Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Xử trí và phòng ngừa kiệt sức về tinh thần

Cập nhật: 21/7/2020 | 6:15:09 PM

Kiệt sức về tinh thần là một hiện tượng phổ biến và là kết quả của hoạt động quá mức của não và hệ thần kinh.

Cảm giác bị áp lực đè nặng bởi các công việc hàng ngày hoặc trách nhiệm đối với con cái và các thành viên trong gia đình có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, thất vọng và tinh thần bất an. Khi bạn dành nhiều nỗ lực tinh thần cho một công việc, bạn sẽ bị “quá tải” tinh thần. Điều này có thể làm giảm sút khả năng tập trung, dẫn đến mắc phải các sai sót nhiều hơn bình thường và do đó bạn sẽ càng cảm giác căng thẳng, chán nản - một vòng xoáy luẩn quẩn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và những người xung quanh bạn.

Nguyên nhân gây kiệt sức về tinh thần

Mệt mỏi tinh thần không xảy ra tức khắc, mà dần dần tích tụ theo thời gian. Làm việc quá sức, có quá nhiều trách nhiệm, hoặc chỉ đơn giản là có quá nhiều việc phải giải quyết có thể khiến bạn bị vượt ngưỡng chịu đựng và tinh thần của bạn không thể ứng phó được thêm nữa. Lúc đó các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Khi khả năng đối phó với stress trở nên cạn kiệt, mệt mỏi tinh thần trở thành mạn tính. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: trầm cảm, bệnh tim, bệnh mạn tính và rối loạn tự miễn dịch.

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh

Kiệt sức về tinh thần có thể dễ dàng nhận ra với cảm giác bị “cháy sạch” do sự căng thẳng lâu dài. Hội chứng cháy sạch (burnout syndrome) là một thuật ngữ tâm lý, y khoa và xã hội chỉ về hiện tượng kiệt sức hoặc năng suất lao động giảm sút sau một quá trình lao động, hoạt động dài ngày. Triệu chứng ban đầu có thể biểu hiện tinh tế, nhưng theo thời gian sẽ trở nên tồi tệ hơn và lâu dài có thể hình thành các triệu chứng rối loạn thể chất, cảm xúc và hành vi.

Xử trí và phòng ngừa kiệt sức về tinh thầnQuá nhiều việc và trách nhiệm với gia đình, xã hội có thể dẫn tới kiệt sức về tinh thần.
Xử trí và phòng ngừa kiệt sức về tinh thầnQuá nhiều việc và trách nhiệm với gia đình, xã hội có thể dẫn tới kiệt sức về tinh thần.

Triệu chứng cảm xúc: Biểu hiện như cảm giác bất lực, tinh thần căng thẳng quá mức. Cảm giác nghi ngờ bản thân và sợ thất bại có thể chiếm phần lớn suy nghĩ của bạn trong suốt cả ngày, dẫn đến cô lập bản thân và xuất hiện quan điểm bi quan về thế giới và cuộc sống xung quanh.

Triệu chứng hành vi: Không còn dành nhiều thời gian với bạn bè và gia đình bởi vì bạn cảm thấy quá mệt mỏi. Việc trì hoãn và rút khỏi những trách nhiệm từng có trước đây cũng là dấu hiệu của sự kiệt sức về tinh thần. Thói quen ăn uống cũng có thể thay đổi, ăn nhiều hơn hoặc ít hơn. Việc sử dụng rượu hoặc ma túy để giải quyết tình trạng căng thẳng tăng lên cũng có thể là dấu hiệu báo động về mức căng thẳng tinh thần gia tăng.

Các rối loạn kiệt sức về tinh thần

Mệt mỏi về tinh thần có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Chẳng hạn, hiệu năng công việc kém do năng suất giảm có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong công việc của bạn. Tâm trạng khó chịu của bạn có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh, dẫn đến xung đột với bạn bè và người thân. Mức độ kiệt sức về tinh thần của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất.

Xử trí và phòng ngừa

Sau đây là một số cách đơn giản nhưng sẽ giúp cho việc hồi phục tinh thần và thể chất.

Dành thời gian để thư giãn: Một trong những lý do lớn nhất gây ra căng thẳng là thiếu thời gian thư giãn. Nếu bạn không có lối thoát để giảm căng thẳng, căng thẳng sẽ liên tục tăng lên và bắt đầu biểu hiện triệu chứng. Dành thời gian để nghỉ ngơi sau giờ làm việc ở một địa điểm yên tĩnh có thể giúp bạn cân bằng, kiểm soát stress trong phần còn lại của ngày.

Giảm kích thích các giác quan: Môi trường làm việc quá ồn, quá nhiều ánh sáng có thể gây áp lực lên các giác quan, dẫn đến căng thẳng. Cơ thể thường thoải mái nhất khi ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, không bị phân tâm. Việc các giác quan bị kích thích liên tục từ các thiết bị điện tử (như tivi hoặc điện thoại thông minh), có thể gây mệt mỏi mắt, dẫn đến đau đầu và mất ngủ. Nếu có thể, hãy giảm lệ thuộc hoặc tắt các thiết bị điện tử và đi dã ngoại, hoặc đi dạo trong một công viên vào cuối tuần để thiết lập lại sức khỏe tinh thần.

Chọn lọc mức độ ưu tiên trong công việc: Không phải mọi thứ đều phải giải quyết một lúc, và không phải việc nào cũng quan trọng trong cuộc sống của bạn- Xác định như vậy có thể giúp kiểm soát stress và tối ưu hóa cho việc giảm tải tinh thần của bạn.

Dừng các hoạt động có hiệu suất thấp: Thay vì dành thời gian cho các hoạt động tiêu tốn thời gian vô ích, hãy tập trung vào các hoạt động chính trong công việc của bạn. Ngừng ngay việc cập nhật facebook hoặc trả lời email không cần thiết. Thay vào đó, nên sử dụng thời gian để tìm hiểu những điều mới và theo đuổi các hoạt động làm tăng chất lượng cuộc sống của bạn. Tập trung tăng cường mối quan hệ của bạn với gia đình, bạn bè và cộng sự. Hãy làm điều này liên tục trong một năm, bạn sẽ cảm thấy năng lượngtinh thần tăng hơn rõ rệt.

Học cách tập trung: Bằng cách tập trung, bạn có thể làm nhiều hơn trong một khoảng thời gian ngắn, vì vậy bạn có thể giải phóng thời gian rỗi nhiều hơn và giảm nguy cơ mệt mỏi tinh thần.

Giữ gìn đôi mắt của bạn: Nhìn chằm chằm vào máy tính trong nhiều giờ đồng hồ sẽ gây ra mệt mỏi mắt, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung. Cứ 30 phút nên rời màn hình máy tính và tập trung vào các vật thể ở xa hoặc dành một vài phút để nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài ra, giảm độ sáng của màn hình sẽ giúp giảm khả năng tập trung và bạn cảm thấy ít mệt mỏi.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014