Bệnh đái tháo đường “tấn công” cả trẻ em
Cập nhật: 18/11/2013 | 7:54:54 AM
Nếu như cách đây khoảng 10 năm, những bệnh nhân dưới 30 tuổi mắc đái tháo đường rất hiếm gặp thì hiện nay số người mắc bệnh ở độ tuổi này đang gia tăng chóng mặt. Thậm chí, tại các BV đã có những bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới... 8, 9 tuổi.
Khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân đái tháo đường
Cuối tuần trước, Bộ Y tế công bố trường hợp cháu bé 9 tuổi là bệnh nhân mắc đái tháo đường nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ngày 14-11, PGS.TS Đỗ Trung Quân, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu - BV Bạch Mai kể, cách đây chưa lâu, ông trực tiếp khám và tư vấn điều trị cho một bé trai (ở Hà Nội) mới 8 tuổi mắc đái tháo đường type 2. Lúc vào viện, dù mới 8 tuổi nhưng cháu đã cao 141cm, nặng đến 58kg, chỉ số đường huyết trước khi ăn lên tới 13 mmol/l (cao hơn gấp đôi so với chỉ số bình thường). Qua tìm hiểu mới biết, do cháu bé là con một, gia đình lại khá giả nên được cả bên nội lẫn bên ngoại tập trung chăm sóc hết mức. Ngoài việc nhồi nhét, “vỗ béo” cho cháu bằng đủ loại dinh dưỡng, thức ăn ngon, bổ nhất, cháu bé còn được “nâng như nâng trứng”.
Sau một thời gian điều trị với chế độ giảm cân và dinh dưỡng hợp lý, hiện cháu bé này đã giảm được 4kg, lượng đường huyết trở về mức bình thường. PGS.TS Đỗ Trung Quân chia sẻ thêm: “Đây là ca mắc đái tháo đường nhỏ tuổi nhất từng gặp tại BV Bạch Mai còn trên thực tế, qua lời kể của một số đồng nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, tôi được biết có nhiều em còn nhỏ tuổi hơn đã mắc bệnh này. Đa số các trường hợp trẻ em mắc đái tháo đường đều liên quan đến béo phì và nguyên nhân sâu xa chính là do phụ huynh chăm chút con quá mức trong khi thiếu kiến thức về dinh dưỡng và phòng bệnh. Mặt khác, trẻ em ngày nay vận động ít hơn, xem tivi nhiều… nên gia tăng nguy cơ mắc bệnh”.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh đái tháo đường đang trẻ hóa rất nhanh do nguyên nhân thay đổi mô hình công việc, lối sống, sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng. TS Nguyễn Vinh Quang kể, nếu như cách đây khoảng 10 năm rất hiếm khi gặp trường hợp dưới 40 tuổi mắc đái tháo đường thì trong vài năm gần đây, số bệnh nhân đái tháo đường dưới 40 tuổi vào điều trị rất nhiều. Đặc biệt, nhóm công nhân viên chức, giới văn phòng do ngày càng ít vận động, ăn uống không đúng giờ giấc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nam giới uống rượu bia, thuốc lá nhiều nên tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừa không khó
Theo PGS.TS Nguyễn Vinh Quang, năm 2012, BV Nội tiết Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ mắc đái tháo đường tại các vùng trên cả nước. Điều tra này đã chỉ ra một thực trạng hết sức đáng báo động, trong 10 năm qua, tỷ lệ người mắc đái tháo đường trên cả nước đã tăng tới 211%. Nếu như năm 2002, tỷ lệ mắc đái tháo đường trong dân cư chỉ là 2,7% thì hiện đã vào khoảng 5,7%. Đặc biệt tại các thành phố lớn, những khu vực đô thị hóa nhanh, tỷ lệ người bệnh mắc đái tháo đường rất cao, chẳng hạn tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ mắc bệnh này lên tới gần 10%.
Các chuyên gia nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng được bằng cách phát hiện sớm những đối tượng có yếu tố nguy cơ, nhất là những người thừa cân béo phì để kiểm soát chế độ dinh dưỡng và áp dụng luyện tập thể dục, thể thao hợp lý. Theo PGS.TS Đỗ Trung Quân, để phòng bệnh đái tháo đường trẻ em thì các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho trẻ để tránh béo phì. Thực tế, rất dễ để trẻ bị béo phì nhưng điều trị béo phì lại khó hơn nhiều.
Còn PGS.TS Nguyễn Vinh Quang khuyến cáo, với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nói chung, vào buổi tối, sau ăn khoảng 2 tiếng nên dành ra 30 phút tập thể dục ở mức độ vừa phải như đi bộ, đi xe đạp. Lý do vì sau ăn bữa tối mọi người thường ít vận động nên không kích thích hoạt động tiêu thụ năng lượng, dẫn đến tích trữ chất dinh dưỡng, làm tăng cân, béo phì. Với nhóm này ngoài chú ý uống dinh dưỡng đúng chỉ định cần duy trì uống thuốc đúng giờ. Với người chưa mắc bệnh cần chủ động phòng bệnh bằng ăn uống khoa học, chịu khó vận động. Đặc biệt, với cả người chưa có bệnh và đã có bệnh đều không cần phải ăn kiêng mà chỉ cần duy trì, tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát đường huyết.
(Nguồn: anninhthudo.vn)
TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
- Nhu cầu thuê dịch vụ In bộ ”Kỷ yếu 60 năm Vững vàng, phát triển” (25/11/2024)
- Hen phế quản và các biện pháp phòng ngừa (24/11/2024)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
- Khát nước, ăn nhiều coi chừng bị đái tháo đường (14/11/2013)
- Chế độ ăn nhiều a-xít làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường (13/11/2013)
- Giải mã các chỉ số của bệnh tiểu đường (11/11/2013)
- Dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiểu đường (5/11/2013)
- Bệnh đái tháo đường và vùng ”nguy hiểm” (2/11/2013)
- Ăn gạo mầm có thể giúp ổn định đường huyết (31/10/2013)
- Lưu ý tác dụng phụ trên tiêu hóa của metformin trị đái tháo đường (30/10/2013)
- Hiệu quả tốt khi kết hợp thảo dược với thuốc tây cho người đái tháo đường (28/10/2013)
- Thai phụ bị tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng cao (23/10/2013)
- Nguy cơ rụng răng ở bệnh nhân tiểu đường (17/10/2013)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều