cao su. Nghiên cứu này được công bố trong Hội nghị quốc tế về AIDS tại Paris, Pháp năm 2017, kết quả cho thấy những người nhiễm HIV hoàn toàn có được một cuộc sống bình thường nếu họ tuân thủ nghiêm túc quy trình điều trị ARV.
Tải lượng vi rút HIV là gì?
Tải lượng vi rút HIV là số lượng vi rút trong mẫu máu xét nghiệm của người sống chung với HIV. Khi càng có nhiều vi rút HIV trong máu, tức tải lượng HIV càng cao thì càng nhiều tế bào T CD4 bị diệt và khả năng tiến triển thành AIDS sẽ nhanh hơn.
Xét nghiệm tải lượng vi rút HIV là đo nồng độ vi rút HIV trong máu. Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch rồi chuyển đến phòng xét nghiệm tải lượng HIV chuyên biệt để thực hiện. Tải lượng vi rút HIV có thể dao động từ không thể phát hiện đến hàng nghìn bản sao/ml máu.
Nếu điều trị bằng thuốc ARV sớm, đều đặn các bệnh nhân nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
Vai trò của xét nghiệm tải lượng vi rút HIV
Trước đây, người bệnh được giáo dục về xét nghiệm CD4 để quyết định tiêu chuẩn điều trị và theo dõi đáp ứng điều trị ARV. Hiện nay, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ được sử dụng là tiêu chuẩn vàng để theo dõi đáp ứng điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và đánh giá thất bại điều trị.
Xét nghiệm tải lượng vi rút rất quan trọng để phát hiện những trường hợp tải lượng HIV trên ngưỡng ức chế (>1000 bản sao/ml), chẩn đoán sớm thất bại điều trị ARV bậc 1 và chuyển phác đồ bậc 2 giúp phục hồi hệ thống miễn dịch; ngăn ngừa tiến triển các bệnh lâm sàng (các nhiễm trùng cơ hội, suy mòn); giảm khả năng lây truyền HIV kháng thuốc.
Bên cạnh đó, xét nghiệm tải lượng vi rút còn giúp cho việc đánh giá tuân thủ điều trị; lựa chọn thời gian mang thai tối ưu và phác đồ điều trị để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Khi nào làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV?
- Đối với bệnh nhân mới điều trị, có thể làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV vào các thời điểm: sau 6 tháng điều trị ARV; sau 12 tháng điều trị ARV; tiếp đó cứ 12 tháng sau lại làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV một lần.
- Với phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú cần xét nghiệm tải lượng vi rút HIV ngay khi phát hiện có thai và định kỳ xét nghiệm 3-6 tháng/lần.
- Khi nghi ngờ thất bại điều trị, người bệnh sẽ được: đánh giá và tư vấn tăng cường tuân thủ điều trị điều trị; xét nghiệm tải lượng HIV sau 3 tháng; quyết định chuyển đổi/không chuyển đổi phác đồ trên cơ sở sự tuân thủ điều trị và kết quả xét nghiệm tải lượng HIV.
Kết quả xét nghiệm tải lượng HIV và ý nghĩa của thông điệp K=K
Tải lượng vi rút HIV trên ngưỡng ức chế: là số lượng vi rút trong máu của bạn cao hơn 1000 bản sao/ml. Điều này là do lượng thuốc ARV trong máu của bạn chưa đủ hoặc thuốc ARV không có tác dụng, khiến HIV có thể nhân lên trong cơ thể bạn. Nguyên nhân thường gặp là do bạn uống thuốc không đều, hay nói cách khác là do bạn tuân thủ điều trị không tốt. Với tải lượng vi rút HIV ≥1000 bản sao/ml cần cân nhắc chuyển đổi phác đồ. Bởi phác đồ ARV hiện tại không kiểm soát được sự nhân lên của HIV, có 2 khả năng: Phác đồ ARV có thể vẫn có tác dụng, nhưng do bạn đã uống thuốc không đều; hoặc phác đồ ARV không còn tác dụng do kháng thuốc hoặc thất bại điều trị.
Tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế: nghĩa là số lượng HIV trong máu của bạn còn ít, <1000 bản sao/ml máu. Tuy vậy tải lượng vi rút từ >200 đến <1000 bản sao cho thấy bạn vẫn còn nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác qua quan hệ tình dục.
Khi điều trị bằng thuốc ARV đạt đến mức ức chế HIV, nghĩa là tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml hoặc dưới ngưỡng phát hiện thì bạn sẽ không làm lây truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục và không làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, Không phát hiện = Không lây truyền (K=K).
Tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện thì số lượng vi rút HIV còn rất ít, có thể không đo lường được bằng các xét nghiệm hiện có. Điều này cho thấy là ARV bạn đang uống có tác dụng tốt, ARV đã ngăn cản không cho HIV nhân lên trong cơ thể bạn. Một người sống chung với HIV giữ được tải lượng vi rút không thể phát hiện ít nhất 6 tháng thì không thể lây truyền HIV cho bạn tình ngay cả khi họ quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su. Tuy nhiên, không có nghĩa là cơ thể bạn đã “dọn sạch” được HIV và bạn không bị nhiễm HIV nữa, HIV vẫn còn lẩn trong các tế bào của cơ thể.
Mặc dù vậy, thông điệp Không phát hiện = không lây truyền (K = K) và các chứng cứ khoa học ủng hộ thông điệp này hiện nay đã và đang làm thay đổi cuộc sống của người có HIV, bạn tình và gia đình họ. Thông điệp K=K mang hy vọng cho người sống chung với HIV. Thông điệp giúp cho những người nhiễm HIV cùng với bạn tình và gia đình họ hiểu rằng điều trị ARV sớm, hiệu quả và liên tục cho phép người sống chung với HIV sống lâu, sống khỏe mạnh, có con và không phải lo lắng về việc lây truyền HIV cho bạn tình của họ miễn là vi rút được ức chế.
(Nguồn: Ngọc Phượng)
TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
- Thẩm định đánh giá xếp hạng đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (14/11/2024)
- Nhu cầu mua thuốc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm Reatime PCR HPV (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua vật tư phục vụ công tác chuyên môn (13/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá Thuê dịch vụ hủy vật tư, hóa chất (12/11/2024)
- Nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm HIV cho cán bộ y tế (12/11/2024)
- ƯU ĐÃI GIÁ VẮC XIN LỚN NHẤT NĂM TẠI PHÒNG TIÊM CHỦNG VẮC XIN DỊCH VỤ CDC QUẢNG NINH (12/11/2024)
- CDC QUẢNG NINH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2024 (8/11/2024)
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ công tác xét nghiệm (25/9/2018)
- Đoàn chuyên gia Y tế Đài Loan thăm quan, chia sẻ hợp tác tại CDC Quảng Ninh (25/9/2018)
- Phòng bệnh MERS-CoV (24/9/2018)
- Tập huấn Dược lâm sàng năm 2018 (23/9/2018)
- Hội nghị khoa học các tỉnh phía Bắc về Tăng cường công tác quản lý chất lượng xét nghiệm (22/9/2018)
- Đào tạo nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở tỉnh Quảng Ninh năm 2018 (22/9/2018)
- Chủ động phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (22/9/2018)
- Đoàn công tác Bộ Y tế khảo sát, đánh giá lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tại Quảng Ninh (21/9/2018)
- Đoàn Thanh kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh kiểm tra ATTP tết Trung thu (20/9/2018)
- Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi (19/9/2018)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều