Chết vì... quá bổ
Cập nhật: 22/5/2012 | 9:14:58 AM
Dù rất cần thiết với người già, người suy nhược cơ thể, trẻ biếng ăn hoặc chậm lớn nhưng nếu không sử dụng đúng cách thì thuốc bổ vẫn tác động xấu đến sức khỏe.
Một bệnh nhân dị ứng thuốc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Đưa con đi khám tại Trung tâm Khám - Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), chị Trần Nghĩa Thục (27 tuổi, ngụ huyện Thanh Trì - Hà Nội) cứ băn khoăn không hiểu tại sao cậu con trai 2 tuổi dù được “nạp” đều đặn 2-3 loại thuốc bổ mà vẫn biếng ăn, chậm nói, chậm đi; đôi lúc co giật, nôn trớ. Các bác sĩ tại đây kết luận cậu bé bị thừa vitamin A, D và canxi.
Tự ý bổ sung
Lúc này, chị Thục mới tá hỏa và kể cho bác sĩ nghe gần một năm trước, sau khi đưa con đi khám dinh dưỡng, chị thường xuyên cho con uống theo đơn thuốc này. Thấy con vẫn biếng ăn, chậm lớn, chị đã tăng liều và mua thêm một số thuốc bổ sung canxi vì nghĩ đơn giản rằng thuốc bổ chắc uống nhiều một chút cũng chẳng sao.
Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y, việc bổ sung vitamin D và canxi quá nhiều trong thời gian dài sẽ dẫn đến dư thừa canxi trong máu, gây ra trạng thái kích thích, co giật. Ngay cả vitamin A, dù đóng vai trò rất quan trọng giúp tăng cường thị giác nhưng nếu dùng liều cao kéo dài, đặc biệt ở trẻ em, sẽ dẫn đến viêm gan cấp. “Nguyên nhân dễ gây ngộ độc vitamin A ở trẻ là do trẻ đã uống sữa công thức, trong đó có chứa một lượng vitamin A phù hợp nhưng các bà mẹ không biết nên tự ý bổ sung thuốc có chứa các loại vitamin khác, kể cả vitamin A.
Tất cả tình huống này sẽ dẫn đến tích tụ vitamin A trong gan. Tương tự, việc dùng vitamin D liều cao kéo dài sẽ tích lũy thuốc, làm tăng canxi trong máu gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, tổn thương thận, tăng huyết áp”, bác sĩ Đằng lưu ý.
Có thể tử vong
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Tĩnh (33 tuổi, ngụ Phú Thọ), nhập viện chiều 16-5 do dị ứng thuốc bổ.
Chị Tĩnh cho biết do bị đau mỏi xương khớp, ăn không ngon nên đã đi bốc thuốc nam của một ông thầy lang ở Yên Bái. Sau khi uống hết cốc thuốc chưa đầy 1 giờ, đầu óc choáng váng, nước mắt chảy ròng, toàn thân nổi mẩn, mặt sưng vù nên chị phải nhập viện theo dõi.
Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, trung tâm không chỉ tiếp nhận các trường hợp dị ứng với thuốc tây y, đông y, thuốc nam mà còn nhiều trường hợp phản ứng với các loại thuốc bổ dạng vitamin, thuốc bổ giúp tăng chất nhờn của khớp, thậm chí cả thực phẩm chức năng. Biểu hiện là người bệnh phát ban đỏ toàn thân, ngứa, viêm da, phù nề, thậm chí sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong.
Đừng lạm dụng
“Đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại mà dùng vô tội vạ. Hiện tượng nhiều trẻ tử vong, nhiễm độc sau khi uống thuốc nam chứa chì cũng là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ”, bác sĩ Khánh nhắc nhở.
Còn theo bác sĩ Đằng, dù là vitamin nhưng mỗi loại thuốc đều có những tác hại khác nhau nếu lạm dụng. Chẳng hạn, vitamin A gây ngộ độc, đau nhức xương; vitamin C gây sỏi thận, đau dạ dày; vitamin D gây co giật; lạm dụng canxi dễ gây táo bón hoặc sỏi thận. Đó là chưa kể đến các tác dụng phụ khác như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn.
Giới chuyên môn cũng cảnh báo cùng với sự bùng nổ của thị trường thuốc bổ, thuốc hỗ trợ sức khỏe, tình trạng chuộng thuốc bổ ngày càng phổ biến. Nhiều người uống các loại thực phẩm bổ sung, vitamin, thực phẩm chức năng vì nghĩ đó là những viên thuốc kỳ diệu giúp tăng cường sức khỏe. Thực tế, sử dụng thuốc bổ không thay thế được thức ăn. Do đó, thay vì tốn kém cho các loại vitamin, vi chất bổ sung hay thực phẩm chức năng, trước hết, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng các nhóm thực phẩm. Nếu sử dụng các loại thuốc bổ, cần phải theo sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
(Nguồn: nld.com.vn)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu. Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Bảo dưỡng máy Sắc ký lỏng khối phổ (LCMS) (22/11/2024)
- Những nguyên nhân chính khiến phụ nữ nhanh già (19/5/2012)
- Nguy cơ đột tử ở người cao tuổi trong mùa nóng (16/5/2012)
- Kết hợp tập thể dục với sử máy tính giảm mất trí nhớ về già (10/5/2012)
- Phòng tránh ngã cho người cao tuổi (8/5/2012)
- Rèn luyện trí tuệ và thể chất ở người già (6/5/2012)
- Thức ăn nào có lợi cho sức khỏe người cao tuổi? (2/5/2012)
- Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi (28/4/2012)
- Dấu hiệu người cao tuổi mắc chứng bệnh thần kinh (26/4/2012)
- Biện pháp phòng ngừa bệnh tuổi già (24/4/2012)
- Phòng bệnh đi tiểu đêm ở người cao tuổi (23/4/2012)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều