Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Đói không sao, ăn vào lại... mệt

Cập nhật: 12/7/2012 | 2:27:39 PM

Có một thực tế là ở những bệnh nhân suy kiệt nặng do nằm lâu, do nuôi dưỡng kém, hoặc do kém khả năng hấp thu, ăn chay, tuyệt thực kéo dài; những người bị đói kéo dài trong các khu vực thiếu lương thực, khi được nuôi dưỡng đầy đủ trở lại (bằng đường miệng, qua ống thông dạ dày hay qua đường truyền tĩnh mạch) thì lại xuất hiện những triệu chứng nặng hơn và nhiều trường hợp đã tử vong. Vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào?

Thế nào là hội chứng sau nuôi dưỡng lại?

Hội chứng sau nuôi dưỡng lại (refeeding syndrome) là một loạt các rối loạn chuyển hóa xảy ra ở các bệnh nhân nhịn đói lâu ngày, bệnh nhân suy dinh dưỡng được nuôi dưỡng trở lại. Hội chứng này có thể gặp sau nuôi dưỡng lại ở những bệnh nhân có hội chứng chán ăn do nguyên nhân thần kinh, suy dinh dưỡng ở người già hoặc trẻ em, suy dinh dưỡng ở người nghiện rượu, ở những bệnh nhân ung thư đang được điều trị hóa chất, bệnh nhân sau mổ, sau mổ cắt đoạn ruột, bệnh nhân nằm lâu do tai biến mạch máu não, do bại liệt…

 Chăm sóc bệnh nhi qua đường sông dạ dày.  Ảnh: H.Hải

Cơ chế của các rối loạn sau nuôi dưỡng lại

Sau 24 - 72 giờ nhịn đói, nồng độ đường glucose trong máu bắt đầu giảm. Nồng độ insulin giảm trong khi nồng độ glucargon tăng lên để huy động chuyển đổi glucose từ kho dự trữ glycogen của cơ thể nhằm cung cấp năng lượng cho các mô không có đường dự trữ như não, tủy thận và hồng cầu. Sau 72 giờ, lượng glycogen nhanh chóng bị cạn kiệt và glucose được tổng hợp chủ yếu bằng mỡ và protein của cơ. Như vậy, nguồn mỡ và protein tại các mô mỡ và khối cơ trong cơ thể sớm muộn cũng sẽ hết nếu bệnh nhân không được nuôi dưỡng kịp thời.

Khi bệnh nhân được nuôi dưỡng trở lại, một lượng lớn glucose được hấp thu vào máu dẫn đến tăng giải phóng insulin để đưa glucose vào trong các tế bào. Quá trình này kèm theo một lượng lớn phosphate, magnesium, potassium cũng vào theo trong tế bào gây thiếu phospho, magne và kali trong máu. Lượng glucose cao đột ngột trong máu cũng làm giảm bài tiết natri và nước tự do qua thận gây thừa nước và muối trong cơ thể. Hậu quả là phù phổi, suy tim, phù ngoại biên có thể xảy ra. Truyền glucose quá nhanh cũng gây tăng đường máu và làm tăng áp lực thẩm thấu máu. Nuôi dưỡng thiếu các vitamin, đặc biệt là vitamin B1 có thể gây các thương tổn thần kinh và tim mạch. Lượng albumin máu giảm nhiều ở bệnh nhân suy kiệt nặng không giữ được nước trong lòng mạch nên khi được truyền dịch, nước sẽ thoát ra gây phù, tràn dịch màng bụng, màng phổi, màng ngoài tim.

Biểu hiện của hội chứng sau nuôi dưỡng lại

Triệu chứng của hội chứng sau nuôi dưỡng lại thường gặp ở người nhịn đói hoặc có tình trạng dinh dưỡng kém trên 10 ngày hoặc đã sụt cân do dinh dưỡng trên 30% trọng lượng cơ thể. Các triệu chứng rất đa dạng, phong phú, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, ở nhiều cơ quan khác nhau như tim mạch, hô hấp, thần kinh - cơ, tiêu hóa, nội tiết, huyết học với nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa nước, điện giải và thiếu hụt các vitamin. Hạ phospho máu rất hay gặp trong hội chứng sau nuôi dưỡng lại. Lượng phospho giảm trong khoảng từ 0,3 - 0,5 mmol/L có thể gây loạn nhịp tim, suy hô hấp, tiêu cơ vân và rối loạn ý thức.
 
 Lượng albumin máu giảm gây tràn dịch màng ngoài tim (trên phim chụp CT scaner).
Nồng độ kali máu dưới 2,5 mmol/L làm yếu cơ, liệt cơ, suy hô hấp, hoại tử cơ, tiêu cơ vân và loạn nhịp tim nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Lượng magne, canxi  máu giảm làm xuất hiện cơn tetani, co giật, co thắt thanh môn, rối loạn nhịp tim, rối loạn ý thức. Phù phổi cấp do thừa dịch, suy tim do thừa dịch, do thiếu vitamin B1, suy thận cấp và các triệu chứng khác như đau cơ, chướng bụng do liệt ruột cơ năng, rối loạn chức năng các tế bào máu… cũng có thể xảy ra.

Các giải pháp

Bỏ sót hội chứng sau nuôi dưỡng lại có thể làm bệnh nhân nặng thêm hoặc thậm chí tử vong. Các biện pháp dự phòng bao gồm nuôi dưỡng đầy đủ cho các đối tượng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng như bệnh nhân ung thư, bệnh nhân sau mổ…; với những bệnh nhân suy dinh dưỡng có nguy cơ cao, khi nuôi dưỡng, nên theo dõi liên tục các thông số về nước, điện giải (natri, kali, magne, phospho, canxi) , kiềm toan, protein, albumin máu cũng như các biểu hiện lâm sàng như tim mạch, hô hấp, thần kinh; bắt đầu nuôi dưỡng bằng số calorie vào khoảng một nửa so với nhu cầu thực của bệnh nhân sau đó tăng dần cho đủ trong vòng 7 - 10 ngày sau. Bổ sung đầy đủ và hợp lý các thành phần trong thức ăn như đường, đạm, mỡ, chất xơ, vitamin, các yếu tố vi lượng. Lượng nước nên đảm bảo vừa đủ cho bệnh nhân, tránh thừa hoặc thiếu. Tiếp tục theo dõi các thông số lâm sàng và xét nghiệm hằng ngày cho tới khi bệnh nhân ổn định.


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014